Dân Việt

Quảng Ninh nâng tầm nông thôn mới

03/02/2017 10:01 GMT+7
Kết thúc chặng 5 năm đầu xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Ninh là một trong 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc và dẫn đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về xây dựng NTM. Để tiếp nối thành công này, Quảng Ninh đang hướng đến mục tiêu bền vững hơn theo hướng nâng tầm NTM, trở thành nông thôn tiên tiến.

img

Ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trò chuyện với người dân thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn,

TP.Móng Cái.

Dấu ấn tạo nên những thành công

Trong xây dựng NTM, nhờ có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong vấn đề điều hành ngân sách, Quảng Ninh đã đổi mới, linh hoạt theo hướng phân cấp giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương; giảm dần đầu tư từ ngân sách, huy động tốt các nguồn lực đầu tư toàn xã hội.

Sau 5 năm, tỉnh đã huy động các nguồn vốn đạt trên 57.704 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Đáng chú ý là quy định của Trung ương tại Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 đối với các nguồn vốn ngân sách sử dụng là 40% nhưng Quảng Ninh chỉ sử dụng 11,62%; vốn tín dụng quy định 30%, tỉnh đã thực hiện lên tới 66,12%; vốn từ các doanh nghiệp, HTX và các loại hình kinh tế khác khoảng 20%, tỉnh đã huy động được 22,26%.

img

Nông dân xã Vạn Ninh (Móng Cái) thu hoạch tôm

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, Quảng Ninh đã tạo được những phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia vào công cuộc xây dựng NTM. Hàng trăm ngàn m2 đất đã được nhân dân hiến tặng để làm các công trình giao thông, nhà văn hóa... Tiêu biểu như tại huyện Đông Triều, nhân dân đã đóng góp gần 70 ngàn m2 đất để xây dựng nhà văn hóa, huyện Hải Hà có 211 hộ dân hiến gần 25 ngàn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn
Để làm cho dân hiểu, dân tin và thực hiện có hiệu quả Chương trình, cấp ủy, lãnh đạo từ tỉnh đến các sở, ngành, địa phương đã trực tiếp tọa đàm, đối thoại với nông dân về cách hiểu, cách làm trong xây dựng NTM. Các phong trào, các cuộc vận động được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai sâu rộng, tạo khí thế sôi nổi trên khắp các đường làng, ngõ xóm. Các phong trào hiến đất, vệ sinh môi trường, tham gia đóng góp ngày công làm đường, thực hiện dồn điền đổi thửa... đã tạo được hiệu quả và tiếng vang lớn trên khắp cả nước.

Nhờ công tác truyền thông tốt, nhận thức về xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt, từ chỗ ban đầu người dân và cán bộ cấp xã, huyện coi đây là một chương trình đầu tư của nhà nước cho vùng nông thôn. Nhưng đến nay, tất cả đã chủ động tham gia chương trình NTM, xóa bỏ tâm thế ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, vào chính quyền.


Trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng ít có tỉnh xây dựng được một hệ thống vận hành đồng bộ và chuyên nghiệp, với tinh thần trách nhiệm cao như Quảng Ninh. Trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo; thành lập bộ phận tham mưu chuyên trách; có nhiều chính sách tốt để huy động sự tham gia xây dựng NTM của toàn xã hội... Quảng Ninh cũng là một trong số ít các tỉnh đã cụ thể hóa các tiêu chí NTM sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, huy động được cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng Quân đội và toàn dân tham gia.

Đến nay toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 4 huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới (có trên 75% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới). Trong đó: Thị xã Đông Triều là địa phương đầu tiên của khu vực phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Từ cuối năm 2015, huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Nâng tầm nông thôn mới

Giai đoạn 2016- 2020, Quảng Ninh xác định phải tiếp tục nâng chất lượng các xã, các huyện nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu: Thu nhập của người nông dân được nâng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và hoàn thiện; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần được phát huy, giữ vững giá trị truyền thống; an ninh, trật tự và an sinh xã hội vùng nông thôn được đảm bảo; môi trường sinh thái phát triển đa dạng và bền vững.

img

Một góc xã Nông thôn mới Quảng Trung, huyện Hải Hà.

Mục tiêu cụ thể là xây dựng 104/111 xã (vì có 14/125 xã đã lên phường) đạt chuẩn NTM, 7 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM. Có 9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (Quảng Yên, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái), 1 huyện cơ bản đạt chuẩn NTM (huyện Bình Liêu).

Từ năm 2020 trở đi, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng huyện, xã NTM và thực hiện nông thôn tiên tiến. Nâng cao thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn gấp 2 lần so với năm 2015; Tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt trên 98%, trong đó tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 50% trở lên; Đào tạo nghề cho 33.000 lao động nông thôn; Đưa 22 xã đặc biệt khó khăn ra khỏi diện xã khu vực III, trong đó có ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM.