Quảng Trị giao, khoán bảo vệ rừng: Lợi nhiều nhưng bất cập không ít

Ngọc Vũ Chủ nhật, ngày 16/10/2016 07:00 AM (GMT+7)
Ông Khổng Trung – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, từ năm 2005-2015, tỉnh Quảng Trị đã giao 11.262ha rừng tự nhiên cho cộng đồng và hộ gia đình. Trong đó: Giao cho cộng đồng 6.520ha/56 cộng đồng, hộ gia đình 4.742ha/820 hộ. Tổng kinh phí thực hiện giao rừng 6,4 tỷ đồng.
Bình luận 0

Trong 10 năm qua, Quảng Trị cũng đã giao khoán bảo vệ rừng hơn 189.000 lượt ha/3.933 lượt hộ dân tham gia. Tổng kinh phí thực hiện khoán bảo vệ rừng là 46,3 tỷ đồng. Ngoài ra, 100ha rừng tự nhiên đặc dụng cũng đã được Quảng Trị cho thuê để kinh doanh du lịch.

img

Công tác giao, khoán bảo vệ rừng ở Quảng Trị theo đánh giá còn nhiều bất cập. Ảnh: N.V

Qua 10 năm thực hiện giao rừng, cho thuê rừng và khoán bảo vệ rừng đã có 185.000ha rừng đã có chủ thật sự, gần 19.000 lượt ha rừng đã được kiểm soát và bảo vệ, góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa.

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, việc giao rừng, cho thuê rừng và khoán bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, rất nhiều vụ cháy rừng xảy ra gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường. Tình trạng xâm lấn đất rừng xảy ra nhiều nhưng chưa được giải quyết, lâm tặc hoành hành... Nguyên nhân là do sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các chủ rừng, sự vào cuộc của các cơ quan pháp luật còn kém, xử lý chưa nghiêm các vụ vi phạm. Người dân thiếu đất sản xuất (toàn tỉnh Quảng Trị có 9.353 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất với tổng diện tích đất sản xuất thiếu là 7.694ha), thiếu sinh kế… nên phải lấn chiếm, đốt phá rừng.

Theo ông Đồng, tiến độ giao rừng còn rất chậm do nhiều nguyên nhân như kinh phí hạn hẹp, diện tích rừng tự nhiên giao cho hộ và cộng đồng có trữ lượng thấp, chất lượng rừng kém, lâm sản ngoài gỗ ít và nằm ở xa khu dân cư nên ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng và hưởng lợi, người dân chưa sống được nhờ rừng nên không đầu tư, chăm sóc; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích rừng đã giao quá chậm (8.397ha chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Vì vậy, theo đề án năm 2015 dự kiến giao trên 16.000ha rừng tự nhiên cho hộ và cộng đồng, nhưng đến nay thực tế mới chỉ giao được 11.200ha.

Ông Đồng cho hay, giao, cho thuê, khoán bảo vệ rừng là chủ trương đúng đắn nên cần phải thúc đẩy hơn nữa. Thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh giao khoán rừng, xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ rừng.        

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem