Chiềng Ngần là xã vùng I thuộc thành phố Sơn La, cách trung tâm thành phố 5 km; diện tích tự nhiên là 4.561 ha; toàn xã có 16 bản, tiểu khu, trên 1.800 hộ và 7.678 nhân khẩu với 6 dân tộc cùng sinh sống, Thái, Kinh, Mông, Mường, Tày, Hoa.
Lễ công bố xã Chiềng Ngần đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Lò Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần, thông tin: Xã bắt tay vào xây dựng NTM từ 2013, khi đó xã mới đạt 5/19 tiêu chí và nhiều chỉ tiêu chưa đạt. Với sự quyết tâm cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và huy động sự tham gia tích cực của người dân trong phong trào xây dựng NTM. Đến nay, xã Chiềng Ngần đã đạt 19/19 tiêu chí và 49/49 chỉ tiêu, trở thành xã cuối cùng của thành phố Sơn La đạt chuẩn NTM.
Trong quá trình xây dựng NTM, xã đã huy động nguồn lực xây dựng NTM với tổng kinh phí đã thực hiện trên 35 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước trên 25 tỷ đồng, chiếm trên 71%; nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng, chiếm trên 28%.
Công tác chuẩn bị lễ công bố xã Chiềng Ngần đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngay sau khi Chương trình được triển khai tại xã, Đảng ủy, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã, Ban quản lý xã và Ban phát triển các bản. Qua đó, xây dựng quy chế hoạt động của Ban và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách cơ sở. Hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể phù hợp với từng địa bàn.
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động về mục đích, ý nghĩa của phong trào xây dựng NTM đến bản, tiểu khu và hộ gia đình… bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhờ vậy mà nhận thức của cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn nâng lên, nêu tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện, phát huy được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân.
Sau 7 năm thực hiện, phong trào xây dựng NTM phát triển rộng khắp các bản, tiểu khu. Điển hình là phòng trào làm đường giao thông nội bản, ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa bản, phong trào phát triển kinh tế gia đình. Toàn xã đã cứng hóa được trên 36km đường giao thông trục xã, trục bản, ngõ bản; 5 công trình thủy lợi đảm bảo hoạt động tốt trên 80% công suất thiết kế.
Số hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều của xã là 34 hộ, chiếm 1,9%; thu nhập bình quân đạt trên 32 triệu đồng/người/năm; cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, chất lượng tốt 16/16 bản, tiểu khu có nhà văn hóa; 14/16 bản có sân thể thao riêng; tỷ lệ hộ có nhà đạt chuẩn theo quy định chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 1.635/1.802 hộ. Trong đó, nhiều bản vẫn giữ được nhà sàn theo phong tục bản sắc dân tộc Thái; 100% bản được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự...
Nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc được biểu diễn trong buổi lễ.
Trong sản xuất xã đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Hướng dẫn nhân dân tổ chức thâm canh, chăm sóc, cây ăn quả, cà phê, mận, mơ đạt năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, phát triển các ngành, nghề dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Không giấu được niềm vui với những đổi thay trên quê hương, ông Cà Văn Ký, Bí thư chi bộ bản Phường (xã Chiềng Ngần), nói: Trước kia, khi phong trào xây dựng NTM chưa triển khai đến bản, đời sống kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Điện, đường, trường, trạm… cái gì cũng thiếu. Từ khi có phong trào xây dựng NTM, bộ mặt NMT của xã đổi thay rất nhiều. Đến nay, đời sống an sinh xã hội được nâng lên, sức khỏe người dân được quan tâm, con cháu được học hành đến nơi đến chốn…
Nhiều tuyến đường liên xã, bản được bê tông hóa thuận lợi cho người dân đi lại.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lù Văn Tính, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Ngần chia sẻ: Chương trình MTQG về xây dựng NTM là chương trình lâu dài, những thành tích đã đạt được phải được duy trì bền vững. Đạt chuẩn không có nghĩa là dừng lại bởi bên cạnh những tiêu chí đạt được cũng còn một số tiêu chí chỉ đủ điểm để công nhận đạt chuẩn.
Vì thế thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tập trung rà soát lại tất cả các tiêu chí. Qua đó, xây dựng kế hoạch, giải pháp tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí với quyết tâm không để tiêu chí nào “rớt chuẩn”. Đặc biệt là những tiêu chí có khả năng biến động như: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, môi trường, trường học, văn hóa… Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho các chỉ tiêu, tiêu chí sau khi được công nhận đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn. Tập trung đẩy mạnh sản xuất nâng cao đời sống của người dân hơn nữa.