Nấm tràm – hương vị miền Tây
Nấm tràm có từ đầu mùa mưa, kéo dài khoảng 1 tháng thì hết mùa. Cây tràm thường được trồng nhiều ở những khu rừng ngập mặn. Loại cây này thường rụng lá tạo thành lớp mùn, khi những cơn mưa đầu mùa về, từ lớp mùn đó xuất hiện những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út, còn gọi là nấm búp nhô ra khỏi lớp vỏ và lá tràm.
Nấm tràm Phú Quốc có nhiều vào đầu mùa mưa và chỉ kéo dài thời gian thu hái trong vòng 1 tháng. Nấm tràm được xem là một trong những đặc sản của Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: IT.
Nấm tràm có màu tím như màu quả măng cụt, bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn 1 tháng của đầu mùa mưa, từ khi mọc đến lúc tàn, vòng đời của nấm tràm chỉ trong vòng 5 đến 7 ngày. Vì vòng đời phát triển của loại nấm này rất ngắn nên chúng ít có mặt trên thị trường như những loại nấm khác.
Không những mọc dưới lớp mùn của lá tràm, nấm tràm còn mọc lên dưới những cây tràm có tuổi đời từ 3 năm trở lên. Tai nấm tràm phía trên có màu sẫm tím, phía dưới và thân có màu trắng tinh. Đặc biệt, nấm tràm chỉ mọc khi trời ẩm ướt, khi có những cơn mưa giông lớn sau tháng ngày nắng hạn.
Nấm tràm Phú Quốc-đặc sản nức tiếng ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Đây là loại nấm tự nhiên nên người dân trên đảo Phú Quốc phải đi vào những khu đồng tràm để hái mang về đem chế biến.
Món ngon từ nấm tràm
Cách chế biến món ăn từ nấm tràm cũng đơn sơ, mộc mạc. Nấm tươi được nấu với hải sản như tôm, cá, mực. Nấm khô thì xào với bào ngư hoặc hải sâm. Có thể nấu nấm tràm với thịt gà, thịt lợn và trứng. Ví như món gà giò luộc vừa chín tới, cho nấm tươi mới hái vào. Nồi nước luộc gà sẽ trở thành món súp nấm thơm lừng.
Thịt gà thì được xé nhỏ chấm muối ớt ngon ngọt. Nhưng ngon nhất lại là những chén nước súp nấm tràm nóng hổi. Nấm tràm vừa chín ăn giòn, xốp càng nhai càng thấy vị ngăm ngăm đắng. Uống nước súp vị của nấm tràm và gà lúc này mới thấy hết được cái đắng của nấm tràm.