Dân Việt

Siết điểm sàn ngành sư phạm, sức khỏe: Không đánh đổi chất lượng lấy số lượng

Thuận Hải 23/07/2019 05:57 GMT+7
Điểm sàn đại học 2019 khối ngành sư phạm tăng 1 điểm so với năm 2018, trong khi, ngưỡng điểm sàn hệ đại học khối ngành chăm sóc sức khỏe do Bộ GDĐT quy định và công bố được cho là ở mức cao, vì cần chọn được người học giỏi, đủ đam mê để theo nghề trong tương lai.

Năm nay là năm thứ 2 Bộ GDĐT quy định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành sư phạm và là năm đầu tiên áp dụng quy định điểm sàn đối với các ngành chăm sóc sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Tăng điểm sàn để đảm bảo chất lượng

Theo quy định của Bộ GDĐT, mức điểm sàn của các tổ hợp xét tuyển vào trường sư phạm bậc đại học (ĐH) là 18 điểm cho tất cả tổ hợp xét tuyển, bậc cao đẳng (CĐ) có điểm sàn là 16 điểm và bậc trung cấp là 14 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển. Mức điểm sàn là tổng điểm không nhân hệ số. Đây là năm thứ 2 Bộ GDĐT quy định điểm sàn cho các ngành đào tạo giáo viên.

img

 Thí sinh bắt đầu được điều chỉnh nguyện vọng từ hôm nay 22/7 (ảnh minh họa).  Ảnh: Thuận Hải

Trong khi đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành sức khỏe được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 gồm Y khoa, Răng - Hàm - Mặt (21 điểm); nhóm 2 là Y học cổ truyền, Dược (20 điểm); nhóm 3 gồm Điều dưỡng, Y học Dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật Phục hình răng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, Kỹ thuật Hình ảnh Y học, Kỹ thuật Phục hồi Chức năng (18 điểm).

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), cho rằng, có ý kiến cho rằng nên giảm điểm sàn để các trường đảm bảo nguồn tuyển sinh, tuy nhiên, nguồn tuyển chỉ là một tiêu chí để tham khảo.

Chất lượng sinh viên sư phạm quyết định chất lượng dạy và học của nhiều lớp học sinh sau này, trong khi các ngành chăm sóc sức khỏe ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Do đó, đây là hai ngành được Bộ GDĐT quy định điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Theo bà Phụng, trong trường hợp có nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển, thì Bộ có thể nâng điểm sàn lên, tuy nhiên, sẽ không thể chỉ vì để các trường tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm sàn. Nghĩa là sẽ không đánh đổi chất lượng lấy số lượng, nhất là trong điều kiện hiện nay nguồn để tuyển dụng giáo viên không thiếu.

Hôm nay, bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng

Từ hôm nay (22/7), thí sinh có thể điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng theo 2 cách: Phương thức trực tuyến đến 17 giờ ngày 29/7 và phương thức điều chỉnh trên phiếu đến 17 giờ ngày 31/7. Với phương thức trực tuyến, thí sinh chỉ được thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng chứ không được bổ sung số lượng nguyện và không điều chỉnh ưu tiên khu vực hoặc ưu tiên đối tượng. Với phương thức bằng phiếu thay đổi nguyện vọng, thí sinh phải đến nơi đã đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển trước đây (thường là tại trường THPT) để thực hiện việc điều chỉnh trên phiếu điều chỉnh nguyện vọng và thí sinh có thể đóng lệ phí xét tuyển để bổ sung các nguyện vọng.

Ông Phan Lê Quốc - Phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định, năm nay, điểm thi THPT quốc gia tăng nên việc điều chỉnh điểm sàn ngành sư phạm tăng cũng là hợp lý. Sau điểm sàn, điểm chuẩn trúng tuyển có thể cũng sẽ tăng nhẹ ở một số ngành “hot”, lượng thí sinh đăng ký nhiều như mầm non, tiểu học…

“Quy định điểm sàn và các điều kiện đầu vào với thí sinh như học lực khá, giỏi sẽ góp phần sàng lọc, nâng chất lượng đào tạo giáo viên. Tùy từng trường, ngoài việc dựa vào điểm sàn của Bộ GDĐT còn có thể tổ chức thêm kỳ thi năng khiếu để chọn được sinh viên phù hợp” - ông Quốc cho biết.

Năm nay ngành sư phạm của cả nước có 22.019 chỉ tiêu ĐH, trong đó tổng số nguyện vọng 1 (NV1) đã đăng ký là 100.632, đạt tỷ lệ “chọi” (NV/chỉ tiêu) là 4,6. Chỉ tiêu CĐ là 17.512, tổng số NV1 đã đăng ký là 17.281, tỷ lệ “chọi” là 0,99. Chỉ tiêu trung cấp là 7.702, nhưng chỉ có 444 thí sinh đăng ký NV1, tỷ lệ “chọi” là 0,06.

Thống kê của Bộ GDĐT, sức khỏe là nhóm ngành có tỷ lệ chọi khá cao. Tổng chỉ tiêu đào tạo trình độ ĐH là 34.350, trong khi tổng số NV đăng ký xét tuyển xấp xỉ 200.000.

Trường tư khó tuyển sinh

Đánh giá về mức điểm sàn ngành sư phạm và các ngành chăm sóc sức khỏe do Bộ GDĐT vừa công bố, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, mức điểm sàn khối ngành sư phạm năm nay cao hơn năm trước 1 điểm. Nguyên nhân một phần do điểm thi THPT năm nay ở mức cao hơn năm 2018, phần khác lượng thí sinh đăng ký vào ngành cũng tăng.

“Các trường sẽ phải tuân thủ mức điểm sàn của Bộ GDĐT, tuy nhiên, theo đánh giá của bản thân, có thể, điểm chuẩn trúng tuyển năm nay cũng sẽ tăng từ 1 – 2 điểm so với 2018” – TS Nghĩa nhận định.

Đại diện một trường sư phạm tại TP.HCM cho rằng, khối ngành sư phạm cũng ngày càng khó tuyển sinh hơn, do cơ hội việc làm cho sinh viên ra trường không dễ. Sinh viên có thể tìm được việc làm theo hợp đồng nhưng công việc không ổn định, thu nhập thấp, áp lực cao. Chưa kể, sắp tới, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp nếu không làm đúng ngành sẽ phải bồi hoàn học phí cho nhà nước.

Còn về điểm sàn ngành chăm sóc sức khỏe, GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ nhận định, mức điểm sàn Bộ GDĐT quy định năm nay không phải là quá cao đối với các trường “điểm”, các trường chuyên khối ngành y khoa… Tuy nhiên, đối với các trường ngoài công lập, việc tuyển sinh có thể sẽ gặp khó, do mức điểm sàn hơi cao.

Cũng theo GS Xuân, các ngành chăm sóc sức khỏe như bác sĩ, dược sĩ… là ngành học đặc thù, quá trình đào tạo rất nghiêm khắc, khối lượng kiến thức rất lớn nên thường có nhiều sinh viên không thể theo học đến khi tốt nghiệp ra trường. Cũng có nhiều sinh viên khi học THPT thì là học sinh giỏi nhưng đến khi tiếp xúc với bệnh nhân thì mới phát hiện ra bản thân mình sợ máu, sợ phẫu thuật… không thể tiếp tục theo học.

“Nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, yêu cầu số lượng nhân viên y tế được đào tạo cũng tăng theo, các trường ĐH được quyền cạnh tranh công bằng thông qua chất lượng đào tạo. Do đó, điểm sàn cao sẽ khiến các trường ngoài công lập gặp khó khăn trong tuyển sinh” - GS Xuân phân tích.

img

PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi – Trường ĐH Y dược TP.HCM:  Điểm chuẩn y khoa  có thể nhỉnh hơn!

“Năm ngoái, ngành y khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM có điểm chuẩn là 24,95 điểm, tức gần 25 điểm. Năm nay, dự báo điểm chuẩn có thể nhỉnh hơn vì điểm thi THPT cao hơn. Cụ thể, phân tích từ phổ điểm thi THPT quốc gia 2019 cho thấy, số thí sinh đạt điểm cao khối B, từ trên 24 điểm, nhiều gấp đôi năm ngoái. Mức điểm có nhiều thí sinh đạt nhất cao hơn năm ngoái 2,7 điểm. Còn nếu thống kê số thí sinh đạt trên 24 điểm/3 môn, năm nay có 3.710 thí sinh đạt, cao gấp 2,4 lần năm ngoái. Số thí sinh đạt được từ trên 25 điểm trở lên cũng đạt 1.204, tăng gần gấp đôi so với năm 2018”.

img

GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ: Thay vì “siết” đầu vào  hãy quản chặt “đầu ra”

 “Các bác sĩ sau khi tốt nghiệp trường đại học phải qua quá trình thực tập, nếu là bác sĩ nội trú phải thi tuyển… Nhìn toàn cục, Bộ GDĐT vẫn chưa có chuẩn đầu ra chung đối với sinh viên y khoa. Do đó, theo tôi, thay vì siết đầu vào quá chặt, Bộ GDĐT có thể quản lý đầu ra nghiêm ngặt hơn, bằng cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp hay thi sát hạch đối với sinh viên y khoa. Từ đó, đánh giá chất lượng đào tạo của từng sinh viên và từng trường…”.