PTT Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta không phụ thuộc vào bất kỳ nước nào“

Hải Phong Thứ năm, ngày 12/06/2014 16:19 PM (GMT+7)
Chiều nay (12.6), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội, trong đó quan trọng nhất là việc đưa ra các giải pháp để thoát khỏi sự lệ thuộc của Trung Quốc về kinh tế.
Bình luận 0
Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền về việc xây dựng nền kinh tế tự chủ, Phó Thủ tướng chia sẻ: Đường lối của ta là đa phương hóa, đa dạng hóa nền kinh tế. Chúng ta không phụ thuộc về kinh tế với bất cứ nước nào, tôi có đầy đủ con số để chứng minh nhưng không có thời gian để trình bày cụ thể. Tuy nhiên, trong một thế giới phẳng, chúng ta không thể độc lập hoàn toàn. Chính phủ luôn đề cao một tinh thần xây dựng nền kinh tế chủ động hơn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Giải pháp của Chính phủ là: Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chủ trương của Quốc hội khóa XIII đặt ra từ đầu, cùng với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiệu quả chất lượng. Ta đang có thế mạnh về thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, chọn lọc, đặc biệt là những dự án mang hàm lượng KHCN cao, đảm bảo môi trường tốt hơn cho Việt Nam. Thúc đẩy sức mạnh nội tại của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, để họ đủ sức hấp thụ sự đầu tư của nước ngoài, trong đó có đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực nội tại.

Một giải pháp nữa là đẩy mạnh thị trường: Ta đã có chủ trương và đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, phát triển các vùng nguyên vật liệu trong nước mạnh mẽ hơn. Từ 2010, Chính phủ đã đa dạng hóa thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Có 6 hiệp định thương mại lớn với các nước lớn, ASEAN, tới đây có TPP, AFTA, đến 2015, có 16 cái AFTA với 55 nước và vùng lãnh thổ có tiềm lực kinh tế mạnh, mở ra sự đa dạng thương mại. Chúng ta có chủ trương giữ quan hệ làm ăn du lịch với Trung Quốc qua hiệp định thương mại song phương, đa phương trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

Về câu hỏi của ĐB Trần Hoàng Ngân làm sao “biến họa thành phúc”, Phó Thủ tướng thừa nhận vừa rồi cả thế giới, cả các tổ chức và Chính phủ nước ngoài đều hết sức ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước.

“Tất cả bởi vì chúng ta có chính nghĩa. Chúng ta đã đấu tranh bằng biện pháp hòa bình từ ngoại giao, thực địa và sẽ làm hết sức mình để giữ mối quan hệ hòa bình, tôn trọng trong một thế giới hội nhập, trách nhiệm và quyền lợi cùng chia sẻ” - Phó Thủ tướng khẳng định - "Ngoài ra, chúng ta chủ động xây dựng đất nước để bảo vệ tổ quốc. Vấn đề này rất quan trọng. Muốn vậy, ta phải chủ động mấy việc sau: Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Có một cơ cấu mở rộng thị trường cả đầu vào và đầu ra; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tiếp tục bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trên cơ sở nền tảng pháp luật quy định. Để thu hút khách du lịch, phải đảm bảo an toàn, hạ tầng du lịch, quản bá du lịch, truyền thống văn hóa là rất quan trọng". 

Với câu hỏi của ĐB Lê Như Tiến về tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng gây bức xúc trong dư luận, Phó Thủ tướng cho biết: Năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương biện pháp để thực hiện, chúng ta đạt được nhiều kết quả, số bị điều tra khởi tố hơn 26.000 vụ, tỷ lệ phá án trên 74%. Nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm băng nhóm, ma túy, buôn bán người… Chính phủ phải có những biện pháp đồng bộ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Đó là tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, sửa Bộ luật Hình sự, đặc biệt là củng cố Ban chỉ đạo 138 ở các địa phương, tiếp tục giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình, phát động toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, cảnh báo răn đe không để lọt tội phạm, chủ động đánh giá địa bàn, khen thưởng kỷ luật, nghiêm minh. Ngoài ra, tội phạm giờ có tính quốc tế nên phải hợp tác với các lực lượng phòng chống tội phạm quốc tế. Quan trọng hơn cả, địa bàn nào để tội phạm lộng hành nơi đó chính quyền và công an phải chịu trách nhiệm trước dân và Chính phủ.

Về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), ngày 5.5.2014, Tổng Bí thư đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về PCTN, đề ra những biện pháp cụ thể. Trước đó, ngay sau khi có Luật PCTN, Thủ tướng đã ban hành 5 NĐ làm cơ sở cho việc PCTN và xử lý tham nhũng, phát hiện, điều tra, xét xử nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng với mức án nghiêm khắc, có nhiều đoàn kiểm tra đôn đốc công tác này. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn, còn phức tạp về quy mô và tính chất, ở nhiều cấp độ khác nhau. Với những giải pháp đồng bộ quyết liệt hơn, tôi xin nói: Tuyên truyền phổ biến PCTN cho nhân dân, hoàn thiện thể chế pháp luật. Tổng Bí thư đã yêu cầu: “Kiên quyết xây dựng một cơ chế để không dám, không cần và không thể tham nhũng”, ngoài ra chúng ta phải củng cố lực lượng PCTN, tổ chức tốt các hình thức tiếp nhận thông tin PCTN. Thủ tướng đã ký NĐ xác định trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, cái này hết sức quan trọng. Phải kiên trì, kiên quyết, có bước đi phù hợp và mạnh mẽ.

Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Tất Thắng về việc người nông dân trồng lúa lãi thấp so với giá thành, Phó Thủ tướng phân tích: Nước ta có 3,8 triệu hécta là đất trồng lúa nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng lúa: Khuyến nông, hỗ trợ thủy lợi phí, giống, công tác sau thu hoạch. Đặc biệt: Người trồng lúa 1ha/năm sẽ được thêm 500.000 đồng và chính sách tạm trữ 1 triệu tấn lúa ở ĐBSCL. Giá lúa hiện nay ở ĐBSCL từ 5.000 – 5.400đ/kg, đảm bảo lãi trên 30% so với giá thành. Năng suất, theo Bộ trưởng Phát, tăng gần 600.000 tấn riêng ở ĐBSCL. Một số nơi không thể lãi như vậy do địa hình không thuận lợi. Do đó phải tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp, 3,8 triệu hécta không phải nhất thiết trồng lúa, có thể trồng hoa màu, cái gì có năng suất, giá trị cao thì trồng. Bên cạnh đó, phải thực hiện đồng bộ chính sách cho người trồng lúa ở các địa phương. Nếu vậy người trồng lúa dứt khoát sẽ lãi trên 30%. 

Về ý của ĐB Trần Du Lịch hỏi Chính phủ có biện pháp đột phá gì để tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết: Giờ chúng ta đang tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, đây là nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã đề ra và triển khai thực hiện từ lâu. Kết quả tái cơ cấu đã có những kết quả bước đầu. Trong bối cảnh hiện nay, cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở mọi cấp độ từ cao xuống thấp. Việc này sẽ đem lại động lực mới cho phát triển, nhưng cũng động chạm lợi ích của một nhóm người. Nên phải có thể chế, năng lực thực hiện đồng bộ. Có 4 việc chúng ta phải làm ngay: Phải tháo gỡ thể chế và nguồn nhân lực cấp cao. Cải tiến theo nền kinh tế thị trường, khắc phục mặt trái, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh, làm sao để thu hút phát triển, đặc biệt quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công, DNNN… Đặc biệt chú trọng tái cơ cấu nền nông nghiệp, chú ý tam giác phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. Phải có quyết tâm và biện pháp mạnh để tái cơ cấu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem