Quán sửa xe đạp bên đường

Phi Tân Thứ bảy, ngày 25/07/2020 08:02 AM (GMT+7)
Những năm 80-90 của thế kỷ trước, khi xe đạp còn là phương tiện giao thông chính của người dân nông thôn, suốt mấy chục cây số những làng quê bên kia phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế), chỉ cách vài trăm mét là có một quán sửa xe đạp.
Bình luận 0

Những cái quán dựng lên tạm bợ bằng tranh tre, với một két đồ nghề, dăm ba cái lốp, sên, líp... cũng là kế sinh nhai của nhiều người dân nông thôn theo nghề này.

Kể chuyện làng: Quán sửa xe đạp bên đường - Ảnh 1.

Quán sửa xe đạp của Khánh một thời ở dưới gốc cây Vông đồng cổ thụ này.

Quán sửa xe đạp của ông Bụi dựng ngay ngã ba đầu xóm Kế của tôi. Ông Bụi đi tập kết, hình như là ra ngoài Bắc làm thợ cơ khí cho một nông trường ở miền núi tỉnh Nghệ An. Khi trở lại quê nhà, ông mở quán gò xoong nồi và sửa xe đạp. Cùng sửa và gò với ông Bụi là  con trai - anh Hùng "khổng". Quán cũng có người đến sửa xe nhưng không nhiều, bởi cả 2 cha con ông Bụi đều chỉ là thợ tay ngang. Vá ruột xe, sửa cốc cho ổ líp, tăng sên hay vặn mấy con vít đơn giản thì được; nhưng rắc tăm, chỉnh vành khó khó một chút thì cả hai cha con ông Bụi đều chịu không làm được. Được cái có cái quán sửa xe đạp đầu ngã ba xóm cũng vui, là chỗ để thanh niên rồi con nít trong xóm tụ tập chơi. Ông Bụi và anh Hùng đều hiền nên mấy đứa con nít trong xóm thoải mái lấy đồ nghề tự sửa xe đạp cho mình, rồi lấy bơm để bơm xe miễn phí...

Năm tôi lên học cấp 3 thì ông Bụi đã đóng quán. Tôi nhớ mường tượng như thế bởi tôi phải dắt xe xuống quán thằng Khánh cách xóm tôi chừng 300m để sửa. Thằng Khánh học lớp tôi, ngang lớp 8 thì bỏ học để mở quán sửa xe đạp. Khánh học nghề sửa xe từ ba nó, nhưng có vẻ như nó còn giỏi nghề hơn cả ông già nên khi đã cứng cáp rồi là mở quán kiếm tiền.

Hồi đó, sau khi thi đỗ cấp 3, ba tôi mua cho tôi một chiếc xe đạp nam của Liên Xô hết mấy tạ lúa. Chiếc xe nhìn vô thì oách lắm, màu sơn xanh nước biển nổi bật, tay lái bóng loáng, nhưng chất lượng của chiếc xe thì thiệt là quá tệ, hết lủng đến hở ruột rồi trật sên, đứt phanh... Mỗi lần thấy tôi dắt xe xuống là thằng Khánh lại bực mình chửi thề rồi nói thêm: "Thằng cha đó xỏ lá lắm, ông lừa ba mi mới bán được chiếc xe  tào lao ni. Ba mi dại, chứ nếu nói với tau biết trước thì đỡ tốn tiền rồi...".

Là bạn học cùng lớp nên hắn sửa xe tôi rất nhiệt tình. Thấy miếng vá hay bị hở là hắn vá hấp bằng lửa rất cẩn thận. Nhưng chiếc xe của tôi vẫn cứ hư lên hư xuống liên tục. Mà tới quán thằng Khánh sửa xe là vui vì nghe hắn kể chuyện bé này đẹp, bé kia xinh; yêu bé ni bé khác không biết có thiệt thà chi không nhưng tuổi mới lớn như tôi mà nghe mấy chuyện trai gái hẹn hò là tò mò lắm.

Yêu đương sớm, lo kiếm tiền sớm nhưng thằng Khánh cũng thuộc dạng tồ tồ. Đang sửa xe, mũi xanh chảy xuống hai hàng, nói hắn đi hỉ mũi đi, hắn thì tay đang đầy luyn dầu rứa là bèn ngẩng mặt lên hít vô một cái thiệt mạnh, hai hàng mũi xanh đi vô lại trong mũi rồi, hắn nhăn răng cười: "Mi thấy tau tài không...". Đoạn nớ tôi chỉ có nước là đứng hình và khoảng 15 phút sau lại thấy hai hàng mũi của hắn lại chảy ra và thằng bạn lại trổ tài hít mũi vô trong...

Kể chuyện làng: Quán sửa xe đạp bên đường - Ảnh 2.

Học sinh cấp 3 các xã ven phá Tam Giang - Thừa Thiên Huế một thời đi học bằng xe đạp.

Những chiếc quán sửa xe ở làng tôi chỉ đơn sơ, nhỏ hẹp, sửa vài ba chiếc xe đạp trong làng. Ở vùng quê Ngũ Điền bên kia phá Tam Giang hồi đó, quán sửa xe đạp lớn nhất là quán của ông Cam. Ông Cam mở quán xe đạp lớn để sửa xe đạp cho học sinh cấp 3 cả vùng đều đi xe đạp đến trường ở xã Điền Hải.  Bởi thế, nhiều thế hệ học sinh trường số 3 Hương Điền hồi đó nhắc đến ông Cam sửa xe đạp thì ai cũng nhớ cả. Quán sửa xe ông Cam cách trường khoảng 100m nên khách sửa xe của ông chủ yếu là học sinh đường xa. Có mấy đứa học sinh đi học chậm, dắt xe vô trường sợ bị phạt, thế là gửi xe luôn ở quán này và đi đường tắt phía sau để tránh giám thị. Ông Cam người nhỏ con, mặt tếu như một chú hề với đôi mắt nhỏ và cái miệng nhọn nhọn hay cười. Quán của ông chất đầy xe đạp cũ và hình như không thấy  ông Cam nghỉ ngơi bao giờ.

Khi mô tới quán thấy mặt ông cũng đầy vết đen của luyn dầu, mắt đầy ghèn, tóc không chải đầy bụi và tay luôn cầm cái cờ-lê hoặc cái mỏ-lết, miệng nói: "Ui chao xe cộ mê man quá, chờ cho tui chút sẽ xong ngay cho mấy vị đây mà!". Ông Cam cũng rất hiền, mấy đứa sửa xe thiếu nợ ông cũng nhiều; có mấy đứa còn ma lanh mượn đồ nghề của ông và lấy luôn mang về nhà. Ông Cam sửa xe không giỏi lắm nhưng quán gần trường, lại nhờ ông dễ tính nên khách luôn luôn đông.

Thiệt tình là suốt 3 năm học cấp 3 tôi chưa bao giờ thấy ông Cam mặc một bộ đồ nào cho đàng hoàng. Cái quán của ông cũng rứa, rất lộn xộn, đồ đạc vất lung tung, cái này chồng lên cái kia. Nhưng cái quán sửa xe đó là điểm hẹn của mấy đứa học sinh mấy xã vùng trên, chờ nhau ở để cùng đạp xe về nhà những buổi trưa cuối tuần tan học. Bây giờ, mỗi lần ngang qua Điền Hải tôi đều nhìn chỗ quán sửa xe đạp của ông Cam ngày xưa và mong được thấy ông trong một bộ đồ tươm tất...

                                             


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem