Quảng Ngãi: "Loay hoay" tìm nơi đổ chất thải xây dựng trên đảo

Công Xuân Thứ năm, ngày 08/06/2017 15:55 PM (GMT+7)
Hơn 7.100 ha mặt nước xung quanh Lý Sơn đã được quy hoạch Khu bảo tồn biển, bề mặt đảo lại quá chật hẹp để có thể làm một bãi chứa, chi phí vận chuyển vào đất liền quá lớn... Vì vậy hàng chục ngàn m3 chất thải xây dựng của những công trình dân sinh, quốc phòng đang thi công trên đảo chưa biết xử lý thế nào.
Bình luận 0

Chiều 7.6, chúng tôi có mặt tại cầu cảng đảo Bé (xã An Bình), huyện Lý Sơn, nơi Công ty Xây lắp Thành An 96 (gọi tắt là Công ty Thành An)-Binh đoàn 11 (Bộ Quốc Phòng) đang đảm nhận thi công mở rộng vừa bị Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi "tuýt còi" do đổ chất thải xây dựng ra thềm đảo này.

img

Hơn 500m3 san hô vụ, cát đang được Công ty Thành An để tạm trên mặt cảng. Ảnh Công Xuân

Qua quan sát của PV thì hiện hơn 500m3 chất thải gồm sang hô vụn, cát... trục vớt lên đang được đơn vị này để tạm ngay trên bề mặt cảng cũ. Đại diện cho đơn vị Tư vấn giám sát, ông Lâm Văn Thiên, bày tỏ: "Đây là một trong những hạng mục của dự án quốc phòng tại đảo này, có tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng. Toàn bộ dự án được phê duyệt vào tháng 12.2015, trước khi công bố quy hoạch khu bảo tồn biển Lý Sơn hơn 1 năm. Vì vậy vị trí được cho phép đổ chất thải trong quá trình thi công nằm cách bờ khoảng 1km. Tuy nhiên hiện vị trí này nằm trong quy hoạch khu bảo tồn biển nên vừa qua Sở NN&PTNT tỉnh đã yêu cầu dừng đổ, chúng tôi đã tuân thủ".

img

Sử dụng búa giã san hô để tạo lôc thi công mở rộng cầu cảng đảo Bé. Ảnh Công Xuân

Theo ông Thiên, thì riêng thi công hạng mục mở rộng cầu cảng đảo Bé, cầu phải đổ trên 2.000m3 san hô vụn, cát được đào lên. Thế nhưng với thực tế trên để đảm bảo tiến độ thi công với thời gian hoàn thành dự kiến hạng mục trước mùa mưa bão năm nay, rất mong các cấp ngành liên quan của tỉnh hỗ trợ để xác định ranh giới khu vực bảo tồn. Trên cơ sở đó Công ty Thành An có vị trí đổ thích hợp.

Không riêng Công ty Thành An, tại đảo Lớn (trung tâm huyện) qua tìm hiểu nhiều dự án, công trình quốc phòng và dân sinh đang thi công cũng đang "bí" nơi để đổ chất thải xây dựng.

Ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư huyện Lý Sơn bày tỏ: "Tại nhiều cuộc họp và làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy cũng đã lưu ý với địa phương về hướng xử lý chất thải xây dựng khi cấp phép. Tuy nhiên với điều kiện thực tế của đảo hiện nay, vấn đề trên không phải đơn giản".

Riêng trường hợp của Công ty Thành An, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: "Để tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công của công trình, chính quyền đang chỉ đạo cho các bộ phận trực thuộc phối hợp với Công ty Thành An tìm và chọn ra vị trí thích hợp".

Đồng tình với ý kiến trên, vào chiều cùng ngày trao đổi với PV Dân Việt, ông Phùng Đình Toàn, Phó chi cục Thủy sản, kiêm Giám đốc Khu bảo tồn biển Lý Sơn (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi) khẳng định: "Sẽ đề nghị xử lý nghiêm khắc các trường hợp xả thải xuống khu vực đã được quy hoạch bảo tồn biển. Tuy nhiên chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các ngành liên quan để hỗ trợ cho chủ đầu tư, đơn vị thi công chọn tìm một trí đổ thải thích hợp".

img

Khu vực ven biển của đảo Bé đã được qui hoạch Khu bảo tồn biển. Ảnh Công Xuân

Được biết vào tháng 2.2017, Quảng Ngãi đã công bố quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn, với phạm vi trên 7.925ha, trong đó mặt nước biển 7.113ha. Khu bảo tồn biển Lý Sơn được phân chia thành 3 vùng chức năng, gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt bảo vệ hệ sinh thái vùng triều, cỏ biển và rạn san hô độ sâu từ 3 đến 20m; Vùng phục hồi sinh thái thuộc khu vực đảo Lớn và đảo Bé trên diện tích gần 2.000ha bảo vệ các loài sinh vật biển; Vùng phát triển trên diện tích 4.500ha gồm âu cảng và phần biển bao quanh. Tổng kinh phí đầu tư Khu bảo tồn biển Lý Sơn trên 33,8 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem