Nụy Cước Hổ Vương Anh
Vương Anh, hiệu “Hổ chân ngắn” có lẽ là đầu lĩnh có ngoại hình xấu nhất Lương Sơn Bạc. Người lùn xủn, tứ chi ngắn ngủi, mặt mũi thì khó coi. Võ nghệ cũng tầm thường không có gì nổi trội. Cái “ưu tú” nhất của họ Vương, không ngoài gì khác, chính là… tật mê gái.
Bộ ba đầu lĩnh mê gái, lụy sắc của Lương Sơn Bạc.
Cái chuyện mê gái bất chấp của Vương Anh, được Thi Nại Am nhắc tới không ít trong tác phẩm của mình. Ngay trong hồi 31, nhân chuyện Tống Giang đến núi Thanh Phong thì bị bọn Yến Thuận, Vương Anh, Trịnh Thiên Thọ bắt được, suýt bị giết, sau biết được danh tính thì kết nghĩa huynh đệ, Thi Nại Am viết tiếp đến việc “Nụy Cước Hổ” bắt được vợ quan văn tri trại Lưu Cao.
“Vương Nụy Hổ vốn là một tay hiếu sắc, nghe chúng báo vậy, chắc là ở trong kiệu có đàn bà, liền vội vàng đếm bốn năm mươi tên tiểu lâu la, mà xin phép xuống núi. Tống Giang cùng Yến Thuận, Trịnh Thiên Thọ cản ngăn không được… Bọn bảy tám người đương đi, trông thấy Vương Nụy Hổ kéo quân xuống, thì bỏ chạy mất, chỉ còn bắt được người đàn bà trong kiệu”.
Sau đó khi Tống Giang biết được chuyện Vương Anh “bắt người đàn bà đó mang vào phòng riêng sau núi”, đã nói thế này: “Vương huynh lại có tính tham luyến nữ sắc, như thế không phải là việc của tay hảo hán” thì Yến Thuận mới đáp rằng: “Bác ấy việc gì cũng chịu khó cả, duy có bệnh ấy thì khó lòng mà chừa đi được”.
Nhân đó tả tiếp “Yến Thuận cùng Trịnh Thiên Thọ vâng lời, rồi dẫn Tống Giang đi. Khi đến phòng Vương Nụy Hổ, vừa đẩy cửa ra, đã thấy chàng ta đương giằng co với người đàn bà, để cầu hoan ở đó”. Sau khi hỏi chuyện biết, người đàn bà bị Vương Anh bắt là phu nhân của Lưu Cao – đồng liêu với huynh đệ Hoa Vinh, Tống Giang đã cầu xin Vương Anh thả người. Đây là đoạn hội thoại giữa 2 người:
Nụy Cước Hổ Vương Anh, bao phen chịu nhục vì tật mê gái.
“Tống Giang nói: - Đại phàm những đám hảo hán, nếu phạm vào ba chữ "Lưu Cốt Tủy" tất là bị thiên hạ chê cười. Huống chi người đàn bà nầy lại là vợ một quan tước của triều đình, vậy xin bác nể lòng tôi, nghĩ đến hai chữ Đại Nghĩa của đám giang hồ mà tha cho người ta. Vương Anh nói: - Vương Anh tôi lâu nay chưa có một người Áp Trại Phu Nhân, để sớm khuya làm bạn cho vui… Xin ca ca để mặc cho tiểu đệ thì hơn”.
Sau đó cả bọn Yến Thuận, Trịnh Thiên Thọ xúm vào nói rồi thả Lưu phu nhân đi, thì Thi Nại Am đã có những đoạn rất đắt mô tả thái độ của Vương Anh: “Bấy giờ Vương Nụy Hổ vừa buồn vừa thẹn không nói năng một câu gì… Vương Nụy Hổ bị Tống Giang bó buộc lễ nghĩa như vậy, tuy trong lòng hơi hơi khó chịu, song cũng không hề dám ra miệng, đành phải gượng cười mà cùng nhau uống rượu”.
Tiếp đến, hồi 34, sau khi bọn Tống Giang, Hoa Vinh thu phục được Tần Minh và giết chết Lưu Cao thì Vương Anh cũng tranh thủ bắt luôn Lưu phu nhân đem giấu ở phòng riêng. Tức bất chấp người đàn bà này đã dăm lần lấy ơn báo oán, hại Tống Giang vào tù, chịu nhục hình, vốn là kẻ lòng lang dạ sói nhưng Vương Anh vẫn không từ bỏ ý định lấy nàng ta làm áp trại phu nhân. Sau bị các huynh đệ ép phải đưa ả ta ra, nghe Tống Giang mắng chửi rồi Yến Thuận “đứng phắt dậy… nói đoạn rút dao lưng ra, chém cho một nhát ngã gục xuống đó” thì phản ứng của Vương Anh thế nào? “Vương Nụy Hổ thấy vậy, trong lòng lấy làm tức giận vô cùng, liền vớ một thanh dao, toan đánh nhau với Yến Thuận”.
Rõ ràng, có quá nhiều chi tiết cho thấy Vương Anh là kẻ không những xấu người còn xấu nếu, vì nữ sắc mà bất chấp phải trái, sẵn sàng đổ máu với anh em. Cái thói mê gái của Vương Anh còn bộc lộ rõ trong những lần quân Lương Sơn giao tranh quân địch mà bên kia chiến tuyến có nữ tướng xinh đẹp. Thế mới có chuyện gã “Hổ chân ngắn” này bị Hỗ Tam Nương và Cừu Quỳnh Anh hạ nhục ngay giữa trận tiền. Một kẻ tầm thường như Vương Anh, nếu không nhờ Tống Giang giữ lời hứa mà “ép duyên” kiệt nữ họ Hỗ thì làm gì có cơ hội cưới được vợ đẹp?
Tiểu Bá Vương Chu Thông
Ngoại hiệu “Tiểu Bá Vương” xuất hiện trong cả 2 danh tác của Văn học truyền thống Trung Hoa, Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử. Nhưng nếu như “Tiểu Bá Vương” Tôn Sách, là một trang anh hùng tuấn kiệt, văn võ song toàn, vẻ ngoài soái ca, là người tạo dựng nên nền tảng của Đông Ngô thời Tam Quốc thì “Tiểu Bá Vương” Chu Thông, đầu lĩnh xếp hạng 87 của Lương Sơn, chỉ là một gã sơn tặc ở núi Đào Hoa.
Tiểu Bá Vương Chu Thông từng bị Lỗ Trí Thâm đánh thừa sống thiếu chết vì ép hôn gái nhà lành.
Chu Thông “ra mắt” ở hồi 4, qua lời kể của của Lưu Thái Công với Lỗ Trí Thâm thế này: “Nguyên tôi chỉ có một đứa con gái, năm nay 19 tuổi, chưa dám gả chồng. Nhân gần đây ở trên núi Đào Hoa Sơn, có hai ông Đại Vương đến đóng trại ở đó, tụ đến năm bảy trăm người để cướp bóc dân gian, quan quân trị mãi không nổi. Sau có một người biết nhà tôi có đứa con gái, liền đưa sang đây 20 lạng vàng, và mấy tấm lụa, mà bắt ép phải gả, hẹn đến hôm nay là làm lễ thành hôn. Tôi định từ chối, song thế mình yếu đuối không làm gì được, đành phải chịu vậy”.
Chu Thông sau đó, bị “cô dâu dỏm” Lỗ Trí Thâm đánh cho một trận thừa sống thiếu chết: “Đại Vương vừa nói vừa giơ tay vén màn lên, rồi lần mò sờ soạng vào trong giường. Vừa hay cái tay vô tình kia, sờ ngay vào bụng Trí Thâm, Trí Thâm liền nắm lấy khăn và đai, mà giật ngã xuống bên giường, đánh cho một đấm… Nói xong lại đấm luôn cho mấy đấm nữa vào giữa mang tai… Đoạn rồi vật ngã Đại Vương ra bên giường, đánh đã luôn mấy cái nữa, làm cho Đại Vương phải gào to lên, kêu người cầu cứu… Khi vào tới nơi thấy một ông sư phệ bụng cổi trần truồng, đương cưỡi trên bụng Đại Vương, thì ai nấy kinh sợ”.
Sau Chu Chông chạy về mách Lý Trung, đem quân tới Lưu Gia Trang báo thù. Tại đây Lý Trung và Lỗ Trí Thâm nhận ra nhau, thế là chuyện ép hôn của “Tiểu Bá Vương” phải hủy bỏ. Hồi 4 có đoạn viết: “Bấy giờ ba bốn người cùng ngồi, rồi Lỗ Trí Thâm bảo với Chu Thông rằng: - Bác Chu ơi! Việc hôn nhân ở nhà Lưu Thái Công, không nên ép nữa, vì ông ta chỉ có một người con gái dưỡng lão, mà nếu mình ức hiếp lấy ngay thì thực là bất tiện, vậy bất nhược ta lấy lại tiền, mà tìm đám khác thì hơn, bác nghĩ sao? Chu Thông nói: - Ngài đã dạy thế, thì tôi xin vâng lời, không dám nghĩ đến nữa”.
Chu Thông, thân làm giặc cướp, lại thêm chuyện ép hôn gái nhà lành, rõ không phải chân anh hùng hảo hán. Nhưng so với Vương Anh, Chu Thông dù là kẻ ham mê nữ sắc nhưng vẫn còn trước biết sau. Anh em khuyên can, còn chịu nghe lời mà không hề để bụng, chứ chưa đến mức sẵn sàng vì gái mà gây hấn với huynh đệ như gã “Hổ chân ngắn”.
Song thương Tướng Đổng Bình
Đổng Bình là người quận Đảng, phủ Hà Đông. Họ Đổng làm chức binh mã đô giám dưới trướng thái thú Đông Bình - Trình Vạn Lý.Phải tới hồi 68 Thủy Hử, Đổng Bình mới xuất hiện nhân chuyện quân Lương Sơn đánh phủ Đông Bình. Dù gia nhập Lương Sơn gần như muộn nhất, nhưng khi phân chia thứ hạng, Đổng Bình được ngồi ghế cao, đầu lĩnh thứ 15, là 1 trong Ngũ hổ tướng mã quân của “Bến nước”.
Song thương tướng Đổng Bình, vẻ ngoài soái ca, văn võ toàn tài…
Thi Nại Am mô tả Đổng Bình rất chi là toàn mỹ: “Tống Giang đứng bên nầy trông thấy Đổng Bình, ra dáng tinh anh tuấn tú, thì trong bụng mừng thầm. Sau lại thấy Đổng Bình đeo một cái túi tên, trong có lá cờ nhỏ viết đôi câu đối rằng: Anh hùng Song thương Tướng, Phong Lưu Vạn Hộ Hầu”. Võ nghệ của Đổng Bình thuộc loại siêu quần, thể hiện qua đoạn: “Hàn Thao vâng lệnh múa cây giáo sắt, xông ra đánh Đổng Bỉnh. Đổng Bình múa đôi thương sắt như thần hiện quỷ biến, Hàn Thao không thể nào địch nổi, Tống Giang lại sai Kim Sang Thủ Từ Ninh, múa câu liêm sang ra đánh thay Hàn Thao. Từ Ninh vâng lệnh, xông ngựa ra đấu với Đổng Bình, đôi bên quần nhau hơn năm mươi hiệp”.
Đổng Bình không chỉ giỏi võ nghệ, dụng song thương xuất quỷ nhập thần mà còn thông thạo cầm kì thi họa, thổi sáo đánh đàn bậc nhất của phủ Đông Bình. Nhưng chàng ta cũng là kẻ “lụy sắc”, sẵn sàng vì người đẹp mà từ chỗ là quan triều đình, lại quay đầu làm phản theo phe Lương Sơn. Ẩn dưới vẻ ngoài soái ca, gã là kẻ cơ hội, chỉ biết tư lợi bản thân.
Thủy Hử hồi 68 viết: “Nói về Trình Thái Thú nguyên có một người con gái hình dung yểu điệu, tính hạnh dịu dàng, Đổng Bình đã mấy phen toan dạm làm vợ mà Trình Vạn Lý nhất định không gả. Bởi thế nên hai bên có ý không bằng lòng với nhau từ trước. Hôm đó nhân ra trận đánh thành, Đổng Bình muốn thừa thế đương lúc chiến tranh, mà cho người vào nói với Trình Thái Thú để dạm con gái”.
… Nhưng lại là kẻ vì nữ sắc mà làm phản, giết người tàn bạo.
Tâm trạng của Đổng Bình sau trận đầu giao chiến với quân Lương Sơn và Trình Thái thú vẫn trì hoãn việc hôn sự được Thi Nại Am tả thế này: “Đổng Bình bất đắc dĩ vâng lời để đợi, song từ đó trong lòng lại càng vơ vẩn không vui, e sau nầy Trình Thái Thú lại phụ lời ước hứa”. Sau Đổng Bình mắc mưu bị quân Lương Sơn bắt và chịu hàng Tống Giang, thì “Song thương tướng” càng bộc lộ rõ dã tâm của kẻ sẵn sàng vì gái mà làm chuyện kinh thiên động địa.
Trích Thủy Hử hồi 68: “Đổng Bình đáp: Nếu Huynh trưởng rộng lượng cho về, thì Đổng Bình xin lừa mở cửa thành, mà thu lấy lương thảo đền ơn… Đổng Bình liền đóng đai giáp lên ngựa đi trước. Tống Giang kéo quan mã cuốn cờ im trống theo sau. Khi tới cửa thành Đổng Bình gọi quân sĩ ra mở cửa, quân sĩ trong thành lấy lửa ra soi mặt đổng Bình, bèn mở cửa bỏ đích kiều cho vào. Đổng Bình xông ngựa vào trước chặt đứt khoá sắt ở cửa, rồi quân mã Tống Giang ầm ầm theo vào trong thành. Tống Giang truyền lệnh cho quân sĩ không được đốt nhà đốt cửa và không được giết hại lương dân. Đổng Bình vào tới thành, vội vàng chạy đến phủ đường, giết chết cả nhà Trình Vạn Lý và cướp lấy người con gái”.
Trong khi Tống Giang ra quân lệnh không được đốt phá, giết hại dân thường thì Đổng Bình, sau khi đưa quân Lương Sơn vào thành chỉ nhanh nhảu lo việc cá nhân, cướp lấy Trình tiểu thư đồng thời giết sạch các thành viên còn lại của nhà Trình thái thú, không kể nam phụ lão ấu. Than ôi, kẻ luôn tự coi mình là “Phong lưu vạn hộ hầu”, là anh hùng bậc nhất, lại hành xử tầm thường và đê tiện vô cùng đến thế!
Chu Thông vì nữ sắc mà ép hôn gái nhà lành. Vương Anh vì nữ sắc mà cướp cả vợ quan, sẵn sàng đánh nhau với huynh đệ. Nhưng so với Đổng Bình, kẻ vì gái mà phản chủ, mà ra tay tàn độc, giết hàng chục mạng người, thì còn kém vài phần vậy.