Quá khó để Biden thành lập liên minh chống Trung Quốc ở châu Á

22/02/2021 10:05 GMT+7
Một nhà phân tích chính trị nhận định Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ đối diện thử thách đáng kể khi tập hợp các quốc gia đồng minh ở châu Á trong một liên minh chống lại Trung Quốc.

James Crabtree, giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) nhận định rằng một phần thách thức đó đến từ cam kết của Tân Tổng thống Mỹ Biden về việc xây dựng lại tầng lớp trung lưu Mỹ - điều có thể cản trở nỗ lực thúc đẩy các chính sách kinh tế và thương mại với châu Á.

“Những gì Mỹ đã làm trước đây là cố gắng sử dụng cả sức mạnh an ninh và kinh tế để lôi kéo các đồng minh vào cùng một liên minh. Chẳng hạn như Mỹ đã thiết lập hiệp định thương mại TPP ban đầu” - ông Crabtree nhấn mạnh. TPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại được đàm phán bởi cựu Tổng thống Barack Obama và 11 quốc gia khác, hầu hết nằm ở châu Á - Thái Bình Dương và không có sự tham gia của Trung Quốc.

Quá khó để Biden thành lập liên minh chống Trung Quốc ở châu Á - Ảnh 1.

Quá khó để Biden thành lập liên minh chống Trung Quốc ở châu Á

Thời điểm Mỹ còn nằm trong TPP, đây được mệnh danh là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% nền kinh tế toàn cầu. TPP được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao vai trò chiến lược của Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, đồng thời cân bằng lại ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc.

Nhưng thỏa thuận đã nhận về vô số chỉ trích ở Mỹ và không được Quốc hội thông qua. Cựu Tổng thống Donald Trump, người kế nhiệm ông Obama đã quyết rút Mỹ khỏi TPP do lo ngại thỏa thuận như vậy sẽ làm suy yếu ngành sản xuất của Mỹ, gây thiệt hại cho công nhân Mỹ. 11 quốc gia còn lại trong hiệp định sau đó quyết định đàm phán lại và ký vào thỏa thuận được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, hay CPTPP.

Ông Crabtree chỉ ra rằng: “Tổng thống Biden đã hứa hẹn về một chính sách kinh tế và thương mại sẽ chỉ mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu Mỹ. Nếu ông ta muốn thúc đẩy cam kết này, thì việc đạt được thỏa thuận kinh tế với các quốc gia xuất khẩu lớn ở châu Á để tạo thành một liên minh xoay trục chống lại Trung Quốc sẽ khó hơn rất nhiều”.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi Mỹ tỏ ra xa rời các đồng minh châu Á dưới thời chính quyền Trump. Việc Trung Quốc ký kết hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới mà Bắc Kinh, không bao gồm Mỹ, được xem là động thái có ý nghĩa lớn với Trung Quốc trong việc tăng cường sự hiện diện ở khu vực châu Á.

Để cân bằng lại quyền lực mềm trước Trung Quốc, chính quyền Biden giờ đây phải tìm cách tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Ông Biden trước đó tuyên bố: “Nước Mỹ đã trở lại”, và rằng sẽ tiếp cận vấn đề Trung Quốc dưới góc độ đa phương hơn bằng cách tập hợp một liên minh với các đồng minh châu Á và châu Âu.

“Thực tế là sức nặng kinh tế của Mỹ đang giảm, còn vị thế của Trung Quốc ngày càng tăng. Và Trung Quốc cũng đang làm khá tốt trong việc thay thế Mỹ với tư cách bên bảo hộ thương mại tự do trong khu vực” - ông Crabtree cảnh báo. “Câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu Mỹ có quay trở lại TPP không? Tôi nghĩ rất nhiều chính khách ở Washington nghĩ rằng họ nên làm thế - nhưng rất khó để đoán xem liệu điều này có thể thực hiện được hay không”.


NTTD
Cùng chuyên mục