Dân Việt

Mở rộng kinh doanh "lên trời", FLC và Vingroup bất ngờ "đối đầu"

Quang Sơn 19/07/2019 11:25 GMT+7
Cả FLC và Vingroup đều đang hướng đến dự án phát triển đào tạo nhân sự cấp cao ngành hàng không.

Sau Bamboo Airways, FLC cấp tốc thành lập học viện đào tạo phi công

Trong ĐHCĐ thường niên 2019, Tập đoàn FLC đã trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực mới như y tế, giáo dục, nông nghiệp…

Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục, FLC đề nghị bổ sung ngành nghề về Hoạt động của các trường đào tạo phi công và nhân viên hàng không.

Vào đầu tháng 6/2019, trên cơ sở đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chuyên môn khác và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kí văn bản đồng ý chủ trương cho phép thành lập Trường Đại học FLC tại tỉnh Quảng Ninh. Hàng không là một trong ba chuyên ngành đào tạo chính của Trường đại học này. 

img

FLC muốn nhanh chóng thực hiện dự án đào tạo nhân sự hàng không.

Cuối tháng 6, FLC đã nêu kế hoạch về dự án Học viện hàng không và Trung tâm bảo dưỡng tàu bay trong văn bản gửi UBND tỉnh Cần Thơ. Cụ thể, FLC muốn xây dựng tổ hợp trên diện tích 40 ha, phía Bắc giáp với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Dự án này gồm trung tâm thương mại dịch vụ hàng không, học viện hàng không, khu lưu trú, logistic, nhà máy chế biến suất ăn, nước đóng chai...

Còn trong tháng 7 này, FLC dự kiến sẽ chính thức khởi công Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại Quy Nhơn trên quy mô 10 ha, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Theo FLC, Viện đào tạo này dự kiến hoạt động từ năm 2022, cung cấp nhân sự cho các nhóm ngành như phi công, tiếp viên, kỹ thuật, khai thác mặt đất...

Trong ĐHCĐ thường niên 2019, FLC cho biết sau 5 tháng vận hành, Bamboo Airways hiện đang lỗ do đang phải nuôi bộ máy 30 tàu bay, bao gồm cả thuê tàu, đặt mua, nhà xưởng, nhân sự... 

Vingroup thành lập Vinpearl Air, cũng tập trung đào tạo phi công

Ngày 29/5/2019, Phòng Đăng ký Kinh doanh Thành phố Hà Nội đã cấp đăng ký thay đổi cho CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia đổi tên thành CTCP Hàng không Vinpearl Air (vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng). Trụ sở chính của công ty đặt tại Khu đô thị Vinhomes Riverside, quận Long Biên, Hà Nội.

Ngành nghề kinh doanh chính của Vinpearl Air là vận tải hành khách hàng không. Công ty có 3 cổ đông sáng lập gồm CTCP Phát triển Du lịch VinAsia (45%), ông Hoàng Quốc Thủy (30%) và ông Phạm Khắc Phương (25%). 

Đáng chú ý, sau đó không lâu, vào 9/7, Vingroup và Tập đoàn CAE (Canada) đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới. Dự kiến, mỗi năm sẽ có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và IASA được cung ứng ra thị trường.

img

Vingroup cũng lấn sân sang đào tạo phi công, vận tải hàng không. Ảnh minh họa.

Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy để thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt nam.

Trong đó, VinAviation School sẽ đào tạo phi công, thợ máy cơ bản theo tiêu chuẩn CAAV và tiêu chuẩn quốc tế được FAA và IASA công nhận tại Việt Nam. Còn Vinpearl Air đào tạo huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phối bay, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác.

Theo lãnh đạo Vingroup, động lực thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng sang đào tạo phi công là do tình trạng khan hiếm phi công và kỹ thuật bay đang diễn ra không chỉ Việt Nam mà trên khắp thế giới. Vingroup đặt mục tiêu góp phần giải quyết được bài toán này, đồng thời tiến tới xuất khẩu phi công ra thế giới. 

Xuất hiện hãng hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức nhảy vào lĩnh vực hàng không khi thành lập Công ty Vinpearl Air...