Dự thảo Đề án "Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp" vừa được Bộ Nội vụ công bố xin ý kiến.
Theo đó, dự thảo đề ra việc xây dựng bộ ngân hàng câu hỏi, đề thi tiếp cận chuẩn quốc tế trong kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức; ngoài chứng chỉ theo qui định, công chức, viên chức còn phải thi môn ngoại ngữ khi thi tuyển và thi nâng ngạch, thăng hạng.
Công chức Đà Nẵng trong giờ làm việc. Ảnh: Nguyễn Đông
Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định về thi ngoại ngữ khi thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, khi làm quy trình bổ nhiệm, đề bạt chức danh. "Trong thực tế không ít cán bộ, công chức đỗ kỳ thi tuyển và thi nâng ngạch công chức nhưng vẫn không giao tiếp, làm việc được với người nước ngoài. Cần thi đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để bảo đảm phản ánh chính xác trình độ, năng lực ngoại ngữ của thí sinh", đề án nêu.
Phần thi ngoại ngữ sẽ được miễn cho người có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ; có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ...
Cơ quan soạn thảo cũng đề nghị nghiên cứu, qui định về thời hạn sử dụng của chứng chỉ ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức vì năng lực có thể tăng hoặc mai một theo thời gian. Việc này sẽ thúc đẩy cán bộ, công chức thường xuyên trau dồi ngoại ngữ cũng như có ý thức tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng.
Bộ Nội vụ đề xuất, đề án bắt đầu thực hiện từ năm 2019 sau khi được Thủ tướng thông qua. Giai đoạn 2019-2020, các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng Chương trình học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị mình với các mục tiêu cho nhóm đối tượng cụ thể.
Giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, đề án sẽ được đẩy mạnh thực hiện, đưa việc học tập ngoại ngữ của cán bộ, công chức thành phong trào, triển khai đồng bộ, rộng khắp trong cả nước.