Quan hệ Putin và Tập Cận Bình ngày càng thân thiết, vì sao?

Tuấn Anh (Theo Alzaeera) Thứ hai, ngày 29/11/2021 15:56 PM (GMT+7)
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga ngày càng sâu sắc là điều chưa từng có và diễn ra vào thời điểm căng thẳng với phương Tây leo thang.
Bình luận 0

Nhiều tuần sau khi điều tàu chiến đi quanh đảo chính của Nhật Bản, quân đội Trung Quốc và Nga đã cho máy bay ném bom bay vào vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản và Hàn Quốc, buộc Seoul phải điều máy bay chiến đấu của mình để đáp trả.

Quan hệ Putin và Tập Cận Bình ngày càng thân thiết, vì sao? - Ảnh 1.

Lính thủy đánh bộ Trung Quốc tham gia Đại hội thể thao quân đội quốc tế 2019 tại bãi bắn Khmelevka trên bờ biển Baltic ở Vùng Kaliningrad, Nga ngày 8 tháng 8 năm 2019. Ảnh Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo tuần trước đã gặp các phóng viên để bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về các cuộc tuần tra chung diễn ra vào tuần trước, nói rằng các động thái của Bắc Kinh và Moscow cho thấy rõ ràng rằng "tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản đang gia tăng nghiêm trọng hơn".

Khi ông nói chuyện với phóng viên, thì những người đồng cấp Trung Quốc và Nga cũng đang tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến, nơi họ ca ngợi các cuộc tập trận không quân và hải quân là "sự kiện lớn" và ký một hiệp ước mới nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã cùng chứng kiến sự phát triển chưa từng có trong hợp tác quân sự, bao gồm cả các cuộc tập trận  chiến tranh quy mô lớn ở Ninh Hạ của Trung Quốc vào tháng 8, khi quân đội Nga trở thành Lực lượng nước ngoài đầu tiên tham gia một cuộc tập trận thường kỳ của Trung Quốc, cũng như các tuyên bố hợp tác phát triển trực thăng quân sự, hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa và thậm chí cả một trạm nghiên cứu trên mặt trăng.

"Đó là mối quan hệ bền chặt nhất, gần gũi nhất và tốt nhất mà hai nước đã có từ ít nhất là giữa những năm 1950", Nigel Gould-Davies, chuyên gia ghiên cứu cao cấp về Nga và Âu-Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết.

Lưu ý rằng quan hệ Trung Quốc-Nga trong lịch sử được đánh dấu bằng sự cảnh giác lẫn nhau, bao gồm một cuộc xung đột biên giới vào những năm 1960 được cho là đã đẩy Bắc Kinh và Moscow đến bờ vực chiến tranh hạt nhân, Gould-Davies cho biết tình hình hiện tại là "đặc biệt".

Ông nói, mối quan hệ đã "phát triển rất nhanh chóng, thực sự trong vòng 10 năm qua. Mối quan hệ này đã tăng tốc sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga về việc sáp nhập Crimea vào năm 2014".

Hai bên xích lại gần nhau hơn không chỉ về mặt quốc phòng mà còn cả về mặt ngoại giao và kinh tế.

Putin-Tập Cận Bình: Quan hệ "bạn thân"

Quan hệ Putin và Tập Cận Bình ngày càng thân thiết, vì sao? - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia cuộc gọi điện video với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, ngày 28 tháng 6 năm 2021. Ảnh Reuters


Về chính sách đối ngoại, Trung Quốc và Nga chia sẻ các cách tiếp cận tương tự đối với Iran, Syria và Venezuela, và gần đây đã hồi sinh nỗ lực dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin cũng có mối quan hệ cá nhân đặc biệt hơn. Ông Tập Cận Bình và ông Putin đã gặp nhau hơn 30 lần kể từ năm 2013. Nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn gọi ông Putin là "bạn thân" của mình.

Đối với Trung Quốc, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và là nguồn nhập khẩu dầu lớn thứ hai. Và đối với Nga, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và là nguồn đầu tư quan trọng trong các dự án năng lượng của nước này, bao gồm nhà máy Yamal LNG ở Vòng Bắc Cực và đường ống Power of Siberia, một dự án khí đốt trị giá 55 tỷ USD lớn nhất trong lịch sử Nga.

Chuyên gia Gould-Davies cho biết động lực chính đằng sau tất cả những điều này Trung Quốc và Nga đều có sự cạnh tranh với phương Tây để khẳng định giá trị của họ.

Hai bên cùng có lợi

Mối quan hệ ngày càng sâu sắc thực sự đã khiến phương Tây lo lắng. Tình báo Mỹ và phương Tây đã liệt kê một loạt các nguy cơ khi Nga và Trung Quốc ngày càng kết thân, trong đó mối đe an ninh lớn nhất là nhằm vào Mỹ và NATO.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times có trụ sở tại London vào tháng trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông không coi Trung Quốc và Nga là hai mối đe dọa riêng biệt.

Ông nói: "Trung Quốc và Nga hợp tác chặt chẽ với nhau. "Toàn bộ ý tưởng phân biệt rất nhiều giữa Trung Quốc, Nga, Châu Á - Thái Bình Dương hay Châu Âu - đó là một môi trường an ninh lớn và chúng ta phải giải quyết tất cả cùng nhau". Nhưng một số người nói rằng đánh giá này quá đơn giản và có thể dẫn đến "sai lầm nghiêm trọng".

"Không có âm mưu lớn nào chống lại phương Tây," Bobo Lo, một cựu quan chức ngoại giao Australia và một nhà phân tích quan hệ quốc tế độc lập cho biết vào tháng trước. "Đây là một mối quan hệ quyền lực lớn cổ điển, có nghĩa là nó được thúc đẩy bởi lợi ích chung, thay vì các giá trị được chia sẻ," ông nói tại một cuộc nói chuyện trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu An ninh Toàn cầu có trụ sở tại Mỹ tổ chức.

Ông Lo nói rằng: Bằng cách hỗ trợ lẫn nhau, Trung Quốc và Nga đạt được "lợi tức quan trọng", bao gồm cả việc củng cố "tính hợp pháp và ổn định của các chế độ tương ứng". Ông nói thêm, hợp tác quốc phòng cho phép Moscow thể hiện ảnh hưởng của Nga trên trường thế giới, trong khi Bắc Kinh có thể tiếp cận với quân đội tiên tiến của Nga về công nghệ và kinh nghiệm.

Mối quan hệ này cũng cho phép Nga "lấp đầy khoảng trống công nghệ do việc rút lui của các công ty phương Tây ở Nga" sau các lệnh trừng phạt được áp đặt sau vụ sáp nhập Crimea. Ông Lo nói: "Và đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ là cực kỳ quan trọng đối với việc thực hiện các dự án LNG ở Bắc Cực của Nga.

Alexander Gabuev tại Trung tâm Carnegie Moscow đồng ý với quan điểm trên của ông Lo. Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc "được thúc đẩy bởi các yếu tố cơ bản nằm ngoài tầm kiểm soát của phương Tây", ông  Gabuev nói, đồng thời lưu ý trong một cuộc nói chuyện vào tháng 3 rằng hai nước cũng có chung đường biên giới dài 4.300 km (2.672 dặm). Do các cuộc đụng độ biên giới năm 1969, "họ biết rằng việc trở thành kẻ thù thực sự nguy hiểm và tốn kém như thế nào," ông Gabuev nói.

Đó là lý do tại sao, ông Gabuev nói trên Twitter vào tháng trước rằng, tuyên bố của NATO cho rằng Trung Quốc và Nga là một thách thức là đã "phóng đại mức độ và sắc thái hợp tác Trung-Nga hiện tại".

Theo ông Gabuev, cả hai quốc gia đều "tôn sùng quyền tự chủ chiến lược của họ" và "bằng cách gộp Trung Quốc và Nga lại với nhau thành một liên minh bán thân cần được đối phó thông qua một bộ công cụ thống nhất, phương Tây có nguy cơ tạo ra một lời tiên tri tự ứng nghiệm".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem