Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Kể từ năm 1992, Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao và sau đó nâng cấp lên quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược vào năm 2009; tiếp đó năm 2022, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong suốt chặng đường 34 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Hàn Quốc hiện đã trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) với kim ngạch song phương năm 2023 đạt 76 tỷ USD. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc).
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 5, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,87% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1 tỷ USD).
Hết tháng 5 có 4 nhóm hàng xuất khẩu của nước ta sang “xứ sở kim chi” đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD.
Dẫn đầu là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15,18%. Tiếp theo là điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,4 tỷ USD, tăng 10,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 1,3 tỷ USD, tăng 20%; dệt may đạt 1,1 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 20 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc trong 5 tháng qua đạt 21,75 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 1,6 tỷ USD). Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Hàn Quốc với kim ngạch đạt 11,81 tỷ USD, tăng 14,4%.
Bên cạnh đó, còn 2 nhóm hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt kim ngạch tỷ đô là: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,25 tỷ USD, giảm 3,3%; xăng dầu đạt kim ngạch 1,1 tỷ USD, giảm 18,52%.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, đối tác lớn thứ hai về hợp tác ODA, thứ ba về hợp tác lao động, thương mại và là thị trường cung cấp khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam trong năm 2023. Hợp tác trên các lĩnh vực khác, như văn hóa, giáo dục, lao động, địa phương... cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại nước ta ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Tính riêng tháng 6, lượng FDI đăng ký tăng thêm gần 1,9 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong 6 tháng. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh (147 lượt).
Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc có hơn 250.000 người. Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 150.000 người tại Việt Nam.
Năm 2023, lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt người, đứng thứ nhất trong số khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong bốn tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc vẫn là thị trường khách du lịch Việt Nam lớn nhất, với 1,6 triệu lượt, chiếm 25,8% tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam.
Nhận lời mời của Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Han Duck Soo và Phu nhân, từ ngày 30/6-3/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Hàn Quốc.
Thông qua đó, chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng; cụ thể hóa Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.
Sáng nay, ngày 1/7, tại thủ đô Seoul, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc Tọa đàm bàn tròn với lãnh đạo gần 20 tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc trong các lĩnh vực...
Thủ tướng đề nghị bên cạnh hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, hai bên cần tăng cường hợp tác trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, trong các lĩnh vực cách mạng công nghiệp lần thứ tư….
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân khi khó khăn, thiên tai, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp Hàn Quốc, chuỗi giá trị toàn cầu.
Với mong muốn “mở ra chân trời hợp tác mới để có giá trị hợp tác mới”, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng trên tinh thần "3 cùng" (cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển); "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ đóng góp lớn hơn cho quan hệ hai nước, cho sự phát triển của mỗi nước, mang lại đời sống ngày càng tốt đẹp cho người dân hai nước.
Kết thúc tọa đàm, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.