Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Quang Tú – Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE) nêu ý kiến như trên. Ông Tú cũng cho biết:
Năm 2003, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 28 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh (NLTQD), quan điểm và mục tiêu chỉ đạo tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: Quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và rừng; đổi mới mô hình sản xuất để tránh sự phụ thuộc vào Nhà nước; mong muốn NLTQD có những đóng góp thiết thực hơn vào phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Thế nhưng trong 10 năm đổi mới, kết quả cho thấy quá trình này không đạt được mục tiêu đề ra.
|
Người dân xã Dăk Ngol, huyện Tuy Đức (Đăk Nông) kéo vào phá rừng vì bức xúc việc chính quyền giao đất cho doanh nghiệp. |
Nguyên nhân chủ yếu là quá trình sắp xếp, đổi mới chỉ mới được thực hiện theo hình thức “bình mới rượu cũ”. Việc “đổi mới” thực chất chỉ là đổi tên, còn phương thức hoạt động ở nhiều đơn vị vẫn đang bế tắc. Các NLTQD đang được giao quản lý, sử dụng nguồn lực về đất đai quá lớn. Tính trung bình, mỗi cán bộ NLTQD quản lý, tổ chức, sử dụng từ 300–500ha rừng và đất rừng. Với diện tích lớn ấy, làm sao họ có thể sử dụng hiệu quả được.
Trong khi đó người dân ở tại các vùng có NLTQD đứng chân chủ yếu là dân miền núi, dân tộc thiểu số với đặc điểm cuộc sống và sinh kế của phụ thuộc hoàn toàn vào đất rừng. Vậy nhưng họ lại rất thiếu đất sản xuất.
Trong bối cảnh một bên có quá nhiều đất nhưng quản lý sử dụng không hiệu quả, một bên có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất, ổn định cuộc sống nhưng không được giao đất, điều này đã dẫn đến phát sinh nhiều tranh chấp, lấn chiếm và xung đột. Trên thực tế thì nguy cơ tranh chấp giữa người dân và NLTQD ngày càng diễn ra phổ biến và có xu hướng xấu đi.
Phần nổi của “tảng băng chìm”
Sự chênh lệch lớn trong việc quản lý sử dụng rừng và đất rừng có tỉ lệ thuận với tính hiệu giữa NLTQD và người dân không, thưa ông?
Khi nói đến hiệu quả sử dụng đất miền núi, chúng ta cần xem xét vấn đề ở 2 khía cạnh: Hiệu quả kinh tế, tài chính và hiệu quả xã hội. Về hiệu quả kinh tế tài chính, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) đã có nghiên cứu đánh giá so sánh và thấy rằng, nếu được giao đất, người dân sử dụng đất hiệu quả hơn các NLTQD.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây là người dân phải được giao đất. Người dân sẽ sử dụng đất đai có hiệu quả hơn khi được Nhà nước giao đất trực tiếp cho họ, chứ không phải là hình thức “khoán” mà các NLTQD vẫn thường thực hiện với người dân như hiện nay.
|
Ông Phạm Quang Tú – Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE) |
Giao đất và khoán là hai khái niệm khác nhau. Giao đất trong bối cảnh Việt Nam hiện nay cũng được xem như là giao quyền định đoạt, quyền quyết định của người dân đối với đất. Còn nếu nhận khoán từ NLTQD, người dân vẫn có tâm lý là mình là kẻ đi làm thuê. Vì thế, việc đầu tư một cách dài hạn, bài bản của người dân đối với đất sẽ giảm đi.
Về mặt xã hội, hiện nay trung bình mỗi cán bộ NLTQD được giao quản lý 300–500ha rừng và đất rừng. Có nghĩa là phải có chừng ấy ha đất và rừng mới tạo ra được 1 đơn vị việc làm. Trong khi đó đối với người dân, chỉ 1ha đất rừng cũng đã tạo ra được 1 công ăn việc làm để đảm bảo có thu nhập.
Nhà nước đang đầu tư rất nhiều cho miền núi và mong rằng sẽ giúp miền núi tiến sát miền xuôi. Vì thế, việc sử dụng đất của miền núi cần gắn liền với các vấn đề xã hội là việc tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân sở tại.
Đây là điểm quan trọng, bởi nếu 100ha đất rừng được giao cho doanh nghiệp nơi khác đến, dù có thể tạo ra 100 đồng lợi nhuận, nhưng chưa hẳn đã tốt hơn việc giao diện tích đất này cho người dân địa phương để sản xuất và tạo ra chỉ 80 đồng lợi nhuận. Bởi 80 đồng này sẽ nằm lại ở địa phương và góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chứ không như 100 đồng kia, dù cao hơn nhưng lại chảy đi chỗ khác.
Nghiên cứu của CODE cho thấy, những xung đột, tranh chấp đất rừng đang diễn ra phổ biến, phức tạp và có nguy cơ bùng phát ở nhiều nơi. Liệu điều này có thể dẫn đến những nguy cơ lớn hơn?
Trong quá trình sắp xếp, đổi mới NLTQD vừa qua, chúng ta chưa chú ý đến tính phức tạp của vấn đề xâm lấn và tranh chấp đất đai ở các địa phương. Có lẽ đây chính là hạn chế của việc thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả chỉ dựa trên các báo cáo.
Khi đi sâu vào thực tế và nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng đây là vấn đề nghiêm trọng và là thực sự chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” đối với các nguy cơ mất ổn định xã hội. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong nhiều trường hợp (như ở Công ty lâm nghiệp Đông Bắc, Công ty lâm nghiệp Gia Nghĩa…), diện tích đất đai nằm trong diện lấn chiếm, tranh chấp trên thực tế lớn hơn hàng chục lần so với các con số báo cáo chính thức.
Ngoài ra, việc tranh chấp diễn ra ở nhiều cấp độ và mức độ trầm trọng khác nhau. Đơn giản nhất là hiện tượng người dân lấn chiếm vào đất đã được giao cho NLTQD trên giấy tờ trước đây. Nặng nề hơn là việc NLTQD tổ chức khai thác rừng đến đâu, dân lấn đất trồng cây đến đó. Lâm trường nhổ cây con của dân trồng để trồng cây của mình và ngược lại người dân cũng làm như vậy. Trầm trọng hơn là những tranh chấp bằng vũ lực như như trường hợp người dân kéo đến trụ sở NLTQD và công ty trồng cao su để đập phá (từng xảy ra ở ở xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng).
Dù đã có các quy định về hòa giải xung đột cơ sở, tuy nhiên dường như những cơ chế này chưa phát huy tác dụng. Điều này dẫn đến tình trạng buông xuôi của các NLTQD trong giải quyết các tranh chấp, lấn chiếm. Tâm lý buông xuôi đó đã tạo điều kiện cho việc lấn chiếm ngày càng nhiều và càng phổ biến. Như trường hợp của Công ty Đông Bắc, báo cáo cho thấy diện tích xâm lấn của dân lên đến 76% tổng diện tích mà công ty đã được giao đất từ trước.
“Cân nhắc sửa đổi luật đồng bộ”
Ông có kiến nghị chính sách nào về việc điều chỉnh hài hòa lợi ích sử dụng đất rừng giữa lâm trường quốc doanh và người dân trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ?
“Chỉ khi nào chúng ta thực hiện được yêu cầu mỗi ha đất rừng (do NLTQD quản lý) phải nộp bao nhiêu tiền cho Nhà nước. Lúc đó tôi tin rằng sẽ có nhiều NLTQD tự nguyện trả lại phần đất không thể quản lý được cho Nhà nước”.
Trước hết, nói về Luật Đất đai, tôi đề nghị chúng ta nên cân nhắc lùi thời điểm thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vào Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (cuối năm 2013) thay vì như kế hoạch sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 5 này. Chúng ta biết rằng Luật Đất đai là văn bản pháp quy dưới Hiến Pháp.
Vì thế, nên chờ Quốc hội thông qua Hiến pháp rồi mới chỉnh sửa Luật Đất đai. Đó là chưa kể đến việc có nhiều điểm tranh cãi trong Luật đất đai (như việc thu hồi đất cho các dự án kinh tế) phải chờ các quy định tại Hiến Pháp mới có thể làm rõ.
Ngoài ra, hiện nay chúng ta đang tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới NLTQD, vì thế cần đợi kết quả tổng kết và Bộ Chính trị và Nghị quyết mới về vấn đề NLTQD thì việc sửa đổi và thông qua Luật Đất đai sẽ phù hợp hơn.
Hiện nay, trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa hề đề cập đến vấn đề đất nông lâm trường, dù Luật Đất đai là chính sách khung và nông lâm trường chỉ được xem là một chủ thể sử dụng đất như các chủ thể khác (hộ gia đình, tổ chức kinh tế…). Do đặc thù ở Việt Nam, NLTQD có lịch sử lâu dài và đang quản lý nguồn lực đất đai rất lớn, vì vậy nên có những định hướng về sử dụng đất NLTQD quy định trong Luật Đất đai sửa đổi lần này.
Còn về việc làm thế nào để điều chỉnh hài hòa lợi ích sử dụng đất rừng giữa NLTQD và người dân, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi có đề cập đến việc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, tập thể…). Vì thế, trong quản lý sử dụng đất đai, vấn đề bình đẳng về tiếp cận, sử dụng đất đai giữa các chủ thể đó là doanh nghiệp tư nhân, cá nhân, cộng đồng, Nhà nước cũng cần được thực hiện. Ngoại trừ những doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu xã hội và mục tiêu an ninh quốc phòng, các NLTQD cần phải hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp và không nên có đặc quyền đặc lợi riêng cho họ.
Nếu như vậy, khi muốn sử dụng đất, NLTQD cũng phải thực hiện đấu thầu và phải nộp tất cả các khoản thuế theo quy định của Nhà nước. Hiện nay dù có quy định NLTQD phải nộp thuế, nhưng thực tế việc này gần như chưa thực hiện được. Đây cũng là lý do tại sao các NLTQD, các công ty lâm nghiệp vẫn cố giữ diện tích đất rất lớn, cho dù trong nhiều trường hợp họ không sử dụng đến, theo tâm lý “có hơn không”.
Dĩ nhiên cũng có thể xảy ra trường hợp một số diện tích đất xấu, kém hiệu quả sẽ không ai muốn nhận, lúc đó Nhà nước với tư cách là người quản lý công sản và thuế của nhân dân sẽ phải đầu tư ngân sách để giữ lấy điền thổ Quốc gia.
Trong trường hợp kiến nghị nói trên được tiếp thu và thể hiện trong sửa đổi chính sách, theo ông, cần có thêm những điều kiện gì để NLTQD, người dân sử dụng đất rừng hiệu quả?
Tôi nghĩ, trước tiên cần triển khai các nghiên cứu, đánh giá bao gồm đánh giá lại năng lực của các NLTQD; đánh giá lại hiện trạng về quản lý sử dụng đất của NLTQD và nhu cầu sử dụng đất của người dân, chính quyền địa phương. Kết quả của các nghiên cứu, đánh giá này sẽ là cơ sở, nền tảng cho việc đề xuất các định hướng và giải pháp sắp xếp đổi mới NLTQD, cũng như việc bố trí đất cho người dân địa phương trong thời gian tới.
Việc sắp xếp, đổi mới NLTQD cần phải gắn chặt với các quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như Chương trình Nông thôn mới... Làm được như thế, tôi tin rằng việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất và rừng của các NLTQD và người dân sẽ ngày càng hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông!
Đình Thắng (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.