dd/mm/yyyy

Quảng Nam: Sau Tết, rau củ rớt giá thê thảm, nhiều nông dân phải "nài nỉ" thương lái lấy hàng

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhiều mặt hàng rau củ quả trên thị trường giảm giá mạnh, bà con nông dân tỉnh Quảng Nam rơi vào cảnh phải "nài nỉ" thương lái lấy hàng để mong thu hồi vốn.

Những ngày này, người dân tại các vùng chuyên trồng rau củ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn… đang tất bật thu hoạch những lứa cuối cùng của vụ đông xuân.

Quảng Nam: Sau Tết, rau củ rớt giá thê thảm, nhiều nông dân phải "nài nỉ" thương lái lấy hàng - Ảnh 1.

Sau Tết Nguyên đán, giá các loại rau quả giảm mạnh, người dân "đỏ mắt" ngóng thương lái

Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, nhiều loại rau quả trên thị trường giảm giá mạnh khiến người dân "đứng ngồi không yên". Giá quá thấp, bên cạnh đó thương lái cũng hạn chế thu mua nên người dân đành bán đổ bán tháo, hoặc bỏ mặc không buồn chăm sóc, thậm chí phải hái về cho… bò ăn.

Quảng Nam: Sau Tết, rau củ rớt giá thê thảm, nhiều nông dân phải "nài nỉ" thương lái lấy hàng - Ảnh 2.

Chỉ những quả khổ qua loại 1 mới được lựa chọn, còn lại người dân phải hái bỏ

Tại cánh đồng chuyên canh rau Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc), đây là vựa rau quả lớn nhất tỉnh với gần 300 hộ sản xuất. Theo người dân tại đây cho biết, đầu vụ giá rau quả giảm mạnh, đến cận Tết thì có tăng nhưng chỉ vài ngày, đến mùng 2 Tết lại bắt đầu rớt giá thê thảm.

Giá thương lái thu mua tại ruộng, khổ qua gai cận Tết có giá 30.000 đồng/kg, sau Tết chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg; khổ qua lai (giống Đà Lạt) giảm giá chỉ còn 2.000 đồng/kg; dưa leo 1.000-2.000 đồng/kg; đậu cô-ve giảm còn 2.500-3.000 đồng/kg; các loại rau xà lách, tần ô, rau dền… cũng giảm giá mạnh, thậm chí không người thu mua.

Quảng Nam: Sau Tết, rau củ rớt giá thê thảm, nhiều nông dân phải "nài nỉ" thương lái lấy hàng - Ảnh 3.

Dưa leo cũng rớt giá thê thảm, vắng bóng thương lái thu mua, người dân đành bỏ mặc ngoài ruộng dù quả trĩu giàn

Bà Huỳnh Thị Chiến (làng rau Bàu Tròn, xã Đại An) cho biết, gia đình bà canh tác khổ qua, dưa leo, mướp trên 3 sào đất. Do mưa rét kéo dài khiến việc canh tác gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ khó.

Sát Tết, giá khổ qua gai là 30.000 đồng/kg nhưng sản lượng thu được chẳng bao nhiêu, đến khi thời tiết nắng ấm, quả cho nhiều thì giá rớt chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg. Dưa leo năm nay được mùa, sản lượng thu được gần 1 tấn/sào, nhưng giá lại rớt thê thảm; cận Tết giá 3.000 đồng/kg, hiện nay chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg (giá thu mua tại ruộng)…

Người dân chia sẻ rau quả rớt giá sau Tết

"Tôi phải bán cho một thương lái đứng ruộng không được bán ai khác thì họ mới thu mua giúp mình, nhiều người thấy giá quá thấp đưa đi bán lẻ cũng chẳng được nhiều, giờ bỏ đó chẳng ai thu mua. Giá quá thấp, chỉ đủ bù tiền phân bón, chứ công chăm sóc hay lời lãi thì chẳng có đâu. Sắp đến vụ ớt và bắp nếp chẳng biết tình hình sao đây", bà Chiến lo lắng.

Quảng Nam: Sau Tết, rau củ rớt giá thê thảm, nhiều nông dân phải "nài nỉ" thương lái lấy hàng - Ảnh 5.

Quảng Nam: Sau Tết, rau củ rớt giá thê thảm, nhiều nông dân phải "nài nỉ" thương lái lấy hàng - Ảnh 6.

Khổ qua có vị đắng không thể cho bò ăn, người dân đành vứt bỏ

Đang cắt gần 1 sào cải bẹ xanh để về phơi rồi cho bò ăn dần, chị Nguyễn Thị Hạnh (thôn Tây An, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho hay, gia đình chị canh tác 1 sào cải bẹ xanh, 1 sào rau dền đỏ, xà lách… để cung ứng thị trường. Nhưng giá quá thấp, cải bẹ xanh, rau dền chỉ có 30.000 đồng/chục, xà lách 3.000 đồng/kg… Giá quá thấp nên chị đành để cây ra bông, lên ngồng rồi thu hái về phơi cho bò ăn dần.

"Chưa có cái Tết nào mà giá rau xanh lại thê thảm như vậy, tiền bán chẳng bù lại giống, phân bón hay công chăm sóc. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cũng rất khó khăn thương lái thu mua hạn chế. Bán lẻ thì chẳng bao nhiêu, có ngày cắt ra chợ ngồi cả buổi chẳng ai mua phải mang về cho bò ăn", chị Hạnh buồn bã chia sẻ.

Quảng Nam: Sau Tết, rau củ rớt giá thê thảm, nhiều nông dân phải "nài nỉ" thương lái lấy hàng - Ảnh 7.

Giá các loại rau xanh cũng giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp khó

Tại các cánh đồng chuyên trồng rau quả của huyện Duy Xuyên cũng rơi vào cảnh mất giá, ông Lê Văn Quang (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) cho biết, sau Tết Nguyên đán, giá rau quả giảm mạnh từ 50-70% so với sát Tết khiến nông dân lo lắng không thể thu hồi vốn.

"Giá cả quá thấp, sát Tết giá tăng nhưng chỉ vài ngày rồi lại giảm "không phanh". Không những vậy, thương lái thu mua rất ít, có ngày tôi hái xong khổ qua thì họ báo không thu mua phải đem cho hàng xóm, dư thì bỏ chứ biết làm sao. Hiện khổ qua, dưa leo tôi đã tháo dàn để chuyển qua trồng đậu phộng, đậu đen, hy vọng sẽ không mất giá nữa", ông Quang thở dài.

Quảng Nam: Sau Tết, rau củ rớt giá thê thảm, nhiều nông dân phải "nài nỉ" thương lái lấy hàng - Ảnh 8.

Giá quá thấp, người dân bỏ mặc không thu hoạch, đến khi cây ra hoa đành cắt về phơi cho bò ăn

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, vụ đông xuân này, nông dân trên địa bàn huyện canh tác khoảng 1.600ha rau củ quả các loại, tập trung nhiều nhất ở các xã Duy Phước, Duy Châu, Duy Trinh và thị trấn Nam Phước.

Bà Trương Thị Hoài Nhân - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, qua khảo sát thực tế, giá dưa leo hiện chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, bí đao 2.000 đồng/kg, xà lách 3.000kg, giá cải xanh, cải ngọt, rau muống, tần ô… cũng giảm mạnh so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

"Nguyên nhân chủ yếu là vào dịp tết, người dân tăng gia sản xuất, tận dụng sân vườn, đất trống để trồng rau xanh, các loại củ quả nên sức mua giảm đáng kể. Năm qua, thời tiết thuận lợi cho việc trồng rau màu, sâu bệnh rất ít gây hại nên nhiều loại cây trồng phát triển mạnh, từ đó dẫn tới việc cung ứng các mặt hàng nông sản trên thị trường hết sức dồi dào", bà Nhân chia sẻ.


Công Bính - Ngô Linh