Ông Thục đổ thức ăn chăm sóc đàn lợn của mình.
Là một trong 33 hộ tham gia vào Đề án thí điểm "Vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh" của tỉnh nên khi dịch bệnh tràn đến xã, vợ chồng ông Thục cũng tự tin và luôn yên tâm về các kỹ thuật, công nghệ mà mình đã áp dụng vào trang trại sẽ giúp đàn lợn của mình vượt qua "bão" DTLCP. Nhưng cuối cùng, trại của ông vẫn bị bệnh dịch nguy hiểm này "hạ gục".
Đầu tháng 5/2019, một số con lợn trong đàn bắt đầu có dấu hiệu bỏ ăn và ốm, thấy vậy ông Thục đã gọi cán bộ thú y địa phương xuống lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Nhận kết quả xét nghiệm, vợ chồng ông mới "té ngửa" vì đàn vật nuôi của mình đã dương tính với DTLCP.
Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch tả và đảm bảo thời gian cách ly theo quy định, ông Thục đã mua thêm lợn giống về nuôi để đảm bảo có đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Khi bị dịch tấn công, lãnh đạo địa phương cũng đã tức tốc xuống trang trại của ông Thục để xác minh nguyên nhân nhưng vẫn không tìm được con đường lây truyền bệnh dịch.
"Trang trại của tôi áp dụng chăn nuôi khép kín từ khâu thức ăn, con giống, nguồn nước đến con người đều được vệ sinh, xử lý triệt để nhưng vẫn bị dịch, khiến chúng tôi rất khó hiểu", ông Thục chia sẻ.
Khi bị dịch, trang trại của ông Thục đang có khoảng 500 con lợn. Để hạn chế thiệt hại, địa phương đã hỗ trợ cho chủ trang trại tiêu hủy đàn lợn gần 300 con tại ô chuồng có vật nuôi bị nhiễm dịch, các con lợn ở các ô chuồng còn lại vẫn được giữ lại để tiếp tục theo dõi.
Hiện, đàn lợn của ông Thục đang được chăm sóc và cho ăn thức ăn rất đặc biệt.
Ông Thục cho biết, hiện tại số lợn giữ lại vẫn an toàn nhưng các đơn hàng cung cấp thịt lợn hữu cơ của ông tại gần 10 cửa hàng ở trong và ngoài tỉnh đã mất hết, phải xây dựng lại từ đầu. "Tính ra chúng tôi bị thiệt hại trên dưới 1 tỷ đồng, trong đó có cả vốn vay ngoài chưa biết khi nào mới trả được", ông Thục ngậm ngùi nói.
Cũng theo ông Thục, ngoài trang trại của ông bị bệnh dịch "hạ gục", còn nhiều trang trại chăn nuôi trong vùng an toàn dịch bệnh ở xã Hải Giang, huyện Hải Hậu cũng bị DTLCP tấn công và đều bị thiệt hại rất nặng nề.
Sau gần 3 tháng bị dính dịch, mới đây gặp chúng tôi, tâm trạng của ông Thục đã khá hơn.
"Nhiều người cũng tưởng tôi sẽ gục ngã nhưng bằng sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, đến nay trang trại đã được vực dậy và thu được thành công bước đầu", ông Thục chia sẻ.
Một loại thảo dược tự nhiên được ông Thục sử dụng để chế biến thức ăn cho đàn lợn của mình.
Ông Thục cho biết, đến nay đàn lợn của ông đã cơ bản được an toàn và cùng với sự giúp sức của cán bộ, lãnh đạo các ban, ngành địa phương, vợ chồng ông đã bắt đầu cung cấp sản phẩm trở lại cho các đầu mối cửa hàng bán thực phẩm sạch ở Nam Định.
"Vừa rồi cán bộ thú y đã xuống lấy mẫu và đưa đi xét nghiệm cho kết quả tốt, đàn lợn của tôi đã âm tính với DTLCP nên sản phẩm thịt lợn hữu cơ của tôi lại được bán bình thường trở lại", ông Thục chia sẻ.
Các thùng ủ thức ăn phục vụ cho đàn lợn được ông Thục xếp bên cạnh trang trại.
Thời điểm này, hàng ngày bên cạnh việc cho lợn ăn thức ăn ủ men vi sinh và thảo dược, vợ chồng ông Thục tích cực phun tiêu độc để khử trùng trang trại và lắp đặt lưới chắn ngăn ngừa côn trùng.
"Dù đàn lợn đã an toàn nhưng chúng tôi xác định không chủ quan mà tiếp tục các công việc sát trùng, áp dụng thêm phương pháp phun tiêu độc đậm đặc, thường xuyên. Nhờ đó mang lại hiệu quả phòng dịch rất tốt, bảo vệ đàn vật nuôi trong trang trại an toàn hơn trước", ông Thục khẳng định.
Hiện, trung bình mỗi ngày ông Thục cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở tỉnh Nam Định khoảng vài tấn sản phẩm thịt lợn hữu cơ.
Ông Thục trồng cây ăn quả, hoa hồng xung quanh trang trại chăn nuôi lợn của gia đình.