Dân Việt

Cuộc hội ngộ của những cây đàn quý hiếm triệu đô tại Hà Nội

Huy Hoàng 18/07/2019 16:56 GMT+7
Những cây đàn quý hiếm có giá trị từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu đô được mang tới thủ đô Hà Nội bởi các giám khảo, nghệ sĩ biểu diễn danh tiếng và những thí sinh dự thi. 

Từ 3/8 đến 18/8, Cuộc thi âm nhạc quốc tế cho violon và hoà tấu thính phòng Việt Nam 2019 và Liên hoan âm nhạc Vietnam Connection sẽ được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 64 thí sinh đến từ 19 quốc gia. Trong đó, ở bảng violin, Việt Nam được chọn 5/29 thí sinh; ở bảng hòa tấu thính phòng, số lượng nhóm thí sinh Việt Nam là 7/11...

img

Nghệ sĩ Kyung Sun Lee

Cuộc thi Âm nhạc quốc tế violin và hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 sẽ được tổ chức theo chuẩn mực của đa số các cuộc thi uy tín trên thế giới. Sau vòng loại qua băng video, Ban giám khảo sẽ chọn 24 thí sinh lọt vào vòng thi chính thức (vòng 1), tiếp đến là 12 thí sinh vào bán kết (vòng 2) và 6 thí sinh vào vòng chung kết cho mỗi bảng thi.

Ban giám khảo cuộc thi gồm 16 thành viên, là những nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Viktor Tretyakov (từng đoạt giải nhất tại cuộc thi Âm nhạc Tchaikovsky năm 1966 và nhiều giải thưởng quốc tế lớn); các nghệ sĩ Stephanie Chase, Vilmos Szabadi, Xi Chen, Max Levinson, Kyung Sun Lee, Honna Tetsuji...

Lần đầu tiên khán giả thủ đô sẽ được chứng kiến những tài năng âm nhạc thế giới biểu diễn bên những cây đàn quý hiếm, có giá trị về mặt kinh tế và lịch sử.

Trên thế giới, những cây đàn quý thường hay thuộc quyền sở hữu của chính phủ, ngân hàng hay của các nhà sưu tập. Những nghệ sĩ thành danh, có uy tín lâu năm và đoạt giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi lớn quốc tế thường hay được các tổ chức này cho mượn đàn để biểu diễn và điều này thường được ghi rõ trong các ấn phẩm quảng cáo về chương trình biểu diễn của nghệ sĩ. Chỉ một số ít các nghệ sỹ trên thế giới mới có may mắn sở hữu riêng những nhạc cụ quý hiếm này. 

Các cây đàn cổ luôn được các nhà sưu tầm săn tìm và được các nghệ sĩ lớn sử dụng. Tuy nhiên, người yêu nhạc Việt Nam sẽ có cơ hội thưởng thức âm thanh từ các cây đàn cổ của Guarnerius, Stradivarius, Guadanini, Gagliano, Storioni, Collin – Mezin... do các thành viên Ban giám khảo và thí sinh mang đến Cuộc thi âm nhạc quốc tế cho violon & hoà tấu thính phòng tại Hà Nội vào tháng 8 tới. Đây là điều khá đặc biệt vì ngay cả trên thế giới cũng không quá nhiều dịp các cây đàn được tập trung để biểu diễn cho mọi người thưởng thức như vậy. 

img

Giám khảo Viktor Tretyakov – Chủ tịch hội đồng giám khảo bảng violon

Giám khảo Viktor Tretyakov – Chủ tịch hội đồng giám khảo bảng violon hiện đang chơi cây đàn do Nicolo Gagliano chế tác năm 1772. Còn giám khảo Chen Xi đang là giảng viên violon tại Nhạc viện Quốc gia Trung Quốc, và anh đang chơi cây đàn Pietro Guarneri của Mantua được làm năm 1690. 

Nghệ sĩ violon, giám khảo Kyung Sun Lee đã theo học cùng với Nam Yun Kim, Sylvia Rosenberg, Robert Mann và Dorothy Delay, đang biểu diễn trên cây đàn Joseph Guarneris, được làm từ năm 1723. 

Giám khảo Vilmos Szabadi từng phát hành 59 sản phẩm âm nhạc với rất nhiều công ty thu âm trên toàn thế giới. Hiện nay, ông thường xuyên biểu diễn trên cây đàn do nghệ nhân Laurentius Storioni chế tác năm 1778.

img

Nghệ sỹ Stephanie Chase

Nghệ sỹ Stephanie Chase thường biểu diễn với vai trò nghệ sĩ độc tấu violin kiêm chỉ huy dàn nhạc. Cây đàn violin của bà được làm vào năm 1742 bởi Petrus Guarnerius ở Venice và cây archet được thực hiện bởi Dominique Peccatte.

Nicolo Amatilà cháu của Andrea Amati, người phát minh ra đàn violin. Ông là người duy nhất nhận người ngoài dòng họ về để truyền kỹ thuật làm đàn, và chính Andrea Guarneri - người lập nên thương hiệu đàn Guarneri là học trò của ông. Hiện nay các cây đàn của Amati rất hiếm và thường chỉ được trưng bày tại một số bảo tàng nghệ thuật trên thế giới. Nghệ sỹ Violon Emmanuel Borok hiện đang sở hữu một trong số những cây Amati quý hiếm.

Giovanni Guadagnini được coi là một trong những nhà làm đàn giỏi nhất trong lịch sử đàn dây. Ông được coi là đứng thứ 3 sau Guarneri và Stradivari. Các cây đàn ông làm ra được chia làm 4 giai đoạn và được đặt tên theo các thành phố nơi ông sống và sản xuất đàn: Piacenza, Milan, Parma and Turin. Một số nghệ sĩ dùng đàn của ông có violinist Zakhar Bron, Y.Heifetz, J.Joachim, Viktoria Mulova, Eugène Ysaÿe, H. Vieuxtemps,… các cellist Han-na Chang, Sol Gabetta…