Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được phê duyệt dự án từ năm 2002 với tổng diện tích lên đến gần 30 ha và vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng, trong quá trình triển khai, dự án nhiều lần thay đổi chủ đầu tư (CĐT), các đơn vị được giao đã có nhiều sai phạm trong quản lý dự án.
Cụ thể, CĐT đã chậm triển khai, thác vận hành các hạng mục đã đầu tư không đúng mục đích, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nằm trong ranh giới thu hồi đất của dự án, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân khu vực.
Hiện nay, tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, hệ thống các thiết bị vui chơi đã xuống cấp nghiêm trọng, ống trượt, máng trượt nước,… bị rỉ sét, vỡ nát. Vòng đu quay khổng lồ với các quán nước, clb khiêu vũ hoạt động bên dưới có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Vòng đu quay khổng lồ xuống cấp với nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Ngoài tình trạng trên, trên khu vực đất dự án, hàng loạt các công trình kinh doanh có dấu hiệu sai phạm như: nhà hàng Queen Bee, Cung Xuân, Siêu thị, phòng tập thể hình, trung tâm tiệc cưới… Phía đường Thanh Nhàn, khu vực cổng công viên được tận dụng là nơi gửi ô tô, xe máy cho người dân quanh khu vực. Tuy trước đó, UBND quận Hai Bà Trưng đã giải phóng mặt bằng, nhưng hiện nay mặt đường Võ Thị Sáu tiếp tục bị lấn chiếm bởi hàng loạt hàng quán, gara ô tô, bãi xe.
Việc dự án chậm triển khai, các công trình sai phạm hoạt động tràn lan gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Mặc dù lãnh đạo thành phố đã nhiều lần khẳng định sẽ xử lý triệt để, tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, sau nhiều năm, tình trạng trên vẫn tồn tại gây bức xúc dư luận.
Nhan nhản các công trình kinh doanh sai phạm trên diện tích dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô.
Theo báo cáo trả lời cử tri mới đây của UBND TP. Hà Nội, những tồn tại của dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô do nhiều nguyên nhân như: năng lực và vai trò quản lý dự án của CĐT, cơ chế huy động vốn, việc bố trí kinh phí GPMB, quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân phải di dời...
UBND thành phố Hà Nội khẳng định cần phải xem xét xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định cũng như tiếp tục triển khai dự án kếp hợp với giải quyết kiến nghị của người dân người dân nằm trong ranh giới thu hồi đất của Dự án.
Năm 2016, Thành uỷ Hà Nội đã có chủ trương điều chỉnh ranh giới thực hiện dự án và điều chỉnh quy hoạch công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hướng khai thác, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động, phục vụ lợi ích cộng đồng và hài hoà lợi ích của nhà đầu tư.
Ưu tiên bố trí diện tích và vị trí phù hợp cho Trung tâm Thể dục thể thao của quận Hai Bà Trưng, phù hợp với nhu cầu vui chơi, giải trí, luyện tập TDTT của nhân dân. Nghiên cứu vị trí hợp lý và phương án xây dựng công trình tái định cư tại chỗ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân khu vực dự án, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Nội dung điều chỉnh được UBND Thành phố chỉ đạo tại các Công văn: số 6844/VP-ĐT ngày 08/8/2016 và số 7722/VP-ĐT ngày 01/9/2016 và số 5486/UBND-KH&ĐT ngày 22/9/2016.
Giao nhiệm vụ cho các Sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng và Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thành uỷ.
Ngày 02/3/2017, Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo phương án đề xuất điều chỉnh trên cơ sở phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng làm rõ lại số liệu hiện trạng, tính toán lại kinh phí đền bù TĐC tại chỗ cho các hộ dân trong ranh giới điều chỉnh quy hoạch… Hiện, CTCP Tập đoàn Mặt Trời là đơn vị được giao nghiên cứu các phương án điều chỉnh ranh giới và quy hoạch dự án theo chỉ đạo UBND Thành phố.
Trước những động thái tích cực chỉ đạo của UBND thành phố, hiện trạng dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô những năm qua vẫn không có gì thay đổi, các sai phạm có xu hướng gia tăng. Người dân tại khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn và các khu vực lân cận vẫn phải đặt câu hỏi: Dự án còn “điều chỉnh đến khi nào”?