|
TS Phạm Xuân Sử - Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam |
- Ở miền Trung, trên các dòng sông lớn như Ba Hạ, Vu Gia, Thu Bồn… người ta mới làm được một số quy trình điều tiết, nhưng lại chỉ làm được điều tiết về mùa lũ, chứ không làm được điều tiết mùa kiệt. Ngay cả sông Hồng cũng thế, đến giờ vẫn chưa làm được điều tiết mùa kiệt.
Về sử dụng nguồn nước ,theo quy định hiện nay là giao cho Bộ TNMT chỉ đạo, nhưng thực hiện lại là Bộ NNPTNT, vì nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước nhất.
Song muốn thực hiện thì lại phải qua Bộ Công Thương và đến Bộ này bao giờ cũng bị “tắc”, vì nếu sử dụng nước cho điện thì nông nghiệp nguy, còn sử dụng nước cho nông nghiệp, thì thuỷ điện thiệt.
Mỗi khi xảy ra tình trạng tranh cãi giữa các công ty thủy điện và những đơn vị sử dụng nguồn nước dưới hạ du, thường rất ít thấy sự can thiệp của chính quyền các địa phương?
-Trên một số dòng sông hiện nay, người ta đã làm nhiều công trình thuỷ điện nhỏ. Đối với những công trình này, khi xảy ra gay cấn về nguồn nước, các địa phương có thể can thiệp, giải quyết được. Nhưng đối với các công trình lớn như hồ A Vương hay Vu Gia- Thu Bồn, rõ ràng, chính quyền địa phương không điều khiển được. Đây chính là rắc rối.
Do vậy, để thực hiện được điều này, Chính phủ can thiệp bằng cách phải ra một quy trình về điều tiết dòng chảy về mùa kiệt cho tất cả hệ thống các dòng sông. Hơn nữa, theo quy định trong chiến lược quốc gia về tài nguyên nước trên các lưu vực sông đã có quy định, dòng chảy tối thiểu, song nhiều lúc thuỷ điện họ chặn hẳn lại, dòng chảy tối thiểu chỉ bằng 0.
Dòng chảy tối thiểu là dòng chảy đảm bảo duy trì cho dòng sông tồn tại, tức muốn làm thuỷ điện thế nào đi chăng nữa, cũng phải duy trì dòng chảy cho dòng sông. Thế nhưng, việc thực hiện lại chưa được làm đến nơi, đến chốn.
Vậy có nên thành lập hẳn một cơ quan nhà nước chuyên quản lý nguồn nước thay vì phân chia cho mỗi bộ quản lý một khâu như hiện nay?
- Thành lập một cơ quan quản lý là khó, nhưng phải có một bộ quản lý về tài nguyên nước một cách thực sự. Hiện việc quản lý nguồn nước được giao cho rất nhiều bộ, ngành: Bộ TNMT quản lý chung về nguồn nước, Bộ Công Thương quản lý phát triển các hồ thuỷ điện, còn Bộ NNPTNT quản lý các hồ chứa thuỷ lợi và là ngành dùng nước tới 80%, Bộ Xây dựng thì quản lý nguồn cấp và thoát nước cho đô thị, các địa phương lại quản lý ở địa phương mình.
Đây là quy định cực kỳ chồng chéo và khó giải quyết, cho nên để tiến tới việc quản lý nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phải có một cơ quan quản lý nguồn nước thực sự. Hiện tại chúng ta đang có Hội đồng quản lý chiến lược nguồn nước Quốc gia, nhưng đây không phải là cơ quan quản lý nhà nước, chỉ là tư vấn, mà tư vấn thì nói ai nghe.
Lê Hân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.