Quảng Nam: Cán bộ là người tiên phong trong công tác bảo vệ động thực vật hoang dã

08/03/2022 10:06 GMT+7
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ là người thực hiện trước, thực hiện nghiêm túc để làm gương và chủ động truyền tải thông điệp “không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm” đến cộng đồng.

Đó là nhấn mạnh của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam tại buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Động, thực vật thế giới năm 2022 do UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ NNPTNT, Dự án "Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học" do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và Ban Quản lý Dự án Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam tổ chức mới đây.

Quảng Nam: Cán bộ là người tiên phong trong công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã - Ảnh 1.

Lực lượng Kiểm lâm Quảng Nam băng rừng, lội suối để bảo vệ rừng (Ảnh: Trương Hồng)

Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết: Quảng Nam là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, gần 470 ngàn ha với nhiều cánh rừng còn nguyên sinh; lại là nơi giao thoa giữa các hệ thực vật phía Bắc và phía Nam, nên rừng tự nhiên ở tỉnh có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, khu vực và thế giới.

"Rừng và đa dạng sinh học tại Quảng Nam có giá trị nhiều mặt về kinh tế và môi trường, giúp cân bằng hệ sinh thái, duy trì môi trường sống trong lành cho con người… góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương.

Tuy nhiên, trong những năm qua với áp lực từ nhiều phía mà tài nguyên rừng, động vật hoang dã đang đứng trước nguy cơ suy giảm; nhiều loài động, thực vật có nguy tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Mặc dù các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, động vật hoang dã nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra mà chưa được ngăn chặn; đặc biệt là tình trạng săn bắt, vận chuyển, kinh doanh, nuôi nhốt, sử dụng trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng, trong đó có nhiều loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm", ông Khánh nói.

Quảng Nam: Cán bộ là người tiên phong trong công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã - Ảnh 2.

Quảng Nam: Cán bộ là người tiên phong trong công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã - Ảnh 3.

Lực lượng Kiểm lâm Quảng Nam bắt nhiều vụ tàng trữ, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép (Ảnh: CTV)

Cũng theo ông Từ Văn Khánh, theo thống kê, trong 5 năm qua lực lượng Kiểm lâm, các chủ rừng và các ngành chức năng đã tuần tra, truy quét tháo dỡ hơn 12.000 bẫy động vật, lập biên bản 36 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã, trong đó truy tố hình sự 5 vụ; tịch thu và tái thả lại môi trường tự nhiên hàng trăm cá thể động vật hoang dã; nhiều vụ vi phạm về nuôi nhốt, tàng trữ, kinh doanh thịt động vật hoang dã của các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh.

"Những con số trên đã nói lên thực trạng vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã trên địa bản tỉnh Quảng Nam là đáng báo động", ông Khánh nhấn mạnh.

Quảng Nam: Cán bộ là người tiên phong trong công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã - Ảnh 4.

Một con khỉ được nuôi nhốt làm vật nuôi cảnh (Ảnh: Trương Hồng)

Vị Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam thông tin thêm, trước tình trạng đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý, ngăn chặn, như tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các biện pháp tuyên truyền, thực thi pháp luật để ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về động vật hoang dã.

Quảng Nam: Cán bộ là người tiên phong trong công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã - Ảnh 5.

Quảng Nam: Cán bộ là người tiên phong trong công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã - Ảnh 6.

Trong 5 năm qua lực lượng Kiểm lâm, các chủ rừng và các ngành chức năng đã tuần tra, truy quét tháo dỡ hơn 12.000 bẫy động vật, lập biên bản 36 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã (Ảnh: Trương Hồng)

Đồng thời, tổ chức ký cam kết với hàng trăm nhà hàng, quán ăn; hàng ngàn cơ sở kinh doanh, hộ gia đình sống gần rừng để quán triệt thực hiện chủ trương "5 không", đó là không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, nhất là trong bối cảnh nhân loại đang phải chống chọi với nhiều đại dịch mà theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo với hơn 70% bệnh mới phát hiện những năm gần đây có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã tích cực vận động, hợp tác với nhiều đơn vị, tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong và ngoài nước triển khai nhiều chương trình, dự án bảo tồn thiên nhiên thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng để thay đổi hành vi, hỗ trợ sinh kế để chuyển đổi nghề và giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên nhiên thiên.

Thời gian tới, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ NNPTNT, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu và triển khai quyết liệt hơn nữa nhiều giải pháp để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát luật trong lĩnh vực lâm nghiệp nói chung và bảo vệ động vật hoang dã nói riêng; đồng thời tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức bảo vệ động vật trong nước và quốc tế cùng chung tay thực hiện.

Quảng Nam: Cán bộ là người tiên phong trong công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã - Ảnh 7.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ là người thực hiện trước, thực hiện nghiêm túc để làm gương và chủ động truyền tải thông điệp “không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm” đến cộng đồng (Ảnh: Trương Hồng)

"Việc bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, nhất là các loài đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Tôi tin rằng sự kiện "Khôi phục các loài động, thực vật hoang dã để phục hồi hệ sinh thái" sẽ thật sự tác động đến suy nghĩ, nhận thức của mỗi chúng ta để cùng nhau hành động bảo vệ các loài hoang dã trong tự nhiên.

Đặc biệt, trong đó mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ là người thực hiện trước, thực hiện nghiêm túc để làm gương và chủ động truyền tải thông điệp "không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm" đến cộng đồng; từ đó sẽ tạo sự lan tỏa, cộng hưởng lớn hơn vào sứ mệnh bảo vệ động vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học.

Đây là cơ sở để tiếp tục thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Bởi vì, nếu không có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tầng lớp trong xã hội thì ngành chức năng chúng tôi không thể hoàn thành được sứ mệnh bảo vệ sự sống còn của các loài hoang dã", ông Khánh nhấn mạnh.


Trương Hồng
Cùng chuyên mục