Dân Việt

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Vấn đề không chỉ riêng Hà Nội

THÀNH AN 20/07/2019 08:00 GMT+7
Trao đổi với PV Dân Việt, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc chính quyền TP. Hà Nội phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề ô nhiễm, xử lý, cải tạo sông Tô Lịch không phải là của Hà Nội mà của cả hệ thống chính quyền cơ sở lân cận, thậm chí phải xử lý theo quy mô quốc gia.

Chính quyền đang “bất lực”?

Như Dân Việt đã thông tin ở bài “Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Hà Nội không vội được không”, nhiều năm qua, các cấp chính quyền Thủ đô Hà Nội từ nhiệm kỳ trước nối nhiệm kỳ sau đều có sự quan tâm và xử lý ô nhiễm của sông Tô Lịch. 

Về việc này, nhiều chuyên gia bày tỏ ghi nhận trước những cố gắng của TP. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng, trong suốt 10 năm qua chính quyền TP. Hà Nội vẫn còn lúng túng, loay hoay trong việc lựa chọn giải pháp. TP chưa có một quy hoạch, kế hoạch thực hiện rõ ràng, đặc biệt Hà Nội chưa có một cơ quan chuyên trách để thực hiện việc giải quyết ô nhiễm của các con sông. 

img

TP. Hà Nội đang tiến hành thí nghiệm rất nhiều phương pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch. (Ảnh: Thành An)

Trao đổi với Dân Việt, GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho biết hiện nay TP. Hà Nội và các Sở, ngành “rất bí và không biết làm thế nào” để giải quyết dứt điểm ô nhiễm sông Tô Lịch. Cho nên, khi chuyên gia Nhật Bản vào đề nghị thí nghiệm cũng đồng ý; công ty Thoát nước Hà Nội đề xuất “mở nước” cũng đồng ý,…

“Chưa một dự án nào được đưa ra đánh giá. Những vấn đề liên quan đến việc này phải được Bộ Khoa học-Công nghệ xem xét về mặt kỹ thuật; Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét đánh giá tác động môi trường,…”, GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT đánh giá.

PGS. TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, người từng lọc nước sông Tô Lịch để uống nhấn mạnh: Hà Nội đang tắc trách và chưa quyết liệt xử lý tình trạng ô nhiễm, chưa đầu tư thời gian, công sức một cách tương xứng cho sông Tô Lịch.

Còn TS. Phạm Tuấn Hưng, Giảng viên Khoa Cấp thoát nước- Đại học Xây dựng, chia sẻ với báo giới cho rằng, những giải pháp của TP. Hà Nội đang thực hiện chỉ áp dụng cho giải quyết phần ngọn chứ không phải áp dụng cho phần gốc.

“Nếu chúng ta chỉ đưa hóa chất hoặc một số thiết bị xuống để xử lý ở ngay tại trong lòng con sông trong khi chất thải vẫn tiếp tục đổ vào trong lòng con sông thì việc đó khó có thể mang lại hiệu quả tích cực được đặc biệt về lâu về dài”, TS. Hưng đánh giá.

img

Tại sông Tô Lịch, các công nhân thường xuyên nạo vét bùn. (Ảnh: Ngọc Hải)

Thậm chí GS. Phạm Hoàng Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững, gay gắt: “Hà Nội chưa quyết liệt đầu tư thời gian, công sức một cách tương xứng cho việc làm sạch sông Tô Lịch. Người dân mong ngóng, chờ hết dự án này đến dự án kia không biết đến năm nào. Các nhà khoa học, chuyên gia như chúng tôi đã nói rất nhiều lần về việc phải đẩy mạnh xử lý con sông này, nhưng mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Chúng tôi nói không có ai nghe”.

Cần quy hoạch giải pháp tổng thể

Để giải quyết dứt điểm ô nhiễm và trả lại “tên gọi” đúng nghĩa của sông Tô Lịch, GS Vũ Trọng Hồng cho rằng, phải có kế hoạch cụ thể, mời các chuyên gia trong nước, nước ngoài để đánh giá. Được thì chúng ta bắt đầu làm dự án.

“Theo tôi, dự án sông Tô Lịch này phải đi sau quy hoạch sông Tô Lịch. Bởi vì, kiến thức về vấn đề này, xã hội yếu lắm. Cái gì cũng muốn dùng trong lúc quy hoạch không làm”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói và cho biết, TP phải cắt được nguồn nước thải đổ ra sông Tô Lịch như hiện nay, sau đó giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, đền bù, cải tạo…

“Nếu không vẫn xả nước ô nhiễm ra sông Tô Lịch, rồi xả nước, đưa dịch, vi khuẩn xuống sông Nhuệ từ đó vào sông Đáy rồi chuyển các vùng Chương Mỹ, Mỹ Đức,… Hà Nam là chết”, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi VN cảnh báo.

img

Theo các chuyên gia, Hà Nội phải xây dựng hệ thống đường ống nước thải ở hai bên sông Tô Lịch rồi đưa nước về nhà máy xử lý nước thải, lọc sạch thì mới xả tiếp xuống khu vực phía dưới. (Ảnh: Ngọc Hải)

Đáng chú ý, GS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh: Sông Tô Lịch bây giờ không còn là riêng của nội đô Hà Nội, sông còn nối với sông Nhuệ, sông Đáy và các tỉnh ở phía dưới. Cho nên những vấn đề ô nhiễm của dòng sông phải được các cơ quan chức năng của các địa phương quan tâm giải quyết, còn nếu Hà Nội vẫn nghĩ Tô Lịch là con sông của mình là sai…

“Hà Nội phải hỏi ý kiến của các chính quyền cơ sở ở dưới, xem họ có đồng ý cho anh xả nước hay không. Đây là vấn đề lớn. Nếu làm du lịch hay giao thông vận tải càng phải hỏi ý kiến họ, đây cũng là một nguyên tắc khi tất cả cùng dùng chung một dòng sông”, ông nói.

Đồng quan điểm, Giáo sư Mai Đình Yên Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam nhấn mạnh: Phải xây dựng hệ thống đường ống nước thải ở hai bên sông Tô Lịch rồi đưa nước về nhà máy xử lý nước thải, lọc sạch thì mới xả tiếp xuống khu vực phía dưới.

Để làm được những việc này, có nghĩa là tách được nước thải khỏi sông Tô Lịch và để sông Tô Lịch trở thành một con sông có dòng chảy tự nhiên thì rất tốn kém.

“Theo tôi, phải xử lý theo quy mô cấp quốc gia, nghĩa là gọi thầu trong nước hoặc nước ngoài để thực hiện. Làm được thì mới đúng là sông Tô Lịch còn không hiện nay sông Tô Lịch chỉ là con sông thoát nước thải Hà Nội”, GS Mai Đình Yên nói.

img

Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, chảy qua địa bàn 4 quận, huyện, mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch thông qua gần 300 ống cống. (Ảnh: Ngọc Hải)

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Khải, chuyên gia xử lý ô nhiễm nước và bảo vệ môi trường, cho rằng những năm 50 – 80 của thế kỷ trước, việc tắm gội, bơi lội… trên sông Tô Lịch là chuyện rất bình thường.

"Sông Tô Lịch bây giờ không còn là riêng của nội đô Hà Nội, sông còn nối với sông Nhuệ, sông Đáy và các tỉnh ở phía dưới. Cho nên những vấn đề ô nhiễm của dòng sông phải được các cơ quan chức năng của các địa phương quan tâm giải quyết, còn nếu Hà Nội vẫn nghĩ Tô Lịch là con sông của mình là sai…", GS Vũ Trọng Hồng.

Tuy nhiên, từ năm 1980 trở lại đây, khi sông Hồng không còn chảy trực tiếp vào sông Tô Lịch, lòng sông bị thu hẹp, hàng loạt nhà máy, nhà dân mọc lên do quá trình đô thị hóa đã xả trực tiếp nước thải xuống sông đã khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Do đó, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, điều quan trọng nhất là phải ngăn chặn được tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông.

Trước các vấn đề trên, PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), cho biết để khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch, TP. Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Khi dự án hoàn thành, sẽ góp phần quan trọng trong việc hồi sinh sông Tô Lịch.

“Trong thời gian chờ dự án hoàn thành, thay vì xả thẳng nước thải ra sông như hiện nay, mỗi gia đình, cơ sở sản xuất dọc bờ sông phải xây dựng những hố ga thu nước, lắng đọng rác thải trước khi thải ra sông”, ông Hạ đề xuất.