Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CK: CTD) của ông Nguyễn Bá Dương đã công bố BCTC quý 2/2019 với doanh thu và lợi nhuận sụt tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ.
Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận èo uột
Theo đó, quý II/2019, Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương đạt 5.788 tỷ đồng doanh thu, giảm 30% so với cùng kỳ. Trong đó, giá vốn hàng bán chiếm gần 97% trong doanh thu thuần nên CTD chỉ còn gần 184 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Nếu so với kết quả thực hiện của cùng kỳ năm 2018, lợi nhuận gộp của Coteccons đã giảm 67%, biên lãi gộp thiết lập mức thấp kỷ lục mới chỉ đạt 3,2% trong khi trước đó quý I/2019 đạt 6,4%.
Trong cơ cấu 5.788 tỷ đồng doanh thu thuần của doanh nghiệp, hoạt động hợp đồng xây dựng mang về cho Coteccons 5.782 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 8.294 tỷ. Số còn lại rất nhỏ đến từ các hoạt động khác như cho thuế thiết bị xây dựng (1,2 tỷ), cho thuê văn phòng (2,9 tỷ) và doanh thu khác (2 tỷ).
Trong kỳ, hoạt động tài chính mang về khoản doanh thu gần 72 tỷ đồng chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng.
Ngoài ra, hoạt động liên doanh liên kết lỗ 10,6 tỷ đồng; Lợi nhuận khác mang về 6,1 tỷ đồng, giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với doanh thu sụt giảm, các loại chi phí phát sinh trong kỳ của Coteccons cũng giảm tương ứng. Trong đó, chi phí của hoạt động này chỉ có hơn 4 triệu đồng, bằng 1/10 so với cùng kỳ; Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm từ 125 kỳ chỉ còn 95 tỷ đồng trong kỳ; Chi phí khác 2,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh về doanh thu trong kỳ đã khiến cho Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương chỉ lãi ròng gần 124 tỷ đồng trong quý vừa qua, giảm tới 71% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận sau thuế quý II/2019 của Coteccons cũng là mức lãi thấp nhất cùng kỳ 4 năm gần nhất. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp, doanh nghiệp này giảm lợi nhuận. EPS rớt từ 5.194 đồng xuống chỉ còn 1.537 đồng.
Lũy kế 6 tháng, Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương đạt doanh thu thuần 10.038 tỷ đồng và lãi sau thuế 313 tỷ đồng, giảm lần lượt 20% và 56% so với cùng kỳ năm trước. EPS còn 3.901 đồng.
So với con số kế hoạch năm 2019 ông Nguyễn Bá Dương đặt ra 27.000 tỷ doanh thu và 1.300 tỷ lãi ròng, Coteccons mới chỉ hoàn thành 37% kế hoạch doanh thu và 24% kế hoạch lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm nay.
Lợi nhuận giảm mạnh song lưu chuyển tiền và đương đương tiền thuần trong kỳ 197 tỷ thay vì âm 634 tỷ trong cùng kỳ năm trước. Dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh âm 146 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước âm tới 1.452 tỷ đồng.
Tính đến 30/06/2019 tổng tài sản Coteccons đạt hơn 15.598 tỷ đồng, giảm 1.225 tỷ đồng so với đầu kỳ chủ yếu do giảm các khoản phải thu ngắn hạn từ 9.054 tỷ đồng xuống còn 7.814 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Conteccons đạt 7.577 tỷ đồng, giảm 1.283 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tới gần 95% nguồn vốn chủ sở hữu 8.021 tỷ đồng của Coteccons. Trong cơ cấu nguồn vốn đó, có 3.039 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, 3.998 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và trên 630 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Đáng chú ý, Coteccons có tiền nhàn rỗi vào khoảng 4.416 tỷ đồng, bằng 28% tổng tài sản và không ghi nhận khoản vay nợ thuê tài chính nào trong nửa năm vừa qua.
Lợi nhuận èo uốt, sáp nhập “thất bại”
Hiện tại, các công ty liên kết của Conteccons của ông Nguyễn Bá Dương bao gồm Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, công ty cổ phần đầu tư Hạ tầng FCC, công ty cổ phần đầu tư Hiteccons và công ty cổ phần thương mại Quảng Trọng với số vốn góp lần lượt là 295 tỷ, 104 tỷ, 2,5 tỷ và 146 triệu đồng tính tới thời điểm 30/6/2019.
Liên quan đến công ty liên kết, trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2019 vừa qua của Coteccons, lãnh đạo Coteccons dự kiến trình phương án hợp nhất Coteccons cùng công ty liên kết là Ricons. Theo vị chủ tịch HĐQT Coteccons là ông Nguyễn Bá Dương, việc hợp nhất này nhằm tăng khả năng “phòng thủ” của doanh nghiệp. Việc sáp nhập sẽ biến Coteccons sở hữu 3 công ty trong TOP 5 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, đề xuất này đã bị cổ đông lớn của Coteccons là Kustocem phản đối. Kết quả, sau thời gian nghị luận căng thẳng, các cổ đông của Công ty Xây dựng Coteccons đồng loạt thống nhất gạt bỏ tờ trình về thương vụ sáp nhập với Ricons ra khỏi Đại hội cổ đông thường niên năm nay, không cần phải biểu quyết.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên nội bộ Coteccons của xảy ra bất đồng, mâu thuẫn nội bộ. Được biết, những tin đồn về mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa các cổ đông tại Coteccons đã bắt đầu xuất hiện kể từ năm 2017.
Đặc biệt, những nghi vấn về những công ty sân trước – sân sau của gia đình chủ tịch Nguyễn Bá Dương cũng bắt đầu bộc lộ rõ nét hơn. Nhiều người đặt câu hỏi, ông Nguyễn Bá Dương có hoàn toàn tâm huyết với Coteccons không khi mà chính vị chủ tịch này từng chia sẻ sẽ nhường lại vị trí cho đội ngũ kế cận.
Chưa kể, Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương có đến 4 công ty thành viên không nắm quyền chi phối bị nghi ngờ là “sân sau” của gia đình chủ tịch, thiếu minh bạch… Đây cũng là thời điểm hoạt động của Coteccons bắt đầu có phần chững lại.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Quỹ KIM Vietnam Growth Equity Fund đã mua vào 260.000 cổ phiếu CTD của Công ty cổ phần Xây dưng Coteccons, qua đó nâng tỷ sở hữu của nhóm quỹ Hàn Quốc này từ 7,68% lên 8,02% vốn cổ phần. Quỹ VOF Investment Limited do Vinacapital quản lý mua thêm 50.000 cổ phiếu CTD, để nâng tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Vinacapital lên 7%.