Khi Tố Nga thông tin về việc phát hành MV “Gửi vào thương nhớ”, rất nhiều khán giả đã phải nhắc ngay đến MV “Cúc ơi!” của chị ra mắt dịp 27/7 năm ngoái. Câu chuyện về chị Cúc cùng những nữ thanh niên xung phong anh hùng Ngã ba Đồng Lộc đã làm biết bao người xem phải đưa tay lên chấm nước mắt vì xúc động. “Cúc ơi!” đã gây được tiếng vang lớn cho một sản phẩm âm nhạc kỷ niệm ngày 27/7, tri ân thế hệ cha anh đã anh dũng ngã xuống cho hoà bình Tổ quốc. “Cúc ơi!” cũng gắn với tên tuổi của Tố Nga, được khen ngợi là một trong những nghệ sĩ thể hiện thành công nhất ca khúc này, và cũng lấy được rất nhiều nhất nước mắt từ khán giả.
NSƯT Tố Nga hát tại Nghĩa trang đường 9
Tố Nga nói, việc thực hiện MV “Gửi vào thương nhớ” như một định mệnh đã đặt sẵn lên vai chị, cứ như có ai đó xui khiến khi chị bắt gặp ca khúc “Gửi vào thương nhớ”. Thành công của “Cúc ơi!” đã khiến chị dự tính sẽ không thực hiện một MV tương tự vì ngại sự trùng lặp đề tài, cũng ngại sẽ khó vượt qua được “Cúc ơi!”.Thêm vào đó, sau những vất vả quay “Cúc ơi!” năm ngoái, Tố Nga đã tự nhủ rằng sẽ không làm sản phẩm hoành tráng, kỳ công đến như vậy nữa. Nhưng, nếu “Cúc ơi!” mất 12 năm ấp ủ để hoàn thành thì với “Gửi vào thương nhớ”, NSƯT Tố Nga thực hiện trong vòng 1 nămvới những xúc cảm mãnh liệt…
MV “Gửi vào thương nhớ” của NSƯT Tố Nga do đạo diễn trẻ Lam Hạ thực hiện kể về tình cảm của người con gái đối với người cha đã anh dũng ngã xuống vì hòa bình của Tổ quốc. Theo ước nguyện của người cha khi cô gái còn nhỏ và rất yêu ca hát, rằng sau này lớn lên sẽ được hát giữa một dàn nhạc giao hưởng lớn, thật hoành tráng, trong buổi thi tốt nghiệp thanh nhạc tại trường nhạc đang theo học, cô gái đã xin phép hội đồng chấm thi cho phép mình được thể hiện phần thi tại nghĩa trang đường 9 (Quảng Trị). Điều vốn không có trong tiền lệ, nhưng vì lời khẩn cầu tha thiết của cô sinh viên nên hội đồng đã đồng ý.
Và ước mơ của cô cũng được thực hiện, cô đã đưa cả dàn nhạc ra giữa nghĩa trang hát cho cha mình, cho những đồng đội của cha đã ngã xuống nằm tại đây…
Nam diễn viên Xuân Trường (vai người bố) và bé Thỏ (vai Nga thời nhỏ) trong một cảnh quay của MV
Bất cứ ai xem MV “Gửi vào thương nhớ” cũng sẽ khó lòng cầm được nước mắt. Đạo diễn Lam Hạ không xây dựng về một cuộc chiến khốc liệt với bom rơi, đạn nổ, bi thương như người ta vẫn nghĩ về những bộ phim của chiến tranh, mất mát. Mà câu chuyện được khắc họa một cách nhẹ nhàng nhưng khiến người xem ám ảnh, thấy đau đến tận tim, dâng trào nước mắt.
Trước khung cảnh mái nhà tranh vẫn thế, giấc mơ hồn nhiên vẫn thế, những luống rau mẹ trồng vẫn xanh ngắt như vậy, nhưng chỉ có cha đi là không về, để cho bài hát vẫn còn dang dở, để cho đôi mắt trẻ thơ cứ cồn cào những mong chờ…, mỗi người xem đều sẽ thấy nhức nhối đến tê dại theo bước chân liêu xiêu trên đường làng ngày vợ dại, con thơ nhận tin báo tử.
Cùng với NSƯT Tố Nga, diễn xuất của các diễn viên trong MV là nghệ sĩ Xuân Trường (vai người bố), diễn viên Vân Anh (vai người mẹ) và đặc biệt là bé Thỏ (vai Nga thời nhỏ) đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Cách diễn xuất dung dị, nhẹ nhàng của các diễn viên làm nổi bật lên những bình yên, hạnh phúc bình dị đến nỗi không ai nỡ khuấy động của gia đình nhỏ dưới mái tranh nghèo. Để rồi từ đó, nỗi đau lớn lên gấp rất nhiều lần khi chiến tranh đã lấy đi sự bình yên, hạnh phúc, lấy đi hồn nhiên trong đôi mắt trẻ nhỏ.
Trong vai Nga thời nhỏ, diễn xuất của bé Thỏ với những cảm xúc vô cùng chân thật, xúc cảm đã trở thành điểm nhấn khó quên của MV. Diễn viên Xuân Trường (trong vai người cha) nói, anh vốn không đóng MV bao giờ và cũng không có ý định đóng MV. Nhưng khi nhận được kịch bản, anh đã nhận lời vì nội dung MV hoàn toàn không cho anh cảm giác về một MV ca nhạc mà là một câu chuyện mang tính điện ảnh vô cùng xúc động được kể bằng lời hát.
Tuy bi thương bởi những đau thương, mất mát, nhưng cuối cùng MV lại để lại trong người xem những xúc cảm nhẹ nhàng, ấm áp. Khi nghe Tố Nga hát ở Nghĩa trang đường 9, người cha và đồng đội đã nở những nụ cười hạnh phúc, an lòng cho thành công và tương lai tươi đẹp của những người thương yêu của mình ngày hôm nay.
Gọi là MV, nhưng “Gửi vào thương nhớ” có dáng dấp của một phim ngắn, với độ dài hơn 8 phút. Đặc biệt, ca khúc “Gửi vào thương nhớ” được phổ nhạc từ bài thơ “Viếng mộ ba” của nữ tác giả Minh Ngọc viết tâm sự dành cho ba mình đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Huế. Bài thơ hết sức dung dị, nhẹ nhàng, là lời tâm sự của người con gái thủ thỉ bên mộ cha vào ngày tháng 7, cô gái kể về nỗi nhớ cha, về mẹ tóc đã trắng sương, về lời hứa sẽ sống thật tốt để noi gương ba đã hết mình cho Tổ quốc.
Nhạc sĩ Lê Trọng Lập đã phổ nhạc cho bài thơ mà giữ gần như nguyên vẹn lời thơ, bởi mỗi lời thơ là những tâm sự chất chứa yêu thương, mong nhớ của tác giả dành cho cha đang yên nghỉ cùng đồng đội nơi Nghĩa trang đường 9. Khi được phổ nhạc, những tình cảm vốn là của riêng tác giả Minh Ngọc đã hoà chung với tình cảm của bao người con đã mất cha, thương nhớ người cha đã hy sinh như chị.
Đạo diễn Lam Hạ, bé Thỏ, NSƯT Tố Nga và MC Hạnh Phúc tại buổi họp báo ra mắt MV "Gửi vào thương nhớ"
Đạo diễn Lam Hạ kể: “Khi chị Tố Nga gửi cho tôi nghe bài “ Gửi vào thương nhớ”, chị hát mộc thôi nhưng rất hay và cảm xúc khiến tôi nổi da gà. Trong đầu tôi xuất hiện hình ảnh một cô ca sỹ đang hát cùng dàn nhạc, xung quanh là những ngôi mộ ngoài nghĩa trang, từ những ngôi mộ đó, bóng dáng hàng ngàn người chiến sĩ đang mỉm cười, quây quần hoan hỉ nghe hát , hình ảnh đó cứ ám ảnh để tôi viết kịch bản MC này”.
“Gửi vào thương nhớ” được quay hàng tuần trời ở Quảng Trị, trong điều kiện nắng cháy da, cháy thịt, nhưng khó khăn hơn khi đây là nơi lần đầu tiên Tố Nga quay MV. Cũng vì lần đầu tiên quay MV, mối quan hệ hỗ trợ không nhiều, chị đã gặp muôn vàn những trắc trở đến nỗi nhiều khi rơi nước mắt vì những lo lắng và mệt mỏi.
Trước khi quay, chị cùng đạo diễn đã mất nhiều ngày đi tìm bối cảnh, và may mắn tìm được mái nhà tranh đặc biệt ở Quảng Trị để quay. Điều đặc biệt là căn nhà này của một nữ thanh niên xung phong sống đơn chiếc, rất ủng hộ đoàn phim quay MV. Tuy nhiên, ngoài căn nhà mái tranh thì khoảng sân vườn phía trước lại khá trống trải, nhìn có phần lạnh lẽo. NSƯT Tố Nga quyết định nhờ người dân hỗ trợ chị thanh niên xung phong cùng trồng rau xung quanh căn nhà trong hàng tháng trời để cây cối tốt tươi lên, tràn ngập màu xanh cây cỏ, ấm cúng. Nhờ đó mà căn nhà trong MV khắc họa thêm hạnh phúc của gia đình người chiến sĩ.
Tố Nga cũng tiết lộ, sẽ không nhiều người dám “chơi lớn” như chị, khi mang cả dàn nhạc giao hưởng 40 người ra quay ở Nghĩa trang đường 9, nhằm thể hiện mong ước của người cha thấy con gái mình được hát giữa dàn nhạc giao hưởng thật lớn.
Chị mời các nghệ sĩ thuộc dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Huế vào hỗ trợ. Nhưng cái khó khăn nhất chính là việc phải vận chuyển chiếc đàn piano 3 cánh từ Huế vào tới Quảng Trị, vì êkip đã “lục tung” cả Quảng Trị nhưng không có chiếc piano loại này. Để vận chuyển được đàn, đoàn phim đã phải thuê riêng một chuyến xe tải đưa đàn từ Huế vào. Mỗi lần di chuyển chiếc đàn là một lần vất vả vì vừa bảo quản, lại mất hơn chục người mới khiêng nổi.
NSƯT Tố Nga chia sẻ, nếu như MV “Cúc ơi!” chị thuận lợi bao nhiêu, thì với MV “Gửi vào thương nhớ” lại khó khăn bấy nhiêu, con số kinh phí thực hiện cũng lớn hơn rất nhiều. Mọi việc đều như thử thách lòng kiên trì, sự cố gắng của chị, chứ không đơn thuần chỉ là thực hiện 1 MV ca nhạc. Tuy nhiên, điều may mắn của Tố Nga và êkip là trước bất cứ một khó khăn nào, đến “phút chót” lại được hoàn thành một cách tốt đẹp nhất. “Tất cả những thứ quan trọng nhất đều phải phút cuối tôi và êkíp mới thực hiện được. Có những điều không thể lý giải nổi cứ như có ai đó thử thách, dỗi hờn mình”, Tố Nga tâm sự.
MV “Gửi vào thương nhớ” phải sử dụng đến 400 diễn viên quần chúng vào vai bộ đội. Tuy nhiên, do không thân thuộc ở Quảng Trị, lại không kịp làm công văn xin hỗ trợ, nên chị không nhờ được các đơn vị bộ đội hỗ trợ diễn viên quần chúng. Đến “phút chót” cả êkip phải “vật lộn” để quy tụ đủ các sinh viên, học sinh vào vai bộ đội. Đôi khi Tố Nga như muốn phát sốt vì lo lắng…
Nhưng cái “phát sốt” đó không dữ dội, khiến chị trào nước mắt vì sợ “đổ bể” như khi thực hiện cảnh quay chính ở khu Lục giác Nghĩa trang ĐườngChín. 4 ngày quay trước đó trời nắng như đổ lửa, cả êkip như bị thiêu cháy thịt da, thì đến phút giây quay cảnh quan trọng ở đây trời bỗng mưa tầm mưa tã không ngớt. Hôm đó lại không thể đổi ngày quay được, bởi nếu thêm ngày quay thì kinh phí cho dàn nhạc giao hưởng sẽ đội lên rất lớn, và hôm sau dàn nhạc có chương trình biểu diễn nên phải trở về Huế.
Đạo diễn Lam Hạ kể những điều kỳ lạ vào thời khắc trời mưa gió ấy: “Việc setup cho cả một đoàn quay mấy chục nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng mất rất nhiều thời gian, đặc biệt việc di chuyển đàn piano ra được nghĩa trang là cả thách thức, khó khăn đối với êkip.
Mọi người vừa chuẩn bị xong đâu vào đấy thì trời bắt đầu mưa như trút nước, tôi nhìn trời nhìn đất mà bật khóc vì chỉ còn 3 tiếng nữa là hết nắng, nếu không quay được thì coi như vỡ trận. Lúc ấy, tôi đưa mắt tìm kiếm mà không thấy chị Tố Nga đâu, tôi hiểu chị cũng không dám đối mặt với cảnh tượng đang diễn ra nên trốn ở đâu đó. Tôi ngồi bất động nhìn hàng ngàn ngôi mộ được tắm mát mà không thôi rơi lệ.
Một tiếng đồng hồ mưa tầm tã trong nỗi lo lắng khôn cùng của chúng tôi thì đột ngột mưa ngừng rơi khiến cho cả êkip bất ngờ. Trời sau mưa lại đẹp hơn bao giờ hết, cả một bầu trời xanh mây trắng vần vũ, không khí mát mẻ khiến cả êkip sảng khoái cuốn đi hết những mệt mỏi.
Tuyệt vời hơn là trận mưa đó xóa đi những hạt bụi còn vương trên mộ các anh, làm xanh thêm những tán cây ngọn lá, làm trôi đi những giọt mồ hôi mặn chát đầm đìa trên người chúng tôi, trả lại cho Nghĩa trang đường 9 và đoàn phim một bầu không khí tươi mát và một bối cảnh thanh sạch. Lúc đó tôi mới biết thì ra các anh luôn ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi.
Đó chính là sự linh thiêng mà tôi nhớ nhất và xúc động nhất khi thực hiện MV này. Cho đến giờ tôi luôn cảm ơn chị Tố Nga - một người nghệ sỹ dám hy sinh và cháy hết mình với đam mê của mình, để chúng tôi có cơ hội làm những tác phẩm ý nghĩa như thế này”.
Khó khăn vẫn chưa dừng ở đó, cứ tiếp tục như thách thức Tố Nga cùng êkip. Chỉ một câu chuyện tưởng như đơn giản là Tố Nga muốn thực hiện cảnh cha con chia tay ở ga tàu, mà êkip đi lùng sục khắp nơi tìm một sân ga cũ, một con tàu nhuốm màu thời gian mà không tìm được. Đến lúc Tố Nga quyết định bỏ cuộc, tìm phương án khác, thì bất ngờ khi xem tin tức trên báo, chị bắt gặp tin về một bà cụ một mình đi trên chuyến tàu, do hiện nay người ta không chọn di chuyển bằng tàu nữa.
Tố Nga muốn khóc vì sung sướng, bởi đây đúng là hình ảnh chuyến tàu chị mong muốn. Tuy nhiên, sau đó, chị và êkip cũng mất 1 tuần tìm kiếm hành trình của đoàn tàu, và lại gặp phải chuyện đau đầu khi tàu chỉ dừng 3 phút mỗi ga, rất khó để quay hình. Phút chót, êkip may mắn kết nối được với một người lái tàu vô cùng yêu nghệ thuật, và đã được giúp đỡ nhiệt tình để thực hiện cảnh quay.
“Cả khâu lồng tiếng cho MV cũng gặp khó khăn đến mức khó tin, không hiểu sao các nhân vật cứ tới phòng thu thì… máy hỏng. Thực sự với MV này, chúng tôi vô cùng cực khổ, trắc trở nên thành quả của MV giống như một tài sản quý giá vô cùng của chúng tôi”, Tố Nga chia sẻ.
Tất cả, đều đến phút chót như thế. Và, phút chót khi nhận MV demo, Tố Nga vừa xem vừa khóc, không chỉ vì câu chuyện của MV khiến chính chị trào nước mắt ở mỗi cảnh phim, mà còn bởi vì những vất vả, trắc trở quá lớn mà chị và êkip đã trải qua. Tố Nga thực sự mãn nguyện với tác phẩm, nếu như lời bài hát là từng câu từ gan ruột của người con gái gửi cho cha, thì với MV, từng hình ảnh là tiếng lòng của chị gửi đến những người liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống.
MV “Gửi vào thương nhớ” đã giúp chị gửi lời thương sâu sắc nhất đến thế hệ cha anh nhân ngày 27/7, và chị tin chắc rằng những thước phim này sẽ đi vào lòng người và sẽ giúp thế hệ trẻ hôm nay khắc ghi sâu đậm hơn công ơn cha anh đã hy sinh hạnh phúc, bình yên của chính mình để đổi lấy bình yên cho Tổ quốc hôm nay.