Theo Phòng VHTT Lý Sơn, ngày 19.3, thực hiện thông báo kết luận của ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Phòng VHTT huyện này đã gửi tờ trình và Dự thảo "Quyết định phê duyệt phương án thu gom, di dời và bảo vệ nghĩa địa hóa thạch san hô hình cối xay" gửi lãnh đạo chính quyền Lý Sơn.
Một tờ trình của Phòng VHTT Lý Sơn gửi chính quyền huyện này đề nghị cho di dời, bảo vệ san hô hóa thạch
Theo đó, vị trí được đề xuất di chuyển số san hô hóa thạch là khu vực bãi cát sau Trạm Hải đăng (cách đó khoảng 200m), với tổng kinh phí khoảng 32 triệu đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo chính quyền Lý Sơn không đồng ý, yêu cầu làm lại kế hoạch chi tiết và cụ thể hơn.
Hoa văn một khối san hô hóa thạch phát hiện tại Lý Sơn
Vì vậy ngày 2.4, Phòng VHTT Lý Sơn làm lại tờ trình và "Kế hoạch bảo vệ khẩn cấp nghĩa địa hóa thạch san hô hình cối xay" gửi lãnh đạo chính quyền huyện này. Trong phương án lần này, Phòng VHTT Lý Sơn đề nghị mời Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sở VHTTDL Quảng Ngãi cùng tham gia khảo sát, kiểm đếm và chọn địa điểm di dời số san hô hóa thạch trên.
Tuy nhiên, đã tròn 2 tháng trôi qua, UBND huyện Lý Sơn vẫn chưa có văn bản chính thức nào trả lời cho Phòng VHTT.
Điều này trái ngược nội dung mà ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn trả lời phỏng vấn với PV Dân Việt vào ngày 1.6: "Cách đây khoảng 1 tuần, tôi đã chỉ đạo di dời toàn bộ số san hô hóa thạch về khu vực bãi cát trống nằm cách đó khoảng 100 m. Thế nhưng không hiểu tại sao ông Nghĩa - Trưởng phòng VHTT vẫn chưa chịu thực hiện".
Ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (ảnh nhỏ) cho biết đã chỉ đạo nhưng Phòng VHTT huyện này không di dời số san hô hóa thạch nằm ở bãi đất thải.
Như Dân Việt đã phản ánh, đầu năm 2018, trong quá trình khảo sát lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn, huyện đảo Lý Sơn, tại khu vực bãi đổ đất thải thôn Đông, xã An Hải nhóm chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát hiện hàng loạt san hô hóa thạch có đường kính 1-1,5m, trọng lượng từ 500kg đến trên 1 tấn/khối, mang hình xoắn ốc, vòng tròn đồng tâm, cánh quạt,... vô cùng độc đáo.
Các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận định, trên thế giới rất hiếm có san hô hóa thạch như thế này. Thế nhưng gần nửa năm qua, chính quyền Lý Sơn vẫn bỏ mặc số san hô hóa thạch trên "trơ gan tuế nguyệt" ở bãi đất thải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.