Clip: Mô hình sản xuất na của anh Nguyễn Trí Tuấn
Trồng na đổi đời
Chạy dọc theo Quốc lộ 1A sẽ tới huyện Chi Lăng -nơi được coi là thủ phủ của na xứ Lạng, nếu để ý khách đi đường sẽ thấy 1 vùng núi đá vôi xanh thẫm một màu, che át đi màu đen của sườn núi đá tai mèo.
Đó chính là màu xanh của hàng trăm vạt na đang vươn mình nơi khe đá. Như một cuộc hẹn, hàng năm, cứ vào khoảng giữa tháng 7 người trồng na ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn lại nhộn nhịp, phấn khởi bước vào vụ thu hoạch.
Những trái na núi đá huyện Chi Lăng đang căng mình mở mắt chuẩn bị cho thu hoạch.
Về thủ phủ na những ngày này không khí bắt đầu tất bật, nhộn nhịp hơn. Từ trên triền núi hay dưới các con ngõ nhỏ đâu đâu cũng thấy niềm vui phấn khởi của bà con nông dân vì na năm nay dù mới chín lác đác nhưng quả to đều, đẹp, được giá. Dù na mới chín với số lượng còn rất ít nhưng nhiều thương lái theo các mối nhiều năm nay đã “đặt cọc” điểm thu mua số lượng lớn.
Cùng chung niềm phấn khởi như các hộ gia đình trồng na khác, gia đình anh Tuấn cũng đang háo hức chờ đợi và chuẩn bị mọi thứ từ khâu bảo dưỡng hệ thống ròng rọc, sửa sang lại thúng đựng, sọt đựng cho đến phát quang cắt tỉa “dọn đường mở lối” để chuẩn bị lên núi thu hoạch na.
Anh Nguyễn Trí Tuấn thường xuyên kiểm tra vườn na, treo bẫy bả để tránh ruồi vàng-đây chính là loài làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng và mẫu mã của quả.
Tranh thủ những ngày cuối tuần vợ chồng anh Tuấn lại tất bật với công việc vườn tược. Trong cái nắng oi ả cũng những ngày trời sắp đổ cơn mưa dông, chúng tôi cùng nhau vượt núi để được tận mắt “mục sở thị” vườn cây cho quả "biết mở mắt" này. Vượt qua quãng đường núi đá tai mèo, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến vạt na nằm treo leo trên dãy núi Cai Kinh này.
Thấm mệt ngồi nghỉ, gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên chán anh Tuấn tâm sự: "Tôi cũng không rõ từ bao giờ, nhưng người dân nơi đã đã gắn bó với cây na từ nhiều đời nay. Trở về từ chiến tranh, bố mẹ tôi cũng bắt đầu khai phá và trồng na trên dãy núi Cai Kinh. Tuổi thơ của 5 anh chị em trong gia đình tôi luôn gắn với núi rừng, vạt na xanh mướt và những gánh na nhọc nhằn đưa từ trên núi xuống...",
Nhọc nhằn vất vả là vậy nhưng theo anh Tuấn, khi cầm cầm trên tay những trái na ngọt ngào người nông dân như quên đi hết những mệt nhọc trước đó.
Mặc dù bận rộn nhiều công việc nhưng anh Tuấn vẫn tranh thủ thời gian phát quang, làm cỏ chăm sóc vườn na trước thời điểm na chín rầm rộ.
Từ trên cao, anh Tuấn chỉ tay về phía những dãy nhà cao tầng, những ngôi nhà mái đỏ nằm san sát nói: “Nhờ cây na, nhờ đất mẹ, lộc trời mà người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn, càng ngày càng nhiều những ngôi nhà mái đỏ tươi mới, hiện đại san sát mọc lên ngay dưới chân núi Cai Kinh này”.
Anh Tuấn cho biết: "Nhà tôi có 5ha đất trồng na và chủ yếu là trồng trên các dãy núi đá nên quả na bao giờ cũng to, ngọt thanh và ít hạt hơn. Vài năm trước bố mẹ tôi còn khỏe, còn phụ giúp được công việc vườn tược, tuy nhiên vài năm trở lại đây tôi có nhiều định hướng mới nên đã để chị gái chăm sóc và thu hái 1 nửa diện tích vạt na này....".
Vườn na của gia đình anh Nguyễn Trí Tuấn đã bắt đầu chín, nhiều thương lái đã đến đặt hàng mua na với số lượng lớn.
Na Chi Lăng nổi bật có tiếng vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân vùng trồng na. Với giá thị trường như hàng năm, các nhà vườn trồng na bán trung bình 30.000- 40.000/kg quả ngay tại vườn, cao điểm vào những ngày đầu vụ giá bán lên tới 60.000- 80.000/kg. Có những hộ dân thu nhập từ bán na lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tại vườn na của gia đình anh Tuấn những cây na xanh tốt được cắt tỉa cành gọn gàng để lộ ra những trái na to tròn đang chuẩn bị chuyển mình mở mắt. Trên cây na anh Tuấn treo những chiếc bẫy ruồi vàng tỏa ra thứ mùi hương dụ những con ruồi phá hoại quả vào bẫy.
Theo anh Nguyễn Trí Tuấn, nhờ những vạt na xanh ngắt trên dãy núi Cai Kinh mà cuộc sống người dân Chi Lăng khấm khá lên từng ngày.
Vừa nhanh tay cắt tỉa những cành na sum suê, anh Tuấn cho biết: “Thời điểm này, na đang chuẩn bị bước vào giai đoạn chín, ruồi vàng sẽ đến chích hút và đẻ trứng trên quả. Nếu không diệt trừ thì trứng ruồi vàng sẽ nở thành ấu trùng xâm nhập qua vỏ vào bên trong, làm hỏng na, làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu na Chi Lăng”.
Vừa dẫn chúng tôi lượn 1 vòng ngắm nghía những trái na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình, anh Tuấn vừa chia sẻ: “Thời bố mẹ anh trồng và chăm sóc chỉ chăm theo kiểu truyền thống, chưa có kiến thức xử lý ra hoa và chăm sóc có kỹ thuật như hiện nay nên cây na ra hoa, quả bé và chín rầm rộ trong vòng nửa tháng là hết. Hiện nhờ những kỹ thuật chăm sóc riêng như thụ phấn, gối vụ … mà vụ na kéo dài hơn, quả to, đẹp và chất lượng hơn”, anh Tuấn nói.
Có chí thì nên!
Mải mê lượn 1 vòng ngắm nghía những trái na đang dần mở mắt, chúng tôi ngồi lại nghỉ ngơi ngay mỏm đá giữ vạt na. Ngồi kể về cuộc đời mình, anh Tuấn cho biết: Bố mẹ anh làm nông vả nên cũng muốn con cái thoát cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2000, với những ấp ủ dự định riêng, chàng thanh niên đất Ải Chi Lăng đã xin phép bố mẹ vào Đồng Nai trải nghiệm và học tập phát triển kinh tế.
Ở nơi đất khách quê người, chàng thanh niên gặp không ít những khó khăn, vất vả. Nhận thấy quê hương, gia đình vẫn là chốn bình yên nhất, đất đai rộng rãi nên anh trở về quê năm 2002. Với sự nhiệt huyết, sôi nổi của tuổi trẻ anh được đề cử tham gia vào tổ chức Đoàn ở địa phương và được nhân dân tín nhiệm giao đảm nhiệm vài công việc tại UBND xã.
Ngoài những vạt na xanh mướt trên dãy núi Cai Kinh thì gia đình anh Tuấn còn có hần 1ha diện tích trồng bưởi Diễn.
Sau khi lập gia đình, chàng thanh niên năm nào giờ đã rắn rỏi, tự tin và trưởng thành hơn rất nhiều. Những trải nghiệm, những kiến thức mà anh học tập được trong 2 năm đi làm ở miền Nam đã giúp anh thêm phần tự tin tiếp quản vườn tược, công việc làm ăn của gia đình.
Với tư duy mới, năng động ngoài công việc nhà vườn anh Tuấn còn là người phụ trách quản lý hoạt động của HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Quang Lang bao tiêu nhiều loại nông sản như ớt, na..cho bà con trong vùng.
“Ngoài bao tiêu đầu ra cho 148 xã viên của HTX thì tôi còn bao tiêu nông sản cho cả bà con trong vùng. Vụ ớt năm nay, tôi bao tiêu hơn 60 tấn ớt của bà con xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Còn vụ na năm 2018 tôi đã bao tiêu hơn 80 tấn na đi Trung Quốc và các tỉnh trong nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…”anh Tuấn nói.
Ngoài ra, anh Tuấn còn làm thêm dịch vụ nấu ăn phục vụ đám hiếu, hỉ, hội nghị phục vụ trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, chàng trai 8x “đa zi năng” này còn phát triển, mở rộng dịch vụ nấu ăn phục vụ tiệc cưới, hội nghị trên địa bàn tỉnh. Cũng nhờ “lòng tham” cộng với sự chịu khó, từ phát triển vườn na, vườn bưởi Diễn đến thu mua bao tiêu nông sản, rồi làm dịch vụ.. mỗi năm gia đình anh Tuấn thu hơn 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí anh Tuấn có lãi nửa tỷ/năm.
Trong ngôi nhà khang trang mới xây dựng, bà Nguyễn Thị Hợp-mẹ anh Tuấn tâm sự với chúng tôi: Ngày xưa bà làm na vất vả lắm, gánh từng gánh na xuống núi chứ không phải có rọng rọc thả từ trên núi xuống như bây giờ.
“Tuấn nhà bà “tham làm” lắm, cũng may trời phú cho thêm tính chăm chỉ, có sức khỏe, dù vất vả nhưng cũng chịu khó nên bao quát được hết công việc. Ngoài công việc ở ngoài Ủy ban thì còn phải làm na, thu mua na, rồi công việc liên quan đến dịch vụ nấu ăn tiệc cưới, hội nghị.. tất bật, vất vả lắm”, mẹ anh Tuấn chia sẻ.
Hiện na đang bắt đầu chín lác tại tại các nhà vườn cuả nông dân Chi Lăng. Các giống na bắt đầu chín từ trung tuần tháng 5 âm lịch đến tháng 9 âm lịch, thu hoạch rộ và khoảng tháng 6-7 âm lịch.
Cũng chính sự “tham việc, ôm đồm” cộng với tư duy sáng tạo cùng tính cần cù, nên giờ đây anh Tuấn đang từng ngày hái những “trái ngọt”. Là một người nhiệt huyết, tận tâm dù trong vai trò nào anh cũng luôn làm tốt.
Anh Nguyễn Trí Tuấn vinh dự nhận được 7 Bằng khen, Kỷ niệm chương của các bộ, ngành Trung uơng về phát kiển kinh tế, Thanh niên làm kinh tế giỏi, giải thưởng Lương Đình Của...Ngoài ra, anh còn nhận 6 Bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh Lạng Sơn trong phát triển kinh tế và làm tốt nhiệm vụ, công tác được giao. |