Dân Việt

5 đế quốc hùng mạnh nhất lịch sử: Có 1 nước từng thảm bại ở Việt Nam

Hữu Bằng (theo NHDTV) 19/07/2019 18:33 GMT+7
Nhân loại đã chứng kiến sự thịnh suy, hưng vong của không biết bao nhiêu đế chế. Trong số đó, có rất nhiều đế chế thực sự ảnh hưởng đến lịch sử toàn thế giới, khiến hậu thế không ngừng băn khoăn, không ngừng ngưỡng mộ.

img

Không dễ để định lượng rõ ràng sự vĩ đại của một đế chế. Bởi nó là tổng hoà của rất nhiều khía cạnh. Những yếu tố thường được cân nhắc nhất là diện tích và thời gian tồn tại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, người ta cũng xét đến những nhân tố khác như: sự đóng góp đối với nghệ thuật, khoa học hay sức mạnh kinh tế của đế chế.

Dưới đây là danh sách 5 đế chế hùng mạnh và có ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới. Danh sách được đưa ra sau khi đã cân nhắc trên rất nhiều cơ sở.

1. Đế quốc Ba Tư (550 TCN – 330 TCN)

img

Lãnh thổ đế quốc Ba Tư cổ. Ảnh: Wikipedia.

Đây có lẽ là một trong những đế quốc có lãnh thổ rộng lớn nhất thời cổ đại, là triều đại đầu tiên của người Ba Tư, lãnh thổ ngày nay thuộc Iran. Những ông vua nổi tiếng nhất của vương triều này như Cyrus, Darius và Xerxes đã liên tục mở rộng lãnh thổ của đế quốc bằng những cuộc chinh phạt khắp Á, Âu.

Vào thời đỉnh cao của mình, đế quốc này có diện tích lên tới 5,5 triệu km2, bao gồm gần như toàn bộ vùng Trung Cận Đông (trừ bán đảo Ả Rập), một phần bán đảo Balkan (phía bắc Hy Lạp ngày nay) và Ai Cập.

Dưới sự trị vì của nhà Achaemenes, đế quốc Ba Tư đã thống nhất cả một vùng Trung Đông và mang lại hoà bình trong suốt hơn 200 năm cho khu vực nóng bỏng này. Không phải lúc nào trong lịch sử, Trung Đông cũng có được sự ổn định như vậy.

Bằng chính sách khoan dung, dung hoà dân tộc, tôn giáo của mình, các hoàng đế Ba Tư đã tạo nên một trong những đế chế có ảnh hưởng nhất thế giới trong suốt 2 thế kỷ. Tuy vậy, sự nổi lên của Alexander Đại Đế ở Macedonia đã trở thành một mối lo ngại cho Ba Tư. Năm 328 TCN, Alexander xuất quân chinh phạt, lật đổ hoàng đế Darius III, đồng thời kết thúc sự tồn tại của đế quốc Ba Tư. 

2. Đế quốc La Mã (27 TCN-1453)

img

Đấu trường Colosseum ở Rome, Italy. Ảnh: Wikipedia.

La Mã chính là đế chế có thời gian tồn tại lâu nhất, kéo dài tới 1480 năm (27 TCN – 1453). Lịch sử của đế chế này bắt đầu khi hoàng đế Augustus lên ngôi vào năm 27 TCN và kết thúc vào năm 1453 khi thủ đô Constantinople rơi vào tay người Ottoman. Trước đó, vào năm 395, đế quốc La Mã đã phân liệt làm 2 phần: Tây La Mã và Đông La Mã. Bị quân đội của người German (một dân tộc du mục) tấn công, Tây La Mã diệt vong vào năm 476.

Sau khi Tây La Mã diệt vong, Đông La Mã gấp rút thực hiện công cuộc phục hưng đế chế của mình. Và thực tế, Đông La Mã đã lấy lại phần nào hình ảnh của một La Mã thời đỉnh cao. Đông La Mã đánh chiếm được bán đảo Italy (vùng đất được coi là thánh địa của đế quốc La Mã xưa). Sau này, Đông La Mã (còn gọi là Byzantine) đã trở thành một thế lực nổi trội ở phía đông châu Âu trong hơn 1000 năm.

Tồn tại suốt 1 thiên niên kỷ rưỡi, La Mã có một sức ảnh hưởng vô cùng lớn với lịch sử cả 3 châu lục: Âu, Á và Phi. Cùng với Hy Lạp, La Mã đã đặt nền móng cho một thời kỳ văn minh huy hoàng của nhân loại. Hàng nghìn năm sau, người châu Âu vẫn còn cảm thấy ngỡ ngàng khi phát hiện ra những di chỉ khảo cổ của nền văn minh Hy – La rực rỡ này.

3. Đế quốc Omeyyad (661 – 750)

Năm 632, sau khi nhà tiên tri đạo Hồi Muhammad qua đời, các khalip (vua Hồi giáo) nắm quyền điều hành quốc gia. Năm 661, nhà Omeyyad dời đô về Damascus (thủ đô Syria ngày nay) và dựng nên một đế chế hùng mạnh nhất lịch sử Hồi giáo.

Lãnh thổ của đế chế này lên tới 15 triệu km2, bao gồm toàn bộ vùng Trung Đông, toàn bộ Bắc Phi và phần lớn lãnh thổ Tây Ban Nha ngày nay. Đó là một trong những đế chế rộng lớn nhất lịch sử thế giới với dân số chiếm 1/3 dân số thế giới lúc bấy giờ.

Một trong những cống hiến quan trọng nhất của đế chế này với lịch sử là việc đặt nền móng để Hồi giáo trở thành một trong những tôn giáo phổ biến nhất thế giới. Thời trị vì của đế chế Omeyyad chính là thời hoàng kim của Hồi giáo. Những khoa học gia, nghệ thuật gia người Hồi thời này cũng đóng góp cho nhân loại rất nhiều tri thức quý báu.

4. Đế quốc Mông Cổ (1206 – 1294)

img

Tranh vẽ Hốt Tất Liệt, người sáng lập ra nhà Nguyên ở Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia.

Mông Cổ chính là đế chế có lãnh thổ liền nhau lớn nhất lịch sử nhân loại. Từ những đồng cỏ hoang vu ở Trung Á, Thành Cát Tư Hãn, nhà sáng lập đế chế, đã phát động những cuộc chiến chinh phục đất đai, thành luỹ liên miên trong suốt cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13. Sự mở rộng của đế chế Mông Cổ vẫn được tiếp diễn dưới thời các con cháu của ông.

Ở thời kỳ đỉnh cao của mình, đế quốc này trải rộng từ Trung Hoa (châu Á) đến tận phía đông Hungary (châu Âu). Đế chế Mông Cổ trải dài 9700 km từ tây sang đông với diện tích lãnh thổ lên tới 24 triệu km2, chiếm đến 1/6 diện tích mặt đất.

Dù vậy không phải lúc nào những cuộc chinh phạt của họ cũng thành công. Ở châu Á, ngay vào thời điểm đỉnh cao của mình, họ đã liên tiếp bại trận ở Nhật Bản, Indonesia, đặc biệt là Việt Nam. Ba lần tấn công Đại Việt vào các năm 1257, 1285 và 1287, người Mông Cổ (khi ấy là triều Nguyên) đều chuốc lấy thảm bại. Với chiến thuật khéo léo, lấy ít thắng nhiều, nhà Trần và quân dân Đại Việt đã giáng cho kẻ đi chinh phục liên tiếp những đòn đau ở Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Đông Bộ Đầu… Lương thảo cạn, thuỷ thổ khắc nghiệt, quân Mông Cổ đành thoái lui về bắc mà không đạt được bất kỳ mục đích quân sự nào.

Những cơ sở để người Mông Cổ duy trì đế quốc của mình là khá lỏng lẻo. Đó chỉ đơn giản là những vùng lãnh thổ có được nhờ chinh phạt và sức mạnh bạo lực. Nó thiếu hẳn đi sự gắn kết về văn hoá hay khoa học, kỹ thuật cho phép người Mông Cổ kiểm soát đế chế rộng lớn của mình.

Hậu quả là sau khi Thành Cát Tư Hãn băng hà, đế quốc của ông phân liệt thành những quốc gia nhỏ. Thành tựu lớn nhất của họ có lẽ là việc dựng lập nên nhà Nguyên ở Trung Hoa. Người khai sáng nhà Nguyên là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, tên gọi Hốt Tất Liệt. Sau khi vào Trung Nguyên, ông đã tiến hành rất nhiều cải cách và dần dần “Hán hoá”, gắn bó với truyền thống Trung Hoa, trở thành một nhà bảo trợ cho học thuật và nghệ thuật.

Người Mông Cổ nổi tiếng là những chiến binh hung hãn và cai trị rất tàn nhẫn. Tuy nhiên, những cuộc chinh phạt của họ cũng đem đến hiệu ứng tích cực, một trong số đó là hồi sinh “Con đường tơ lụa” nối Trung Hoa với châu Âu, vốn đã rơi vào quên lãng sau khi nhà Đường sụp đổ.

5. Đế quốc Anh (1583 – 1997)

img

Lãnh thổ của đế quốc Anh thời đỉnh cao năm 1921. Ảnh: Wikipedia.

Cuối thế kỷ 16, từ những trạm mậu dịch hải ngoại nhỏ bé, người Anh đã thiết lập nên một trong những đế quốc vĩ đại nhất thế giới. Người ta từng nói: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”. Và quả thực, ở thời điểm hoàng kim nhất của mình, diện tích của đế quốc Anh lên tới hơn 33 triệu km2, cai trị gần 500 triệu dân, chiếm 1/5 dân số thế giới thời đó.

Những thuộc địa lớn nhất của Anh khi ấy bao gồm: Canada, Nam Phi, Ấn Độ và Úc. Bằng sức mạnh tài chính và quân sự của mình (đặc biệt là hải quân), người Anh đã giữ vị thế bá chủ thế giới trong suốt thế kỷ 19.

Đến thế kỷ 20, sự vươn lên mạnh mẽ của Hoa Kỳ và Đức đe doạ nghiêm trọng tới vị thế của đế quốc Anh. Trong thế chiến 2 (1939 – 1945), Anh mất hầu như toàn bộ thuộc địa của mình ở Đông Nam Á vào tay quân Nhật. Sau chiến tranh, Anh phải trao trả độc lập cho Ấn Độ, thuộc địa đông dân và giàu có nhất của mình. Trong suốt thế kỷ 20, các thuộc địa còn lại của Anh cũng dần dần giành được độc lập. Đế quốc Anh rộng lớn cuối cùng tan rã.

Ngày nay, dấu hiệu cuối cùng để người ta có thể nhận ra một đế quốc vĩ đại chỉ là một hiệp hội lỏng lẻo mang tên “Khối thịnh vượng chung” với 16 quốc gia về danh nghĩa có chung một nguyên thủ là nữ hoàng Anh Elizabeth II.