"Đỏ đen" lừa tiền của du khách
Dù thời tiết lạnh giá và có mưa phùn vào buổi sáng nhưng trong hai ngày 21.2 và 22.2 (12-13 tháng Giêng Âm lịch), hàng nghìn du khách thập phương vẫn đổ về khu vực trung tâm đồi Lim để dự nghe điệu quan họ và tham gia các trò chơi dân gian.
Để lễ hội diễn ra trật tự và an toàn, Ban chỉ đạo lễ hội đã triển khai lực lượng an ninh đứng chốt và tuần tra ở nhiều khu vực trung tâm đồi Lim. Tuy nhiên, lợi dụng nơi đông người và thời điểm lực lượng chức năng không có mặt, một số đối tượng đã tổ chức trò “đỏ đen” lừa tiền người dân đến dự hội Lim.
Cảnh đối tượng tổ chức trò "úp mở đồng xu" để lừa tiền của du khách Hội Lim ham "đỏ đen". Ảnh: Xuân Lực |
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, vào thời điểm trưa ngày 22.2 (13 tháng Giêng Âm lịch), tại khu vực ao Đình Lim xuất hiện nhóm người tổ chức trò “up mở đồng xu” lừa tiền du khách.
Công cụ lừa đảo của các nhóm người này rất gọn nhẹ và dễ tẩu tán, cụ thể bao gồm: một miếng úp (giống nắp một chiếc can nhựa, có đường kính khoảng 30cm - PV) và khoảng 20 miếng kim loại trông giống đồng tiền su đặt trên một tấm bìa cát tông.
Sau khi “nhà cái” khua tay trên đống kim loại rồi đưa vào miếng úp, con bạc sẽ được phép đặt cược. Nếu đoán đúng trong miếng úp bao nhiêu miếng kim loại, người chơi sẽ nhận gấp đôi số tiền đã đặt cược với “nhà cái”, còn nếu đoán sai sẽ mất trắng.
Theo quan sát của PV, để lừa tiền của con bạc, "nhà cái" sẽ cố ý để người chơi nhìn thấy mình đã úp bao nhiêu miếng kim loại. Tuy nhiên, thừa lúc con bạc đang loay hoay đếm tiền hoặc giao tiền cược, "nhà cái" sẽ nhanh tay thêm hoạc bớt đi một miếng kim loại trong miếng úp để "móc tiền" của người chơi.
Để dụ khách, bên cạnh “nhà cái” luôn có 2 đến 3 “cò mồi”ngồi cạnh liên tục theo cược số tiền cực lớn từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng, thậm chí đến 2 triệu.
>>> Clip: Lật tẩy trò “đỏ đen” bịp ở Hội Lim
Khi thấy PV tác nghiệp, một phụ nữ đang ngồi trong đám đông đứng dậy che ống kính máy ảnh, rồi khua tay nói “anh chụp gì thế, anh thích chụp gì thì chụp em đây này, anh xóa đi nhé, không được cho lên ti vi đâu đấy”. Khi PV bảo “chỉ chụp chơi” thì một người đàn ông đứng cạnh gằn rọng nói “chơi gì, thích chụp thì vào kia mà chụp”, sau đó đẩy PV vào sát bờ ao đình Lim. Sau một khoảng 1 tiếng “hành nghề” nhóm người này rời khỏi khu vực ao đình Lim.
Trao đổi với PV Dân Việt ông Lê Mạnh Hùng – Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh), Phó ban chỉ đạo hội Lim cho biết: Trong ngày 22.2 Ban chỉ đạo hội Lim không phát hiện thấy trường hợp nào tổ chức trò “up mở đồng xu” để lừa tiền du khách. Tuy nhiên, lực lượng an ninh của lễ hội đã phát hiện và phá hủy tại chỗ hơn 20 chiếc nón kỳ diệu và bàn câu cá "đỏ đen" mà một số đối tượng dùng để lừa đảo tiền của du khách. Do các đối tượng này liên tục thay đổi địa điểm và bỏ trốn khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng nên không bắt được người nào.
Lòng hảo tâm bị lừa đặt nhầm chỗ
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, vào chiều 22.2, tại đoạn đường dẫn vào đồi Lim xuất hiện một nhóm 4 cô gái bán "tăm tre từ thiện”. Khi du khách vừa đi tới, 4 cô gái này liền áp sát giới thiệu là thành viên của “Hợp tác xã sản xuất tình thương” sau đó chèo kéo, mời chào du khách mua tăm ủng hộ những người tàn tật. Nếu đồng ý mua tăm ủng hộ, du khách sẽ được những “nhân viên tình thương” ghi tên vào một tờ giấy, sau đó đề nghị ký tên. Mỗi lần như vậy, những “nhân viên tình thương” thu lại ít nhất từ 5 đến 10 nghìn đồng từ du khách.
Nhóm nữ nhân viên bán "tăm từ thiện" tràn ra đường dẫn vào đồi Lim chèo kéo du khách mua tăm. Ảnh: Xuân Lực |
Để lấy lòng tin của các du khách, các cô gái này đưa ra một tờ giấy giới thiệu có đóng dấu đỏ chót của “Hợp tác xã sản xuất tình thương - thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội” và bên dưới có “chữ ký” của chủ nhiệm Hà Hữu Vỵ.
Giấy giới thiệu của một thành viên "Hợp tác xã tình thương". Ảnh: Xuân Lực |
Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên báo chí, ông Hà Hữu Vỵ, chủ nhiệm HTX Tình Thương (Số 32, Trần Hưng Đạo, phương Ngô Quyền, TX Sơn Tây, Hà Nội) đã khẳng định: “Để bảo đảm đầu ra, HTX chúng tôi có cử một số người đi bán tăm nhưng chúng tôi yêu cầu phải có xác nhận của địa phương, không được bán ở bến tàu, bến xe, cổng bệnh viện, nơi công cộng, không được chèo kéo và bắt ép khách hàng mua tăm cao hơn giá quy định”.
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Mạnh Hùng cũng xác nhận, Ban chỉ đạo Hội Lim không nhận được bất cứ giấy giới thiệu nào của Hợp tác xã tình thương ở thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội.
Như vậy, lòng hảo tâm của một số du khách đến với Hội Lim năm nay đã đặt nhầm chỗ khi trao tiền cho những nữ nhân viên bán “tăm tre từ thiện”.
Xuân Lực