Quảng Nam: Nghề độc đáo, làm 364 ngày, chỉ được nghỉ mùng 1 Tết

Phương Đông Thứ năm, ngày 20/02/2020 06:20 AM (GMT+7)
Quyết giữ nghề cha ông truyền lại để kiếm cơm mưu sinh và phát huy giá trị, nghề làm sợi mì cao lầu của gia đình ông Tạ Ngọc Em (hay còn gọi là ông Trái), phường Cẩm Châu, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam đến nay đã lưu truyền qua 4 thế hệ và còn tiếp tục làm nên những sợi mì cao lầu nức danh phố Hội.
Bình luận 0

Bốn đời quyết giữ nghề

Ngôi nhà nằm trong hẻm nhỏ đường Nguyễn Đình Chiểu, khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An mỗi sáng đều tất bật nhân công bên lò sản xuất sợi mì cao lầu. Chủ nhân ngôi nhà này là Ông Tạ Ngọc Em, 63 tuổi, còn có tên thường gọi là ông Trái, đời thứ 4 nối dõi nghề làm cao lầu Hội An.

Con người dáng vẻ cao gầy, khắc khổ ấy mỗi ngày phải thức giấc từ 1 giờ sáng để cho ra 200kg mì cao lầu phục vụ các dịch vụ nhà hàng, khách sạn Hội An.

img

Cơ sở sản xuất sợi mì cao lầu gia đình ông Tạ Ngọc Em (hay còn gọi là ông Trái), ở phường Cẩm Châu, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam.

"Cái nghề làm sợi mì cao lầu tuy vất vả quanh năm, một năm 365 ngày thì chỉ nghỉ ngày mồng 1 Tết, còn lại ngày nào cũng làm, tuy vất vả nhưng nhờ làm sợi mì cao lầu mà kinh tế gia đình khá giả, lưu truyền được nghề, thì bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến…" Ông Em chia sẻ.

Nghề làm sợi mì cao lầu gia đình ông Em được lưu truyền đến đời ông là thế hệ thứ 4, vì thế người ta vẫn gọi ông là ông Trái (theo tên cha ông). Theo lời ông Em kể, ông theo cha học làm sợi mì cao lầu từ năm 11 tuổi, thời đó đất nước vẫn còn trong loạn lạc của chiến tranh, ông đã nhiều lần đi lính, chạy giặc nhưng rồi vẫn bám trụ và giữ gìn mảnh đất quê cha. Cứ thế, ông tiếp nối nghề làm sợi mì cao lầu của cha cho đến nay và hiện tại anh trai ông vẫn đang gìn giữ nghề này. 

img

Bột gạo sau khi được cán chín mang ra nhồi đều, cán mỏng để cắt sợi. Bột cần được nhồi lực mạnh mới mịn đều, sợi mì cao lầu hấp ra mới dẻo dai.

"Cha ông tôi làm sợi mì cao lầu từ thời còn chiến tranh, đến nay truyền lại cho hai anh em tôi. Nghề làm sợi cao lầu cực nhọc, lủi thủi quanh năm. Nhưng may mắn là nhờ có du lịch mà cao lầu Hội An được nổi tiếng, nghề làm cao lầu của gia đình tôi phát triển và cho tôi cuộc sống no ấm như hôm nay." Ông Em nói.

img

Đến Hội An thưởng thức cao lầu ăn kèm rau Trà Quế thì không gì sánh bằng, đã gây nhiều thương nhớ cho du khách thập phương

Bốn đời lưu truyền nghề làm sợi mì cao lầu không chỉ mang đến cho gia đình ông miếng cơm manh áo mưu sinh mà còn tạo việc làm cho những người lao động trong vùng. Hiện lò sản xuất cao lầu nhà ông có 4 nhân viên gắn bó cùng suốt 20 năm nay. Ông đã tạo việc làm cho người lao động trong vùng với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.  

img

Cao lầu tươi đem phơi khô cho ra những sợi cao lầu khô với thời gian sử dụng lâu hơn, trước khi ăn chỉ cần luộc chín lại.

Một đời lam lũ của ông Em bên lò sản xuất sợi mì cao lầu, ông không có gì tự hào ngoài việc lưu giữ nghề mà mảnh đất tổ tiên ông để lại. Công việc thức đêm dậy sớm ấy lại là niềm vui với ông vì những sợi mì cao lầu Hội An thơm ngon được quảng bá đến du khách bốn phương. Hiện tại, cậu con trai út của ông cũng đang theo ông học nghề làm cao lầu. Như thế nghề cao lầu gia đình ông Em rồi sẽ tiếp tục lưu truyền đến đời thứ 5.

Sợi cao lầu đặc sản nức tiếng Hội An

Không phải ngẫu nhiên mà Hội An lại chiếm cảm tình của du khách bốn phương đến thế. Cũng vì một lẽ mà xưa nay Hội An luôn là điểm du lịch phồn hoa, vương vấn lòng người, bởi:

"Hội An trăm vật trăm ngon

Người thanh cảnh lịch tiếng đồn chẳng sai".

Nhắc đến Hội An người ta không quên nhắc đến ẩm thực đậm đà hương vị, trong số đó, sợi mì cao lầu là cái tên đầu tiên. Để cho ra những sợi mì cao lầu vinh danh tên tuổi ẩm thực Hội An là cả quy trình sản xuất thủ công nhọc nhằn, tiêu tốn bao sức lực, bao giọt mồ hôi của những nhân công làm sản xuất sợi mì cao lầu.

img

Để cho ra lò sợi mì cao lầu trải qua nhiều giai đoạn rất công phu.

Ông Em cho biết thêm: "Sợi mì cao lầu được làm nên từ những hạt gạo lúa cao cấp miền Tây được ông mua về. Trải qua các công đoạn ngâm gạo, xay gạo, lóng bột, trán, cán, cắt sợi và hấp mới cho ra lò sợi mì cao lầu thơm ngon, dẻo dai. Bí quyết làm nên những sợi cao lầu nức danh 4 đời gia đình ông là những hạt gạo lúa cao cấp miền Tây và quy trình nhồi bột thủ công, sợi mì cao lầu ra lò đặc sản hơn những nơi sản xuất bằng máy."

img

Mỗi ngày ông Em đều mày tắt mặt tối bên lò sản xuất cao lầu. Mọi công đoạn đều nhanh nhẹn mới kịp hàng giao khách buổi sáng. Một mâm cao lầu phải hấp đủ chín 90 phút mới vớt ra.

Vì thế, sợi mì cao lầu nhà ông được các chủ nhà hàng, khách sạn Hội An đặt hàng đều đặn. Mỗi ngày ông làm ra 200kg sợi mì cao lầu cung cấp sỉ và phần nhỏ bán lẻ với mức giá ngang nhau, 20.000 đồng/kg.

img

Nhân công làm cao lầu miệt mài mỗi ngày, cô Bốn người gắn bó cùng lò cao lầu nhà ông Em 20 năm nay.

Về Hội An hỏi lò sản xuất cao lầu thì người dân nơi đây chỉ ngay đến lò nhà ông Trái. Lò sản xuất sợi mì cao lầu nhà ông Trái trở thành cái tên nổi tiếng tại vùng đất Hội An này với bề dày lịch sử 4 đời tiếp nối nghề cao lầu phố Hội. Bên cạnh sợi mì cao lầu tươi ăn liền, ông còn cung cấp cao lầu khô, ngon không kém cạnh. Cao lầu khô dễ bảo quản và thời hạn sử dụng lâu hơn. 

Người Hội An xa quê mỗi dịp Tết về không quên mang theo cao lầu khô, tương ớt đến mảnh đất mưu sinh Sài Gòn. Cao lầu khô trở thành món quà quê quý giá biếu tặng người thân nơi phương xa. Với người Hội An tha phương, ăn tô cao lầu nơi đất khách cảm thấy ấm lòng biết bao, nỗi nhớ quê nhà và niềm tự hào Hội An gói gọn trong những sợi cao lầu dẻo dai, vàng đượm.

Đến Hội An thưởng thức tô cao lầu ăn kèm rau Trà Quế thì không gì sánh bằng, đã gây biết bao thương nhớ cho du khách thập phương, nét đặc sắc riêng biệt của ẩm thực Hội An cũng được tạo nên nhờ đó.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem