Dân Việt

Bộ GDĐT: Không đổi chất lượng lấy số lượng khi xác định điểm sàn!

Hải Nguyên 22/07/2019 11:26 GMT+7
Điểm sàn khối ngành Y dược và Sư phạm được Bộ GDĐT xác định dựa trên các điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, sự hài hòa giữa sự phát triển của các trường đại học và nhu cầu của thị trường lao động ngành Y, Dược, Sư phạm.

Cuối tuần qua, Bộ GDĐT đã công bố điểm sàn đầu vào khối ngành Sư phạm và các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Mức điểm sàn của các tổ hợp xét tuyển vào trường sư phạm bậc đại học là 18 điểm, bậc cao đẳng là 16 điểm và bậc trung cấp sư phạm là 14 điểm. Điểm sàn khối ngành sức khỏe dao động từ 18 – 21. Điểm sàn cụ thể các ngành sức khỏe tại đây. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đã có những giải thích về mức điểm sàn năm nay:

Căn cứ nào để Vụ GDĐT đưa ra mức điểm sàn như trên với các ngành Sư phạm, Sức khỏe?

- Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, căn cứ chủ yếu để xác định điểm sàn là yêu cầu về chất lượng đối với nguồn tuyển của các ngành cần quy định điểm sàn và phổ điểm thi của thí sinh. Bên cạnh đó, các yếu tố về chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh lựa chọn, điểm ưu tiên... của các trường trong khối ngành Y, Sư phạm cũng là những cơ sở để Hội đồng điểm sàn tham khảo, lựa chọn và đưa ra quyết định cuối cùng.

Nguồn tuyển chỉ là một tiêu chí để tham khảo, nếu điều kiện cho phép như có nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển thì có thể nâng điểm sàn lên đến mức có thể không được phép căn cứ vào nguồn tuyển để hạ điểm sàn.

img

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT.

Có ý kiến rằng điểm sàn cao sẽ khiến các trường gặp khó trong tuyển sinh?

- Như đã nói ở trên, nguồn tuyển là một tiêu chí để đưa ra điểm sàn. Tuy nhiên, sẽ không thể vì để các trường tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm sàn quá thấp, hay nói cách khác là chúng ta không đánh đổi chất lượng lấy số lượng, nhất là trong điều kiện hiện nay, nguồn để tuyển dụng giáo viên và cán bộ y tế không thiếu.

Chính sách điểm sàn sẽ ngăn chặn một số trường do thiếu nguồn tuyển mà lấy điểm sàn quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Điều đó đặc biệt quan trọng khi Đảng và Nhà nước lựa chọn chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển KTXH của đất nước.

Vậy, Bộ có đánh giá như thế nào về những tác động của việc nâng điểm sàn đến việc tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực Sư phạm, Sức khỏe trong năm nay?

- Điểm sàn sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn tuyển, chất lượng đầu vào của các ngành. Quan trọng là đào tạo thầy cô giáo và đào tạo đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế - những người có vai trò quyết định tới trí tuệ, thể chất và sức khoẻ của các thế hệ trẻ nói riêng và của toàn dân tộc nói chung.

Từ đó có tác động tích cực trong việc tăng cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Qua đó tạo sức cạnh tranh cho lao động trình độ cao của Việt Nam trong thị trường lao động.

Riêng ngành sư phạm, theo Bộ GDĐT, hiện nay, việc thiếu giáo viên chỉ xảy ra cục bộ ở một số khu vực, cấp học. Các Sở Giáo dục hoàn toàn có thể thu hút, tuyển dụng giáo viên ở những nơi khác. Vì vậy, mặc dù năm trước, ngành Sư phạm tuyển được không nhiều nhưng năm nay, Hội đồng điểm sàn vẫn thống nhất quyết định điểm sàn của hai nhóm ngành này từ 18-21 cho trình độ ĐH, phù hợp với mặt bằng chung của điểm thi năm nay và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và cán bộ y tế.

img

Điểm sàn ngành Sư phạm, Sức khỏe được xác định dựa trên yêu cầu về chất lượng đối với nguồn tuyển của các ngành cần quy định điểm sàn và phổ điểm thi của thí sinh.

Với phổ điểm thi THPT như năm nay, Bộ đánh giá mức điểm sàn như thế nào là thấp?

- Năm nay, đề thi đáp ứng tiêu chí 60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông. Phân tích phổ điểm cho thấy đề có độ phân hóa tốt. Nếu căn cứ vào tỷ lệ thí sinh đạt từng ngưỡng điểm thì năm nay trường nào xác định điểm sàn 13 chỉ tương đương với mức 12 điểm của năm 2018.

Năm 2018, toàn hệ thống có khoảng hơn 30 trường có ngành lấy điểm sàn đến 13, chủ yếu là các trường tư thục, trường thuộc một số tỉnh ở địa bàn khó khăn và trường đào tạo khối ngành Nông lâm, Thuỷ lợi…

Những nhóm ngành này sinh viên ra trường có việc làm sớm, làm đúng ngành đào tạo, thậm chí có ngành thiếu nhân lực, nhưng do không được thí sinh ưa thích, lựa chọn nên phải xác định điểm sàn thấp. Tuy vậy, những trường ở địa bàn không thuận lợi vẫn không đủ nguồn tuyển.

Không phải tất cả những trường lấy điểm sàn thấp đều là những trường kém chất lượng. Mặt khác, chúng ta cũng phải xác định GDĐH là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào thì các trường cũng không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển.

Bộ GDĐT có kiểm soát được chất lượng đầu vào của các trường có điểm sàn thấp không?

- Theo quy định của pháp luật, điểm sàn của các trường do các trường tự chủ quyết định nhưng phải đưa vào đề án tuyển sinh và công khai trên Cổng thông tin của Bộ để thanh kiểm tra và xã hội giám sát. Các thông tin này cũng phải khai báo trên trang nghiệp vụ tuyển sinh để phần mềm theo dõi, lọc các thí sinh không đủ điểm sàn ra khỏi nguồn xét tuyển của các trường.

Sau khi thí sinh trúng tuyển, các trường phải cập nhật danh sách nhập học lên CSDL tuyển sinh để thống kê và kiểm tra việc thực hiện các điều kiện xét tuyển. Quy trình trên hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình xác định và thực hiện điểm sàn của các trường.

Cổng thông tin (https://thituyensinh.vn) cũng công khai các thông tin về điểm sàn của các trường để dư luận xã hội, các phụ huynh, thí sinh, đối tác, người sử dụng lao động… đánh giá, cân nhắc việc có nên đóng tiền và tốn kém thời gian để theo học 1 trường chất lượng thấp hoặc thiết lập quan hệ đối tác với những trường chất lượng thấp hay không…

img

Điểm sàn y khoa cao nhất được Bộ GDĐT quy định ở mức 21 điểm.

Trên thực tế, vẫn có trường xác định mức điểm sàn nhận hồ sơ rất thấp, dù điểm trúng tuyển sau đó cao hơn nhiều. Bộ xử lý những trường hợp này như thế nào?

- Thực tế, trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, một số ít trường có thể xác định điểm sàn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Đối với những trường hợp này, Bộ GDĐT đã có trao đổi với lãnh đạo nhà trường những thông tin chung về nguồn tuyển, phổ điểm, đánh giá chất lượng của từng ngưỡng xét tuyển… để khuyến cáo các trường cân nhắc trong việc quyết định chính sách chất lượng của trường mình. Nếu xác định điểm sàn quá thấp cũng đồng nghĩa với việc các trường tự xác định vị thế chất lượng thấp của mình trong hệ thống.

Bộ GDĐT sẽ tăng cường kiểm tra, trao đổi với lãnh đạo của các trường này để đưa ra những khuyến cáo kịp thời. Bộ cũng đề nghị các cơ quan truyền thông sẽ đồng hành để thông tin đầy đủ tới các thí sinh và XH, cũng như những phản hồi thông tin kịp thời về chính sách chất lượng của các trường.

Ở trình độ ĐH, số dư nguồn tuyển của các ngành đào tạo giáo viên năm nay khoảng 1,51/1 chỉ tiêu tuyển sinh.

Số dư của các ngành khác như sau: Y khoa khoảng 1,77; Răng hàm mặt 5,08; Y học cổ truyền 1,25; Dược học 1,29; các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng có số dư là 1,18.

Số dư nguồn tuyển chênh lệch giữa các ngành phản ánh tính hấp dẫn và nhu cầu của người học đối với ngành đó. Điều đó cũng chứng tỏ điểm sàn chủ yếu để đáp ứng mục đích đảm bảo yêu cầu chất lượng của các ngành, có tham khảo nhưng không phụ thuộc vào số dư nguồn tuyển.