Từ thế kỷ XIX, Hội Tam Hoàng đã gần như làm chủ Hong Kong với số lượng hội viên đông đảo, len lỏi trong nhiều ngành nghề. Sự bành trước ngày càng rộng của Hội Tam Hoàng đã khiến chính quyền thực dân Anh thực hiện chính sách đàn áp đặc biệt trong vòng 10 năm từ 1956 đến 1966. Tuy nhiên, chiến dịch này không đạt được thành công như mong đợi.
"Cảnh sát quản xã hội đen, xã hội đen quản trị an"
Sau năm 1966, khi chính sách đàn áp xã hội đen của chính phủ Hong Kong dần đi xuống thì số lượng thành viên Hội Tam Hoàng lại bắt đầu tăng lên. Trong thập niên 60, 70 Hội Tam Hoàng phát triển nhờ vào việc ngấm ngầm móc nối với cảnh sát Hong Kong. Nhờ có sự bao che của cảnh sát, hoạt động của Hội Tam Hoàng ngày càng công khai và táo tợn hơn. Ước tính vào từ năm 1968 đến năm 1976, số vụ phạm tội của thành viên hội tăng từ 110 vụ lên 4.089 vụ (gấp khoảng 37 lần), tội phạm tống tiền cũng tăng từ 344 lên 4.755 vụ.
Nhân vật quyền lực nhất cả trong giới giang hồ và cảnh sát Hong Kong thời bấy giờ là Lôi Lộc (Lữ Lạc) – một trong số bốn cảnh sát trưởng người Hoa nổi danh. Tuy là cảnh sát điều tra, nhưng Lôi Lộc thâu tóm cả giới xã hội đen, Tứ đại bang hội gồm Tân Nghĩa An, Bang phái Triều Châu, 14K, Hòa Thắng Hòa đều phải nể mặt vị cảnh sát trưởng này. Nhờ đó, Lôi Lộc nhanh chóng trở thành "ông trùm" giàu có với khối tài sản kếch xù.
Thời kỳ tan rã
Tình trạng tham nhũng và cấu kết giữa cảnh sát với xã hội đen diễn ra ngày càng công khai, khiến người dân Hong Kong phẫn nộ. Trước tình trạng này, chính phủ buộc phải thành lập tổ chức chống tham nhũng ICAC. Những nhân vật cấp cao từng che chở cho Hội Tam Hoàng như cảnh sát trưởng Lôi Lộc đều nằm trong danh sách điều tra tham nhũng. Hệ quả tất yếu của cuộc cải tổ nội bộ này là các băng đảng Hội Tam Hoàng mất đi sự bảo trợ, nhanh chóng bị truy quét gắt gao.
Đến thập niên 90, số thành viên Hội Tam Hoàng sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn chưa đến 10% tiếp tục duy trì bang hội. Các hoạt động như ma túy, mại dâm, tống tiền, tranh giành địa bàn,... của xã hội đen Hong Kong do đó bị hạn chế dần. Thay vào đó, Hội Tam Hoàng đề ra phương pháp "sái mã" để đàm phán với phương châm không động thủ, không sử dụng vũ khí mà chỉ so bì về lực lượng cũng như hàng ngũ.
Hội Tam Hoàng trỗi dậy
Vượt qua thời kỳ suy yếu khó khăn của thế kỷ XX, các băng nhóm còn sót lại của Hội Tam Hoàng bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh. Các ông trùm chủ yếu đầu tư vào những lĩnh vực như giao thông vận tải, nhà hàng, giải trí, điện ảnh,... và nhanh chóng nắm độc quyền. Bang hội kiếm tiền dễ dàng, hợp pháp hơn. Tuy nhiên, đường lối bạo lực vẫn được duy trì, đặc biệt trong giới điện ảnh Hong Kong những năm 1986-1993.
Từ năm 1992, ngành giải trí xuất hiện nhiều vụ tống tiền, hành hung và thậm chí cưỡng ép, lạm dụng diễn viên. Một số ngôi sao điện ảnh như Thành Long, Lưu Đức Hoa, Châu Nhuận Phát, Thư Kỳ,... đều từng là nạn nhân của các băng nhóm Hội Tam Hoàng. Tình trạng này chỉ chấm dứt một vài năm sau đó, khi chính phủ Hong Kong loại bỏ dần ảnh hưởng của xã hội đen trong ngành giải trí nói chung.