Vài năm về trước khi tiền lẻ ngập tràn trong các nơi thờ tự, các cơ quan quản lý bắt đầu giật mình tìm cách hạn chế và quản lý cái gọi là giọt dầu hay “lễ đen”.
Ép thần thánh nhận hối lộ
Một trong những giải pháp cho đến bây giờ vẫn được áp dụng là đặt hòm công đức đúng vị trí và khuyến khích người dân bỏ tiền vào hòm, vừa đảm bảo thỏa mãn được nguyện vọng của người đi lễ (mà đa phần là xin xỏ) lại vừa đảm bảo mỹ quan nơi đình, đền, chùa, miếu… Bên cạnh đó, Ban Quản lý các di tích cũng tổ chức lực lượng thường xuyên ứng trực, nhắc nhở người dân không đặt tiền lên ban thờ, gài vào lọ hoa, giắt tiền vào tay tượng. Lực lượng này cũng được giao trách nhiệm thu gom tiền lẻ kịp thời, không để tiền chất đống trên các ban thờ…
Thêm vào đó, các phương tiện truyền thông ra sức tuyên truyền, định hướng, dẫn ra cả giáo lý nhà Phật… Nhưng rồi tất thảy đều thua cái gọi là "hiệu ứng đám đông". Mùa lễ hội này, dù được chuẩn bị kỹ càng ngay từ đầu, nhưng rồi nạn tiền lẻ rải di tích vẫn tràn lan, không chỉ di tích tín ngưỡng mà còn "tấn công" sang cả di tích văn hóa, "nạn nhân" tiêu biểu nhất là Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Tiền được dùng để đặt lên đầu rùa, xoa lên bia đá, vứt lên mái nhà, gài vào cây cối xung quanh Văn Miếu. Chùa Đồng - Yên Tử mới được đúc, người ta đánh giá, đây là một trong những kỳ quan trên đỉnh Phù Vân, và kỳ quan ấy đang phải đối mặt với nguy cơ xuống cấp khi cả triệu lượt người lấy tiền lẻ xông vào mà xoa cho bằng được nhằm cầu may. Mọi chi tiết, cấu kiện chùa Đồng, hở ra khe nào, người ta nhét tiền vào khe đó. Chuông đồng, khánh đồng kế đó cũng cứ bóng loáng lên theo từng động tác chà xát tiền của người đi lễ.
Ga Cáp treo chùa Hương cũng là một trong những địa điểm du khách "thích" rải tiền lẻ. Trong 5 ngày đầu tiên của năm mới, chùa Hương đón 10 vạn khách hành hương. Riêng ngày khai hội, danh thắng này đón 5 vạn khách. Mỗi người chỉ thả một tờ tiền thôi thì ga cáp treo ở chùa cũng đã đủ… ngập. Dù đã được nhắc nhở, thậm chí là cấm, nhưng hễ lực lượng bảo vệ quay đi là người ta thả tiền vào lòng tượng Phật trong động Hương Tích. Hình ảnh buồn hơn là hai con sư tử đá trước sân Thiên Trù chùa Hương bị người đi lễ vo tiền lại nhét vào hai lỗ mũi.
Hình thành "tín ngưỡng"rải gạo muối
Di tích Bia Bà - phường La Khê quận Hà Đông, Hà Nội, 9h sáng ngày 22-2. Dù đã có nhắc nhở trên hệ thống loa của di tích, tại tất cả các gốc cây từ to đến nhỏ đều đặt biển "Cấm rắc gạo muối, thắp hương lên các gốc cây", chu đáo hơn BQL di tích còn đặt cả những chiếc thúng to ở nơi hóa vàng để lễ xong mang gạo muối ra đổ vào đó, nhưng người đi lễ vẫn phớt lờ. Cúng xong là nhanh tay rắc. Mấy ngày đầu năm trời mưa nhiều, gạo gặp nước lên meo bốc mùi khó chịu.
Chị Lê Ngọc Anh (Thanh Xuân Trung, Hà Nội) khi được hỏi rắc gạo muối để làm gì thì hồn nhiên đáp: "Thấy người ta cúng rồi rắc, thì cũng làm theo, có lẽ là xua đuổi tà ma, cứ làm thôi vì có thờ có thiêng có kiêng có lành".
Bà Nguyễn Thị Hương ở Tô Hiệu- Hà Đông thì chắc như đinh đóng cột là "cúng chúng sinh". Vòng quanh những quán hàng trong khu vực Bia Bà chúng tôi được những người bán hàng hướng dẫn mua lễ muối, gạo, trứng để cúng các quan, cúng xong phải rắc vào gốc cây hay rắc ra sân thì sẽ gặp may mắn cả năm, cầu được ước thấy.
Đem những thắc mắc này, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Bá Quang, một trong những người trông coi di tích Bia Bà. Khi được hỏi về "tục rắc gạo muối" ở đây, ông Quang cho biết "Người ta cứ phú quý sinh lễ nghĩa thì rắc chứ làm gì có tục lệ như thế, ngày xưa gạo ăn còn không có lấy đâu ra gạo mà rắc tràn lan".
PGS.TS Trần Lâm Biền khẳng định, xưa nay không hề có chuyện rắc gạo muối ở nơi đền, chùa, đình, phủ. Đó là một hành động ý nghĩa, nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ, và phong tục xưa chỉ là tượng trưng, còn nay rắc lấy được, lại rắc không đúng chỗ, đúng nơi thì chỉ là hành động bậy bạ và có tội với thánh thần.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo cũng cho rằng: "Đó là hành động xui nhau làm bậy. Xưa nay người ta chỉ rắc gạo muối khi cúng chúng sinh vào ngày rằm tháng 7, hay cúng cô hồn trong ngày đầu năm. Nhưng ở đình, chùa là nơi có thần ngự trị, làm sao lại rắc gạo muối ở nơi linh thiêng này?".
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cho biết, việc cúng gì, cúng như thế nào người xưa thường làm tượng trưng, đó là nét văn hóa tín ngưỡng đáng trân trọng. Gạo là của ngọc thực, vung vãi khắp nơi như thế là hành động phản cảm, thiếu văn hóa, cần phải chấn chỉnh kịp thời trước khi nó thành dịch và lan rộng.
Đi lễ cần có thiện tâm
Nhà Phật tâm niệm rằng thờ Phật tại tâm. Các lễ hội cũng vậy, tưởng nhớ, tâm niệm biết ơn các bậc thần linh, các thần thánh, các vị anh hùng có công với đất nước thì người dân hãy noi theo các Ngài, tu theo các Ngài, thực hiện tốt lời Phật dạy, đặc biệt là không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu hay dùng các chất kích thích. Đấy là sống cuộc sống cho tốt, đúng với cuộc sống tâm linh Phật giáo, như vậy tốt hơn là tham gia cổ vũ cho những cái đã bị pha trộn, mang tính chất không tốt cho xã hội như cờ bạc, thương mại hóa lễ hội, không đúng với tinh thần Phật giáo, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của lễ hội người Việt Nam chúng ta.
Chúng tôi rất mong các Phật tử qua học giáo lý đạo Phật sẽ giữ được vẻ đẹp truyền thống như trong kinh Phật đã dạy: sống thiện, sống tốt… Đức Phật đã dạy chúng ta cách ứng xử hàng ngày từ gia đình đến xã hội. Làm tốt được những ứng xử đó đã là lễ Phật, lễ Thánh, đã là làm tốt những điều mà hiện nay xã hội rất cần, hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn, giữ gìn được những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Phong tục xưa đã được cả ngàn năm chắt lọc, được cộng đồng chấp nhận. Người ta làm đơn giản, văn hóa, không xô bồ. Đó là những phong tục đẹp. Nhưng ngày nay phú quý sinh lễ nghĩa mà nhiều khi lại thiếu văn hóa. Làm cái gì cũng nên có mức độ, có điểm dừng. Nhà chùa, nhà đền nên hướng dẫn các đạo hữu, Phật tử hiểu rõ ý nghĩa của phong tục này và ứng xử trong di tích tín ngưỡng sao cho thật văn minh. Nếu nhiều người cúng gạo, muối thì nên có những hũ, chum để cúng xong người ta cho riêng vào từng hũ chứ không nên vung vãi khắp nơi.
Ở lễ hội: hội đình, hội chùa, hội làng thì bản chất của các hoạt động đốt vàng mã hay rải muối gạo là tâm linh. Hiện nay việc hiểu biết sâu sắc về tín điều, về giáo lý của các hoạt động tâm linh này còn rất thiếu. Ít người bỏ công sức tìm hiểu một cách sâu sắc để hiểu rõ niềm tin của mình. Người ta đi lễ hội phần nhiều theo cảm tính, hành xử theo "đám đông" cho nên mới có nhiều điều thiếu văn minh. Làm cho những người đi lễ, đi hội hiểu sâu sắc về giáo lý, tự tu tâm và có thiện tâm thì chắc sẽ giảm được những biến tướng và sự phô trương như hiện nay.