Thưa ông, trong thời gian qua, dư luận rất bức xúc trước hàng loạt vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhưng không thể xử lý được hình sự. Vậy với Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi sẽ nâng mức xử phạt đối với hành vi này như thế nào?
ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT
- Năm2015, lực lượng thanh tra chuyên ngành và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường(C49), Bộ Công an đã phát hiện rất nhiều công ty sử dụng chất cấm, nhưng nếu theo Điều, Khoản của Bộ Luật hình sự trước năm 2015 thì không thể “hình sự hóa”. Nhưng Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi quy định cấu thành tội phạm là cấu thành hình thức khi anh đã sử dụng chất cấm có tổ chức, có hệ thống, hoặc cố ý sử dụng là đã bị xử phạt. Vì vậy, bây giờ không cần có văn bản hướng dẫn mà khi phát hiện tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm có thể truy tố hình sự vì hành vi cấu thành tội phạm sử dụng chất cấm. Khi đó, tổ chức, cá nhân khi bị xử phạt hoặc truy tố đồng nghĩa với thiệt hại trong kinh doanh, thậm chí là phá sản.
Ông có thể cho biết, những hành vi sử dụng chất cấm sẽ bị xử lý theo khung hình phạt như thế nào?
- Sau khi có chỉ đạo của Bộ NNPTNT, Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã làm rất quyết liệt trong kiểm tra, xử lý các hành vi liên quan đến sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Căn cứ vào thực tế xử lý chất cấm, Quốc hội cũng đã xem xét và thấy cần thiết phải xử lý hình sự đối với những người sử dụng chất cấm. Chính vì vậy, Bộ Luật hình sự năm 2015 đã đưa vào Điều 190, 191, 195 và quan trọng nhất là Điều 317 là hành vi cấu thành tội phạm hình thức. Tức là chỉ cần đưa hóa chất cấm không được sử dụng vào thực phẩm; vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và đưa vào thực phẩm thì đã đủ yếu tố để khẳng định cá nhân, tổ chức phạm tội.
Mức phạt cao nhất cho khung hình phạt này là bao nhiêu năm tù giam, thưa ông?
- Thứ nhất là xử lý hành chính theo hình thức phạt tiền. Trong Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi cao hơn rất nhiều so với các Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trước đây. Thứ hai, tùy theo tính chất, mức độ hành vi sử dụng chất cấm các cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý phạt tù từ 1 đến 10 năm; nhẹ là từ 1 đến 5 năm tù; 5 đến 10 năm và cao nhất lên tới 20 năm khi vi phạm mang tính chất có tổ chức, tính hệ thống. Chúng tôi hy vọng rằng từ 1.7, khi Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực bất cứ tổ chức, cá nhân khi sử dụng, buôn bán hay vận chuyển chất cấm đều phải cân nhắc trước việc làm của mình.
Lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hải Dương cố tình trộn chất cấm vào thức ăn gia súc - ảnh Thanh Xuân Theo kế hoạch, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đến hết năm nay sẽ đẩy lùi và triệt phá việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ông có thể cho biết cụ thể kế hoạch này?
- Theo kế hoạch của Bộ NNPTNT, mục tiêu đặt ra trong năm 2016 là chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. thời gian tới cơ quan chức năng chuyển sang thanh tra đột xuất, có trinh sát trước mới thanh tra, đặc biệt mức xử phạt các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ được nâng lên nhiều so với hiện nay. Thay vì chỉ phạt tiền (7,5 triệu đồng với hộ chăn nuôi nhỏ và 15 triệu đồng với trang trại chăn nuôi) và giữ heo hai tuần để thải hết chất cấm rồi cho tái xuất chuồng, cơ quan chức năng sẽ áp dụng biện pháp tiêu hủy cả đàn heo nếu phát hiện vi phạm.
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã diễn ra trong suốt một thời gian dài, song vì sao chúng ta vẫn chưa ngăn chặn triệt để được tình trạng này, mà một trong những nguyên nhân là chất cấm Salbutamol vẫn được Bộ Y tế cho nhập về để làm thuốc chữa bệnh. Vậy tới đây, việc này sẽ được tháo gỡ như thế nào, thưa ông?
- Trước tình hình phức tạp về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngày 20.11.2015, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có công văn số 21969/QLD-KD yêu cầu các đơn vị nhập khẩu Salbutamol tạm dừng nhập khẩu và tạm dừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol; Bộ Y tế đã kiến nghị sủa đổi Luật Dước để đưa nguyên liệu Salbutamol vào danh mục kiếm soát đặc biệt.
Thực tế, Salbutamol và một số chất khác là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh cho người hoặc một số hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nhưng lại thuộc danh mục chất cấm trong chăn nuôi; song việc kết nối thông tin giữa các Bộ, ngành, các cấp chưa được kịp thời, do đó công tác quản lý nhà nước còn có những bất cập, thiếu đồng bộ; chính vì vậy thời gian tới, các cơ quan chức năng Bộ Công an, Bộ NNTNT, Bộ Y tế và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nhằm hoàn thiện các văn bản pháp luật làm hành lang pháp lý cho công tác quản lý và thanh tra, kiểm tra chất cấm, đảm bảo tính răn đe;
Mặt khác, các biện pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới là: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phối hợp của các Bộ, ngành để kịp thời phát hiện xủ lý hanh vi vi phạm trong việc kinh doanh, sử dụng Salbutamol và một số chất cấm khác trong chăn nuôi. Nâng cao năng lực của các phòng phân tích.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với hình thức thanh tra, kiểm tra đột xuất thông qua điều tra, trinh sát. Xác định đối tượng, khâu, địa bàn trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực thanh tra, kiểm tra hiệu quả.
Huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh với chất cấm; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương hiệu quả.
Tăng cường công tác thông tin truyền thông hiệu quả, có thông điệp rõ ràng, cụ thể. Công bố những tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương diện thông tin, đại chúng để đảm bảo tính răn đe; đảm bảo đủ nguồn lực, nhân lực cho hoạt động thanh tra kiểm tra. Đồng thời, khen thưởng, động viên kịp thời.
Xin cảm ơn ông!