Dân Việt

Người hàn gắn vết thương cho Thành cổ

07/12/2010 19:44 GMT+7
(Dân Việt) - Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình, người từng tham gia 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã trở lại trồng hoa, cây cảnh trên chiến trường xưa để phủ mát nơi đồng đội đang nằm...

Ký ức bi hùng

img
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình với vườn cây cảnh bên góc Thành cổ

Sinh ra ở miền quê nghèo xã Trung Sơn (Gio Linh, Quảng Trị), 17 tuổi, Nguyễn Thanh Bình xung phong vào bộ đội. Sau đợt huấn luyện tân binh, anh được bổ sung cho Tiểu đoàn 8 (trinh sát) tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ.

Trong 81 ngày đêm oai hùng và bi tráng đó có những ngày ông cùng đồng đội đánh trả 50 trận tập kích của địch bằng bộ binh, pháo binh, máy bay B52. Đồng đội lớp trước ngã xuống, lớp sau xông lên… Có nhiều ngày nước lũ dâng cao, quân ta phải ngâm mình trong nước, nhịn đói, đêm phải thay nhau tát nước tràn hầm, không một ai chợp mắt… Bằng mưu trí, dũng cảm, nhiều lần ông đánh lạc hướng được giặc lái B52, tránh cho đồng đội những trận bom kinh hoàng...

Cũng may bom đạn đã "tránh" ông trong tất cả những lần ông tiên phong trên trận tuyến. "Có ngày Thành cổ hứng chịu 5.000 quả bom địch giội xuống, tòa thành bị cày xới tan hoang, đến một ngọn cỏ, một viên gạch cũng không còn nguyên vẹn. Thế nhưng mọi lực lượng, phương tiện và vũ khí huỷ diệt của địch đã không thắng nổi ý chí của quân ta"- ông Bình tự hào nhớ lại.

"Băng bó” khoảnh đất đầy khói đạn

Sau hòa bình, ông làm nhiều việc để kiếm sống. Tình cờ, trong một lần ghé làng hoa ở Hà Nội, ông nghĩ đến một vườn cây để "băng bó" lại những khoảnh đất đang còn phảng phất mùi khói đạn quê mình, để vừa phủ bóng mát cho nơi đồng đội nằm, vừa khai thác kinh tế.

Bấy giờ, thấy ông suốt ngày lãng đãng quanh những vạt cỏ ở Thành cổ, ven sông Thạch Hãn, không ít người dân rỉ tai nhau: Ký ức chiến tranh đã làm ông Bình trở nên lẩn thẩn. Vợ can ngăn: "Cháo không đủ ngày 3 bữa, lấy mô ra tiền để người ta mua hoa cho ông?".

"Phải phủ xanh nơi đồng đội nằm trước đã, chuyện buôn bán tính sau"- ông trả lời. Ông nói và bắt tay vào đào bới đất đai, thu dọn bom mìn trên từng vuông đất nhỏ trước sân nhà mình, rồi trồng lên đó các loại cây lộc vừng, si, sanh…

Mỗi năm đến Tết, ông đưa một phần cây cảnh ấy ra trồng ở Thành cổ cho đồng đội, phần còn lại ông bán ra thị trường kiếm thu nhập nuôi các con ăn học. Không biết có phải đồng đội đã cảm động tấm lòng của ông mà phù hộ hay không, chuyện buôn bán của ông luôn suôn sẻ.

Vườn cây cảnh của ông từ mấy chục mét vuông mở rộng thành 5 sào với hơn 2.000 cây. Nhờ khéo tay và ham tìm hiểu nên cây cảnh của ông rất nhiều kiểu mẫu, được khách hàng từ Bắc chí Trung tìm đến mua với số lượng cao. Thương hiệu "Cây cảnh Thanh Bình" xuất hiện từ đó.

Chiến tranh đã im tiếng súng hơn 35 năm, nhưng niềm trăn trở đưa đồng đội về quê vẫn đau đáu trong ông. Đó là lý do sau ngày hòa bình ông ở lại với mảnh đất này. Suốt gần 30 năm qua, người cựu chiến binh già ấy lặng lẽ xới xáo từng bụi cây, ngọn cỏ để tìm kiếm, đưa hàng chục đồng đội về quê. Ngôi nhà của vợ chồng ông bên góc Thành cổ trở thành nơi tìm về của người thân hàng ngàn đồng đội.