Trong thời gian gần đây, cái tên Từ Hiểu Đông được giới võ thuật và truyền thông Trung Quốc nhắc đến nhiều trong khoảng 3 năm nay. Anh gần như là võ sĩ đại diện cho MMA và lần lượt đánh bại những võ sư truyền thống. Từ đó, nhiều người bắt đầu chê bai võ thuật truyền thống và đề cao MMA.
Tuy nhiên những chiến thắng của Từ Hiểu Đông có thực sự là một minh chứng cho việc võ cổ truyền đã không còn tính thực dụng trong chiến đấu?.
Có một thực tế là võ thuật cổ truyền được xây dựng thông qua cuộc chiến chạy dài theo dòng lịch sử. Và những bài quyền luyện tập từ nguyên sơ đều là những bài luyện “Binh Khí”. Võ thuật Trung Quốc hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 11 trước công nguyên. Việc luyện tập nhằm giúp binh lính chiến đấu tốt hơn trong “Trận Chiến“. Và tất nhiên đây không phải những trận đấu bằng tay không trong sàn đấu MMA.
Đủ để thấy nguyên bản của võ thuật truyền thống là luyện tập với vũ khí chứ không phải đối kháng tay không. Những đòn hiểm như chọc mắt hay đánh hạ bộ trong đối kháng thể thao được cho là thiếu võ đạo. Nhưng trong những trận chiến mang tính chất sinh tử thì điều này chẳng đánh quan tâm. Ngay những bài quyền tay không thì có khá nhiều đòn hiểm. Tôi xin lấy một thế trong bài “Mai Hoa Quyền” làm ví dụ. Thế “Kim Kê Độc Lập” gồm ba đòn: Chọc mắt, đánh vào chấn thủy và đá vào hạ bộ.
Thế Kim Kê Độc Lập trong bài Mai Hoa Quyền
Vốn dĩ được sử dụng trong những tình huống sinh tử trên chiến trường, do đó những đòn hiểm không có gì xa lạ trong các môn võ cổ truyền. Những điều trên có thể thấy đối kháng tay không chỉ là một phần nhỏ trong võ thuật truyền thống và khác hẳn hướng đi của võ thuật hiện đại ngày nay.
Còn các bộ môn võ thuật hiện đại điển hình MMA là một môn thể thao đối kháng mang tính giải trí. Các võ sĩ tập trung chủ yếu vào kỹ thuật đối kháng tay không và sử dụng đòn thế hợp lệ theo luật đề ra. Từ đó hệ thống kỹ thuật đòn dần phát triển theo thời gian, tinh giảm cách ra đòn càng nhanh gọn, càng thực chiến.
MMA không đơn giản là một môn thể thao mà đã là một ngành “công nghiệp” hái ra tiền lên tới hàng triệu USD. Do đó tính ganh đua, cọ sát giữa những người luyện tập cực kỳ cao. Chính nhân tố này giúp cho bộ môn phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng.
Trong khi đó võ cổ truyền hiện nay mang màu sắc văn hóa nhiều hơn là đối kháng. Ngay cả những trận đấu đối kháng Võ Cổ Truyền hiện nay khá giống lối đánh kickboxing, các VĐV Võ cổ truyền cũng luyện tập nhiều môn võ khác như Muay Thái hay Kickboxing để thi đấu chứ không còn chỉ tập luyện võ cổ truyền. Bản thân MMA cũng không phải một môn võ mà là một thể thức thi đấu đối kháng, các võ sĩ được quyền tập bất cứ môn võ gì miễn là có thể thi đấu tốt. Ngay cả những ngôi sao MMA như Anderson Silva cũng luyện qua môn võ Vịnh Xuân Quyền.
Xét cho cùng, Võ cổ truyền hiện nay không thể đối chọi với MMA trên sàn đấu đối kháng tay không. Nhưng cũng không thể phủ nhận tính thực chiến của võ cổ truyền trong thực chiến, bởi bản chất của võ thuật là dùng để chiến đấu. Nếu nó không hữu dụng trong thực tế thì sẽ tự động biến mất. Nếu võ cổ truyền không có tính thực chiến thì không thể nào nó có thể tồn tại đến ngày hôm nay. Vấn đề hiện tại là võ cổ truyền không còn hữu dụng trong thời kỳ dùng súng đạn và nếu muốn sử dụng trên sàn đối kháng thì sẽ phải thay đổi rất nhiều.