Tại Hội nghị Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí do Bộ Y tế tổ chức tại Đà Nẵng ngày 23/7, PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, hiện 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 86,2% bệnh viện triển khai phần mềm quản lý điều hành (văn bản điện tử, thư điện tử);…
Tuy nhiên, công tác ứng dụng các phần mềm mới chủ yếu được triển khai ở các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, còn ở các cơ sở y tế khác có mức độ ứng dụng thấp.
Quy định của Bộ Y tế về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, Bộ Y tế đã chỉ đạo đẩy mạnh kết nối liên thông giữa cơ sở y tế. Hiện hơn 99,5% cơ sở y tế trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
"Vệc triển khai bệnh án điện tử mang lại lợi ích rất to lớn cho người dân trong công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Việc hướng đến xây dựng hệ thống mã số định danh cho bệnh nhân sẽ giúp người dân khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế, mà không cần phải đem theo các hồ sơ giấy tờ liên quan" - PGS Tường nói.
Theo lộ trình, từ 2019-2023, cơ sở khám chữa bệnh hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử; từ 2024-2029, tất cả các cơ sở y tế phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; đến năm 2030 mọi việc phải hoàn tất.
Bệnh án điện tử giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh.
Sắp tới người dân đi khám bệnh sẽ không cần sổ khám hay lưu giữ bệnh án giấy
Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm và không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ. Cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.
“Ngoài ra, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh được minh bạch sẽ giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có”- PGS Tường nói
Khi thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, người dân cũng chỉ cần "quẹt thẻ" hoặc nhắn qua smart banking để thanh toán viện phí mà không còn tốn thời gian sếp hàng như hiện nay. Như vậy sẽ tiết kiệm thời gian, sức lao động, tiết kiệm giấy tờ in ấn...
Tuy nhiên, theo PGS Tường, dù hồ sơ bệnh án điện tử có nhiều lợi thế nhưng cần có sự đầu tư. Trong khi đó nhiều lãnh đạo bệnh viện chưa mặn mà, chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin..
Việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa ngành Y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.