Dân Việt

Sai phạm ở trường ĐH Điện Lực: Bất ngờ từ câu trả lời của Hiệu trưởng

Hoà Nguyễn 22/07/2019 07:41 GMT+7
Trước hàng loạt thông tin nghi vấn các giáo viên trường ĐH Điện lực có tiêu cực trong chấm thi, có vấn đề trong việc cấp bằng tốt nghiệp và hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong xây dựng như Dân Việt đã thông tin, Hiệu trưởng ĐH Điện lực đã có những câu trả lời bất ngờ.

Đang kiểm điểm, nhưng ai sai phạm còn chưa rõ?

Trong văn bản số 988/-ĐHĐL-HCQT do Hiệu trưởng trường ĐH Điện lực Trương Huy Hoàng ký, thông tin tới các cơ quan báo chí vào trung tuần tháng 7/2019 vừa qua, ông Hoàng đã nêu quan điểm về những vấn đề lùm xùm của trường ĐH Điện lực.

Theo đó, lý giải về thông tin liên quan đến các đơn thư tố cáo các giáo viên của trường có dấu hiệu tiêu cực trong chấm thi, có dấu hiệu nâng điểm bài thi, ông Hoàng cho biết: “Trường ĐH Điện lực khẳng định không bao che cho bất cứ sai phạm nào. Trong trường hợp qua xác minh và rà soát phát hiện ra các sai phạm, nhà trường sẽ xử lý theo đúng quy định”.

img

Những bài thi bị nghi vấn đánh dấu bài tại trường ĐH Điện lực bị tố cáo, Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng nói đang kiểm điểm cán bộ có dấu hiệu sai phạm, nhưng cán bộ nào hiện dư luận vẫn chưa nắm rõ.

Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng cho rằng, nhà trường đã khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý và đang cho kiểm điểm các cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, theo đơn thư của tập thể giảng viên khoa Điều khiển và Tự động hoá (ĐK&TĐH) thì đơn tố cáo các sai phạm diễn ra tại khoa ĐK&TĐH đã được gửi cho Hiệu trưởng từ tháng 2/2019 nhưng không được xử lý.

Vì vậy, vào tháng 4 và tháng 5/2019 tập thể giảng viên tiếp tục có nhiều đơn thư tố cáo và cung cấp thêm nhiều bằng chứng cụ thể, rõ ràng nhưng cho đến nay vẫn chưa được nhà trường công bố kết quả xử lý đơn tố cáo của những giảng viên này.

Như vậy, thời gian từ khi có đơn tố cáo lần đầu là tháng 2/2019 đến nay đã là 5 tháng, Hiệu trưởng lại cho rằng đang tiến hành kiểm điểm với những cá nhân vi phạm. Điều đó cho thấy đã có kết quả xác minh vi phạm, tuy nhiên, đến giờ phút này, vẫn chưa rõ được ai vi phạm gì? Giảng viên nào phải kiểm điểm.

Thậm chí, trong phần trả lời về việc này, Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng còn có chút “lãng mạn”: “Trong cuộc sống, ở bất cứ đâu cũng luôn tồn tại song hành những cái tốt và xấu, những điều tích cực và tiêu cực. Điều quan trọng là thái độ và phản ứng của chúng ta như thế nào”.

Quyền tự chủ nhưng phải đúng quy định

Về những thông tin và bình luận liên quan đến công tác đầu tư, xây dựng cơ bản, ông Hoàng cho rằng trường ĐH Điện lực được thực hiện cơ chế thí điểm về tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014, vì vậy có quyền tự quyết định mọi vấn đề trong đó có việc được quyền tự quyết định chủ trương đầu tư những dự án đầu tư xây dựng tại trường ĐH Điện lực, theo tìm hiểu của Dân Việt, điều này không khớp.

Theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, tại điểm a khoản 2 Điều 12 quy định về sử dụng nguồn tài chính thì đối với: “Chi đầu tư từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn vốn vay và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Căn cứ nhu cầu đầu tư và khả năng cân đối các nguồn tài chính, đơn vị chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…”

Như vậy, pháp luật đã có quy định rõ ràng về việc thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trường ĐH Điện lực là một đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, quy định cũng nêu rõ việc sử dụng nguồn tài chính cụ thể là việc chi đầu tư từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, đơn vị phải chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, đối với các dự án sử dụng nguồn vốn từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị tự chủ như trường ĐH Điện lực, cũng chỉ có quyền chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư nhưng phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chứ không có quyền tự phê duyệt.

img

Theo quy định, những công trình nhóm B, công trình cấp I như thế này, thẩm quyền quyết định củ trương đầu tư phải do Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt chứ không phải là Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng.

Bên cạnh đó cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và trình tự, thủ tục phê duyệt đối với các dự án đầu tư công là các dự án đầu tư của trường ĐH Điện lực đã được quy định rõ trong Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công.

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công thì “Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án do Bộ, cơ quan trung ương quản lý thuộc thẩm quyền quy định tại Khoản 4 Điều 17 của Luật Đầu tư công”.

Trường ĐH Điện lực là đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Công thương trực tiếp quản lý, vì vậy, đối với các dự án nhóm B và nhóm C thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phải do Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực đã tự ý ra các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhiều dự án tại trường ĐH Điện lực.

Những sai phạm nghiêm trọng được đề cập ở đâu?

Đáng chú ý, trong phần trả lời về vấn đề đầu tư xây dưng cơ bản, ông Trương Huy Hoàng chỉ đề cập đến vấn đề trường được thực hiện thí điểm tự chủ mà không hề đả động tới bất kỳ thông tin nào về những sai phạm của trường mà Dân Việt đã đăng tải trước đó.

Cụ thể, vào năm 2014, cơ quan chủ quản của trường ĐH Điện lực thời bấy giờ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát hiện nhiều vi phạm trong việc trường ĐH Điện lực đầu tư mua trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam (trường Hồng Lam, Nghệ An).

Những vi phạm này đã được chỉ rõ tại Báo cáo kết quả kiểm soát tại Trường Đại học Điện lực số 357/BC-HĐTV-EVN ngày 3/6/2014. Theo kết quả kiểm toán của EVN năm 2014, việc đầu tư của trường ĐH Điện lực vào trường Hồng Lam chưa được sự phê duyệt, chấp thuận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ngoài ra, còn hàng loạt sai phạm tại “phi vụ” đầu tư này như: Thẩm định giá có sau 8 tháng khi đã ký hợp đồng mua bán; sau khi chuyển nhượng, báo cáo tài chính trường Hồng Lam chưa chuyển đổi theo giá trị chuyển nhượng, vẫn giữ nguyên như khi chưa chuyển nhượng, báo cáo tài chính năm 2012 – 2013 của trường Hồng Lam chưa được kiểm toán; kết quả kinh doanh lỗ luỹ kế đến 31/12/2013 là âm hơn 4,8 tỷ đồng; hạch toán kết quả tài chính chưa đúng chế độ; trường ĐH Điện lực cho trường Hồng Lam vay vốn với lãi suất thấp hơn thị trường…

Theo tài liệu PV nắm được, ngày 1/8/2018, trường ĐH Điện lực đã họp, thống nhất tiếp tục thực hiện công tác thoái vốn đầu tư tại trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam.

Thông tin này không hề được Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng trả lời trong thông tin gửi tới báo chí của mình. Dư luận đang băn khoăn, liệu những sai phạm này đã được xử lý như thế nào, ai phải chịu trách nhiệm chính cho những sai phạm nghiêm trọng này. Có lẽ, dư luận vẫn phải chờ ông Hoàng.

img

Quyết định mua trường Hồng Lam của trường ĐH Điện lực bị xác định chưa được sự phê duyệt, chấp thuận của cơ quan chủ quản trường lúc đó cũng không được ông Hoàng nhắc đến trong văn bản thông tin tới báo chí.

Không dừng lại ở đó, việc thất thoát tài sản nghiêm trọng trong công tác đầu tư xây dựng một hạng mục xây dựng ký túc xá sinh viên trường ĐH Điện lực cơ sở 2, do đích thân ông Hoàng ký cũng không hề được nhắc đến trong bản thông cáo của mình.

Thông tin của Dân Việt, ngày 25/12/2009 trường ĐH Điện lực đã ký hợp đồng xây lắp số 622/HĐXL-ĐHĐL với Công ty cổ phần Sông Hồng Thăng Long về việc thi công gói thầu số 5 (XD-02) Xây dựng ký túc xá sinh viên cơ sở 2 – trường ĐH Điện lực.

Người trực tiếp phụ trách hoạt động đầu tư xây dựng của trường ĐH Điện lực, cũng là người trực tiếp ký hợp đồng xây lắp số 622/HĐXL-ĐH Điện lực là ông Trương Huy Hoàng khi đó là Phó hiệu trưởng và hiện nay là Hiệu trưởng trường ĐH Điện lực.

Công trình này sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự án là dự án đầu tư công. Sau khi ký hợp đồng, trường ĐH Điện lực đã ứng trước cho nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Sông Hồng Thăng Long số tiền 11 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền ứng trước này đã được Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển tỉnh Phú Thọ thực hiện việc bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước.

Quá trình thực hiện hợp đồng nhà thầu thi công đã dừng việc thi công công trình khi chưa hoàn thành dự án, chưa thanh toán hết số tiền tạm ứng nêu trên. Sau đó, trường ĐH Điện lực đã ký hợp đồng xây lắp với nhà thầu khác để tiếp tục thi công công trình này.

img

11 tỷ đồng của trường ĐH khó có thể lấy lại khi thực hiện gói thầu với Công ty cổ phần Sông Hồng Thăng Long cũng không hề được ông Hoàng đả động trong thông tin phản hồi.

Tuy nhiên, trường ĐH Điện lực đã không đề nghị ngân hàng thực hiện việc bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng kịp thời trong thời hạn thư bảo lãnh còn hiệu lực, do đó, trường ĐH Điện lực không có quyền yêu cầu chi nhánh ngân hàng này thực hiện việc bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng.

Đồng thời, hiện nay Công ty cổ phần Sông Hồng Thăng Long cũng không có khả năng thanh toán khoản nợ này cho trường ĐH Điện lực. Do đó, khoản tiền ứng trước cho Công ty này đã bị thất thoát không có khả năng thu hồi.

Để làm rõ hơn những thông tin liên quan, PV Dân Việt đã liên hệ trực tiếp tới ông Trương Huy Hoàng, tuy nhiên vị Hiệu trưởng trường ĐH Điện lưc tiếp tục đề nghị phóng viên tới trường đặt lịch, đặt nội dung như các lần trước PV đã làm.

Khi PV nhắn tin đề cập các nội dung sai phạm không được ông Hoàng nói trong thông cáo cũng không nhận được hồi âm từ vị hiệu trưởng này.

Dân Việt tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Liên quan đến thông tin nghi vấn sinh viên trường ĐH Điện lực ở một khoá vừa ra trường tháng 3/2019 được cấp bằng tốt nghiệp khi chưa đủ chuẩn, Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng cũng không trả lời rõ ràng về việc này.

Theo bản thông tin ông này gửi tới cơ quan báo chí, ông chỉ đề cập tới 2 trường hợp mà không hề thông tin cụ thể về hơn 600 sinh viên khoá D9 hệ kỹ sư ra trường, những trường hợp nào đủ chuẩn, đủ điều kiện.