dd/mm/yyyy

Quảng Ninh xây dựng nông thôn mới dấu ấn tiên phong

Với cách làm mới, sáng tạo và riêng biệt trong xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Quảng Ninh đang từng ngày“thay da đổi thịt”. Xoay quanh những thành tựu đạt được, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Long - Ủy viên Ban thường vụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Thưa ông, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện như thế nào? Có những điểm gì đặc biệt?

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện đồng loạt tại 111 xã của 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tạo thành nguồn lực tổng thể trong xây dựng NTM. UBND tỉnh đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, thực hiện các phong trào “Thành thị giúp nông thôn, Công - Nông liên minh trong xây dựng NTM, Doanh nghiệp đồng hành xây dựng NTM” thông qua sự kết nối chặt chẽ của tỉnh với các tổ chức, đơn vị liên quan.

Đặc biệt điểm nhấn sáng tạo của Quảng Ninh đó là: Ban hành bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016 -2020 với 19 tiêu chí do chính phủ quy định, riêng tỉnh Quảng Ninh có thêm tiêu chí thứ 20 đó là xây dựng mô hình “Khu dân cư (thôn) nông thôn mới kiểu mẫu”; ban hành các bộ tiêu chí: Xã NTM kiểu mẫu, Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, Vườn mẫu nông thôn mới, Hộ gia đình NTM kiểu mẫu. Việc xây dựng các mô hình này chưa có tiền lệ được áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Chương trình OCOP là một mô hình mới, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong xây dựng và thực hiện mô hình này do đó chưa có tiền lệ về phương pháp luận, cơ chế chính sách cũng như mô hình hiệu quả để học tập. Nhưng Quảng Ninh đã có cách thức phương pháp triển khai khoa học và đã đạt được những thành tựu bước đầu.

Là một tỉnh sáng tạo ra mô hình “Khu dân cư (thôn) nông thôn mới kiểu mẫu” (tiêu chí số 20), ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được trong xây dựng mô hình này?

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện mô hình Khu dân cư (thôn) nông thôn mới kiểu mẫu với sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 198 khu dân cư (thôn) NTM kiểu mẫu đạt 39.3/55 chỉ tiêu. Hàng trăm tuyến đường thôn, ngõ xóm được chỉnh trang, bê tông hóa, rãnh thoát nước hai bên đường, lề đường xóm được tôn tạo, nhiều tuyến đường thôn xóm được trồng cây xanh, cây cảnh, hoa các loại,nâng cao thu nhập và chất lượng môi trường sống cho người dân.

Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở thôn Là Phen, xã Yên Than, huyện Tiên Yên  

Đây là một cách làm mới, góp phần làm chuyển biến nhận thức, ý thức của người dân về phát triển kinh tế, tập quán sản xuất, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường. Qua đó, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM.

Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong thực hiện Chương trình “OCOP – Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Ý tưởng đó xuất phát từ đâu, thưa ông?

Quảng Ninh là vùng đất đang phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh chiếm thấp song lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, luôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh. Với vị trí địa lý Quảng Ninh có vùng núi, vùng biển và vùng đồng bằng với nhiều hình thái khí hậu khác nhau; là vùng đất giao thoa của nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Do vậy các làng quê của tỉnh Quảng Ninh có nhiều sản phẩm đặc sản đặc trưng như Trà hoa vàng, ba kích Ba Chẽ, nếp cái hoa vàng Đông Triều, gà Tiên yên, sá sùng Vân Đồn…

Đây chính là những lợi thế để hình thành các sản phẩm đặc trưng OCOP của Quảng Ninh. Đồng thời, Quảng Ninh có thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn, hàng năm cung cấp lương thực, thực phẩm cho trên 8 triệu khách du lịch, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, trên 200.000 lao động ngành công nghiệp khai thác than, xi măng, nhiệt điện và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, kinh tế khu vực nông thôn phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh. Trong nhiều năm thu nhập và đời sống người dân nông thôn còn thấp, sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình là chủ yếu, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp, các sản phẩm chủ yếu là sơ chế, chưa được chế biến sâu, bao bì mẫu mã sản phẩm đơn giản chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, số doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít và chưa đạt yêu cầu của nhà sản xuất.

Từ những yếu tố trên tỉnh Quảng Ninh đã xác định tái cấu trúc ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ việc xác định lợi thế của các địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường cái cách hành chính, khuyến khích thu hút doanh nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp ngoài địa bàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn. Trên cơ sở học tập kinh nghiệm của hai quốc gia đi trước là Nhật Bản (OVOP) và Thái Lan (OTOP), tỉnh Quảng Ninh đã triển khai xây dựng Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm OCOP”.

Đường nông thôn của Quảng Ninh được gắn biển chỉ dẫn như đường phố.

Từ một Chương trình mang tính chất riêng một tỉnh, trở thành chương trình nhân rộng quốc gia, ông có lời khuyên nào cho các tỉnh bạn trong xây dựng sản phẩm OCOP?

Các địa phương cần xác định OCOP là một hình thức phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị. Do vậy triển khai thực hiện OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân. Các chương trình OVOP (Nhật Bản) và OTOP (Thái Lan) cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, học tập về nguyên tắc chứ không rập khuôn máy móc, có sự đánh giá và điều chỉnh từng bước trong quá trình thực hiện cho phù hợp thực tiễn kinh tế thị trường trong nước và địa phương.

Chương trình phải được tổ chức quản lý khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện. Thiết lập được tính pháp lý của toàn bộ Chương trình. Xây dựng được hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, HTX, hỗ trợ phát triển sản phẩm trên nền tảng hỗ trợ phát triển nghiên cứu, ứng dụng KHCN, công tác hướng dẫn lập và quản lý các dự án đầu tư, các dự án sản xuất.

Sang năm 2018, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Quảng Ninh đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm gì trong thực hiện xây dựng NTM?

Với những kết quả bước đầu đã đạt được, Quảng Ninh cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình xây dựng NTM; Tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân, tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM”; Phát triển sản xuất gắn với đề án thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; Đa dạng nguồn vốn huy động xây dựng NTM; Triển khai đồng bộ các tiêu chí xã, huyện NTM trên địa bàn toàn tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Anh Tuấn