Cái nghịch lý ở nơi thâm sơn cùng cốc này là bất kỳ phương tiện hiện đại gì cũng có, nhưng nguy cơ đói nghèo lại hiện diện rành rọt ngay phía sau lưng...
Bí thư xã Tà Pơ Pơ Loong Lênh cương quyết không chỉ đường cho chúng tôi vào thôn 2. Ông Lênh chỉ hé lộ rằng đó là quê ông, rồi liên tục xua tay cho rằng đường vào thôn xấu, khó đi lắm nên: "Các anh không thể đến được đâu!". Nhưng với những gì người bản địa ở thôn Vinh cách đó chừng 25km tiết lộ khiến chúng tôi tò mò không thể không tìm vào thôn 2, nơi có những căn nhà gỗ hào nhoáng của người Cơ Tu vừa mọc lên.
Và sự thật đã khiến người lạ choáng ngợp hơn nhiều so với những gì bí thư Pơ Loong Lênh công bố.
Biệt thự gỗ giữa rừng trọc
Ngôi làng tái định cư thôn 2 của xã Tà Pơ có 57 hộ dân lọt thỏm giữa đại ngàn. Con đường bêtông xuyên suốt từ đầu làng băng qua những khe nhỏ. Để ngăn người lạ lẫn phương tiện cơ giới đi vào làng, một chòi canh nhỏ với barie chắn ngang cùng hàng chữ: "Dừng lại, kiểm tra!".
Tất cả người lạ đến làng đều được hỏi han kỹ trước khi vào trong, nhà báo càng được "chăm sóc" kỹ hơn bởi người bản địa không muốn thông tin về ngôi làng gỗ kín đáo này lọt ra ngoài. Hai bên đường bêtông giữa sườn núi cơ man là nhà gỗ. Những căn nhà hai tầng san sát nhau, tất cả đều phủ lớp dầu bóng loáng.
Nhà của già làng Zơ Râm A Véc rất nguy nga khi tường được ốp gỗ 100%... |
Giữa trưa nhưng cả khu làng như một công trường lớn đang thi công. Tiếng máy nổ, máy cưa, máy kéo xẻ gỗ... lẫn trong tiếng động cơ xe máy rú ga lao vút náo nhiệt. Hàng quán giữa làng nơi thanh niên tụ tập uống bia, thi thoảng thấy người lạ vào làng họ lập tức tới ngó nghiêng kiểm tra như những công an thực thụ.
Càng đi sâu vào làng, những ngôi nhà ba gian, hai tầng bằng gỗ thay nhau mọc lên. Như một thông lệ ganh đua, nhà của người dựng sau bao giờ cũng to, rộng hơn nhà của người làm trước. Cứ thế, những ngôi nhà mọc lên chưa bao giờ dừng lại về quy mô lẫn mức độ hoành tráng.
Nhà của Zơ Râm Cóc to nhất, đẹp nhất khu tái định cư. Ngôi nhà có 16 cây gỗ táu to vòng tay một người ôm không xuể, cao hơn 10m dựng lên sừng sững. Từ cầu thang, lan can, trần đến sàn, tường nhà, thậm chí vào sâu trong các phòng ngủ... tất cả lát, ốp bằng gỗ đỏ rực.
Không ai có thể thống kê bao nhiêu khối gỗ đã rời rừng già về phục vụ nhu cầu dựng nhà ở thôn 2 này, nhưng chuyện có rất nhiều toán thợ mộc giỏi nghề từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Huế tìm lên đây làm việc suốt ngày đêm... thì ai cũng rõ. Những người thợ này lên đây rồi ăn ở trong nhà cả năm trời để hoàn thiện các hợp đồng mà giá trị lên đến cả trăm triệu bạc.
Ông Lê Ngọc Thuần, dân Hà Tĩnh, là thợ cả chỉ huy thi công căn nhà Cóc, tiết lộ: "Tiền công cho ngôi nhà này hơn 200 triệu đồng, nhưng làm cả năm mới được trả tiền một lần vì chủ nhà sợ mình bỏ đi công trình khác... thì dang dở". Đi một vòng quanh nhà, chúng tôi thấy gỗ xếp nằm la liệt từ trong ra ngoài. Tất cả đều chuẩn bị cho việc trang trí nội thất nhà Cóc.
Chơi nổi!
Với những người có tiền đền bù nhiều thì không dừng lại ở việc xây một căn nhà cho riêng mình, mà họ còn dựng cả cho con cháu đời sau những căn nhà gỗ đồ sộ. Bí thư xã Tà Pơ, Pơ Loong Lênh là điển hình. Căn nhà gỗ ngay trước thôn lộng lẫy là của ông, cạnh đó là một căn nhà gỗ khác được ông dựng lên cho con trai hiện đang đi học dưới phố.
Đi sâu vào bên trong khu tái định cư, những già làng như A Tía, Ploong Dương, Zơ Râm A Véc... đều dựng lên những căn nhà tiền tỉ cho mình và con cháu.
.. Và đây là cuộc sống của người dân thôn 2 - Ảnh: Đ.Nam |
Dù đã nghe dân bản địa ở thôn Vinh miêu tả về độ "chơi" nổi của dân thôn 2, nhưng đến khi tiếp cận thì những gì chứng kiến hoàn toàn nằm ngoài trí tưởng tượng của chúng tôi. Nội thất bên trong những căn nhà không khác mấy dưới phố. Những chiếc tivi siêu phẳng cùng đầu thu vệ tinh, tủ lạnh, máy giặt, lò nướng... đều có mặt. Cạnh đó là chum ché... những tài sản không thể tách rời chứng minh sự giàu có của người Cơ Tu.
Một đặc điểm chung ở đây là nhà nào cũng mua cho bằng được một chiếc xe 135 phân khối Exciter loại côn rời, dựng ngạo nghễ trước hiên. Chị Zơ Râm Hương, chủ quán nước giữa làng, cười đùa: "Ở đây người ta mua gì chả có. Nhà nào cũng có dàn karaoke xịn. Đền bù tiền tỉ, không làm nhà mua xe, ăn chơi thì để làm gì!?".
Bhnước Chớp, trưởng thôn - người đang sở hữu hai căn nhà gỗ to "vật vã" - tiết lộ do nằm trong quy hoạch xây dựng thủy điện Sông Bung 4 nên cả bốn thôn của xã đều bị ảnh hưởng, trong đó thôn 2 bị nặng nhất. Theo Bhnước Chớp, toàn bộ đất đai sản xuất của thôn giờ đều nằm trong vùng lòng hồ thủy điện nên cả làng phải di dời đến khu tái định cư mới cách nơi ở cũ chừng 7km. Đến nơi ở mới, mỗi hộ dân được cấp 600m² đất ở, 1,5ha đất rẫy cùng một ít đất trồng lúa nước để sản xuất. "Dân thôn 2 được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước lắm nên giờ nhà ai cũng khá giả cả" - Bhnước Chớp phấn khởi cho biết.
Theo số liệu từ Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4, bình quân mỗi hộ dân ở thôn 2 nhận được tiền đền bù không dưới 1,7 tỉ đồng. Cá biệt có hộ nhận hơn 3 tỉ đồng. Tính ra tổng số tiền mà Nhà nước chi trả cho dân thôn 2 đến nay đã ngót nghét 100 tỉ đồng. Vậy nên: "Làm nhà, mua xe là chuyện nhỏ mà. Hôm trước, thanh niên trong làng còn rủ nhau xuống phố mua mấy chục chiếc xe mang về chạy" - Bhnước Chớp nói.
Phá rừng lấy gỗ xây nhà
Gỗ ở đâu mà người dân vùng tái định cư thôn 2 làm nhà hoành tráng đến thế? Câu hỏi này đã được Tuổi Trẻ đặt ra với ông Phan Tuấn - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Tuấn, việc người dân thôn 2 vào rừng lấy gỗ về làm nhà kiểm lâm tỉnh biết hết và đã có văn bản đề nghị xử lý kỷ luật các cán bộ kiểm lâm hạt, quản lý địa bàn để xảy ra tình trạng trên.
Theo ông Tuấn, trong khi Chính phủ chưa đồng ý chủ trương cho người dân vùng tái định cư trong lòng hồ thủy điện được vào rừng khai thác, tận thu gỗ về làm nhà thì mọi chuyện đã diễn ra rồi. "Việc quản lý rừng phải được chính quyền địa phương đồng thuận, cùng làm. Đằng này cán bộ cùng người dân đổ xô phá rừng làm nhà như vậy thì sao quản nổi. Kiểm lâm lập biên bản, dân cả làng kéo đến vây, thử hỏi làm sao!?".