Dân Việt

Cao nguyên Sìn Hồ thay áo mới

Thanh Ngân 09/07/2019 14:12 GMT+7
Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vùng khó Sìn Hồ (Lai Châu) đã có nhiều đổi thay đáng kể về diện mạo và đời sống người dân.

Sìn Hồ là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh nghèo Lai Châu. Toàn huyện có 22 xã, thị trấn thì có đến 21 xã nằm trong danh sách những xã đặc biệt khó khăn, được thụ hưởng chương trình 135 của Chính phủ.

Bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Sìn Hồ gặp phải không ít những khó khăn, thách thức. Kết cấu hạ tầng thấp kém, tập quán sản xuất lạc hậu, trình độ dân trí không đồng đều... đã trở thành những rào cản trong tiến trình xây dựng NTM ở nơi vùng khó này.

Xác định xây dựng NTM là một chương trình dài hơi, không thể “một sớm, một chiều” mà hoàn thành được, huyện Sìn Hồ tập trung tháo gỡ dần những nút thắt.

img
 Phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Sìn Hồ thu hút sự tham gia tích cực của người dân.

Nói như ông Nguyễn Quốc Vương – Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ thì Sìn Hồ đã và đang có những bước đi vững chắc trong xây dựng NTM. “Vướng ở đâu thì gỡ ở đó. Người dân chưa hiểu thì phải tuyên truyền kết hợp với giải thích để người dân hiểu được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Khi bà con đã hiểu thì việc vận động thực hiện xây dựng NTM cũng trở nên dễ dàng hơn” – ông Vương nhấn mạnh.

Trên cơ sở xây dựng kế hoạch, lộ trình cho từng giai đoạn, huyện Sìn Hồ đã họp bàn thống nhất cách làm, với quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tam nông. Các ban, ngành, đoàn thể của huyện cùng vào cuộc, thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền, vận động người dân các xã, bản làm nông thôn mới. Hàng loạt các phong trào thi đua được phát động như: Phong trào “Nhân dân các dân tộc huyện Sìn Hồ chung sức xây dựng NTM”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với xây dựng NTM”... thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, tạo nên phong trào xây dựng NTM rộng khắp các xã, bản.

img

Nhiều trạm y tế xã trên địa bàn huyện Sìn Hồ được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, góp phần đắc lực vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. 

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, huyện Sìn Hồ đã biết tranh thủ các nguồn lực của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu Quốc gia, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng tới xây dựng, sửa chữa các công trình: Điện, đường, trường, trạm... tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất.

Không dừng lại ở đó, huyện miền núi Sìn Hồ còn thực hiện lồng ghép các dự án, chương trình mục tiêu Quốc gia: 135, 30a... để hỗ trợ người dân giống cây trồng, vật nuôi.

“Chúng tôi tham mưu cho huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được huyện chỉ đạo khá quyết liệt. Vài năm trở lại đây, người dân các xã, bản tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, tăng vụ” – bà Trần Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ, phấn khởi cho biết.

img

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Sìn Hồ giảm qua từng năm. 

Cũng theo bà Hiền, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều bước tiến vượt bậc. Ngoài sản xuất lúa, ngộ, người dân các xã còn tích cực trồng thảo quả trên tán rừng, phát triển chăm nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, nhiều diện tích trồng lúa nương, ngô sắn trước đây đã được người dân chuyển sang trồng chè Shan Tuyết. Đến nay, toàn huyện đã có 281,2 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 4 ha, diện tích chè kiến thiết cơ bản là 277,2 ha.

“Cây chè đang phát triển tốt ở cao nguyên Sìn Hồ. Ngay từ đầu, huyện đã chỉ đạo và vận động người dân trồng chè theo hướng hữu cơ, để cung cấp ra thị trường sản phẩm chè sạch, chất lượng cao. Huyện Sìn Hồ vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các xã vận động người dân mở rộng diện tích trồng chè. Không lâu nữa, người dân Sìn Hồ sẽ có thu nhập ổn định từ cây chè” – bà Hiền cho hay.

Sản xuất nông nghiệp phát triển, thu nhập của người dân các xã, bản trên địa bàn huyện cũng nhờ đó mà tăng lên đáng kể. Bà con mạnh dạn hiến đất, đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông, xây nhà văn hóa, chỉnh trang lại nhà cửa... góp phần làm thay đổi diện mạo bản làng trên vùng đất vốn còn nhiều gian khó này.

Sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Sìn Hồ đã nỗ lực giành được những kết quả khả quan. Toàn huyện đã có 3 xã đạt chuẩn NTM, không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn miền núi của huyện có nhiều đổi thay, đời sống vật và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện, nâng cao.