dd/mm/yyyy

Quảng Trị kích cầu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

“Hiện tỉnh đang tập trung, lựa chọn các sản phẩm chủ lực (lúa chất lượng cao, cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả đặc sản và dược liệu, cây gỗ nguyên liệu, con bò, con tôm..) để xây dựng các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ” - Đó là chia sẻ của ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị với phóng viên Trang Trại Việt.

Đã bước đầu hình thành các vùng tập trung, gắn với chế biến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Theo ông Hưng, nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong nông nghiệp nên đã tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng cây giống thông qua việc xây dựng và chuyển giao các mô hình điểm.

“Về định hướng phát triển, ngành nông nghiệp đang tập trung lựa chọn các sản phẩm chủ lực (lúa chất lượng cao, cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả đặc sản và dược liệu, cây gỗ nguyên liệu, con bò, con tôm) để xây dựng các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ, xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nông sản...”. Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị.

Năm 2016, toàn tỉnh gieo trồng được 53.840ha cây lương thực có hạt (lúa, ngô), sản lượng lương thực đạt trên 27,5 vạn tấn, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra là 12%. Đặc biệt, diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao đạt gần 30.500ha, chiếm 64% tổng diện tích gieo trồng lúa 02 vụ, giá trị tăng 15-20% so với sản xuất lúa thường, doanh thu đạt trên 600 tỉ đồng/năm. Một số sản phẩm gạo Quảng Trị được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh quan tâm và tin dùng như: Gạo HC95, Huyết Rồng Triệu Phước, P6...

Hồ tiêu là cây chủ lực đặc trưng của tỉnh Quảng Trị, đã có chỉ dẫn địa lý. Từ lâu, Quảng Trị được biết đến là vùng sản phẩm tiêu đặc trưng. Sản phẩm hạt tiêu Quảng Trị nói chung có những đặc điểm riêng về chất lượng khác với sản phẩm hạt tiêu trong nước và trên thế giới. Diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2016 đạt 2.450ha, sản lượng bình quân 2.000 tấn/năm, doanh thu hàng năm đạt trên 300 tỉ đồng.

Cao su là cây công nghiệp dài ngày, chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Sau gần 60 năm phát triển sản xuất trên địa bàn, cây cao su được coi là “vàng trắng” vì đã chứng minh hiệu quả rất rõ về cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường, tạo nguồn thu ngoại tệ lớn, tạo việc làm cho gần 20.000 lao động nông thôn. Cùng với các chương trình trồng rừng 327, 661, việc phát triển cây cao su đã góp phần quan trọng vào phủ xanh đất trống đồi trọc, cải tạo môi trường sinh thái miền Tây Quảng Trị.

Ngành thủy sản đang phát triển đúng hướng và trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh Quảng Trị.

Tính đến cuối năm 2016, diện tích cao su đạt 20.264ha, sản lượng mủ đạt 12.432 tấn, doanh thu đạt trên 600 tỉ đồng/năm. Mủ cao su là nguyên liệu phục vụ cho 7 Nhà máy chế biến trên địa bàn với tổng công suất 22.500 tấn/năm.

Cây cà phê được xác định là cây trồng chủ lực, chiến lược của huyện Hướng Hóa và tỉnh Quảng Trị. Với tiềm năng lợi thế về khí hậu, đất đỏ bazan, cà phê Khe Sanh đã từng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, tin dùng. Với tổng diện tích gần 5.000ha, chiếm 1/7 tổng diện tích cà phê chè của cả nước, chiếm 22% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh, sản lượng hàng năm đạt 7.000 tấn nhân, doanh thu đạt gần 300 tỉ đồng. Cà phê Khe Sanh từng được xuất khẩu qua thị trường nhiều nước Châu Âu, Châu Mỹ và hiện nay đang được xuất khẩu qua thị trường Mỹ.

Ngoài ra, các cây rau màu thực phẩm, cây dược liệu,... cũng đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, gắn với chế biến tiêu thụ trên địa bàn.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình chăn nuôi lớn, ứng dụng những tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, tăng nhanh chất lượng, số lượng đàn gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh có 16 mô hình với quy mô nuôi lợn thịt từ 600-1.000 con/mô hình.Việc thực hiện các chương trình cải tạo đàn bò, nạc hoá đàn lợn, gia cầm siêu trứng, siêu thịt đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Chất lượng đàn bò ngày một nâng cao, đàn bò lai Zebu trên 29.000 con chiếm 42% tổng đàn, tỷ lệ đàn lợn nuôi thịt theo hướng nạc đạt 85- 90%.

Điểm nổi bật về phát triển chăn nuôi thời gian qua là chuyển mạnh từ hình thức chăn nuôi quảng canh, tận dụng sang chăn nuôi thâm canh, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo hình thức tập trung, thâm canh, có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường..

Ngành thuỷ sản cũng đang phát triển đúng hướng để trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh Quảng Trị. Đánh bắt xa bờ phát triển, đạt hiệu quả kinh tế cao. Nuôi thủy sản đang góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhờ nuôi tôm, nuôi cá và các giống đặc sản khác…

Nâng chất nông sản và thương hiệu

Trao đổi với Trang Trại Việt, ông Võ Văn Hưng cho hay, tiêu thụ nông sản kết nối thị trường là vấn đề khó khăn thách thức. Vì thế, thời gian qua ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị cùng các địa phương xây dựng và quản lý quy hoạch định hướng lại sản xuất, tạo điều kiện cho nông, ngư dân yên tâm sản xuất theo quy hoạch, tránh rủi ro.

Hiện nay, các ban ngành liên quan đang tập trung áp dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến để tạo ra sản phẩm chủ lực đảm bảo chất lượng theo hướng sạch, hữu cơ có tính hàng hóa. Tập trung tham mưu, xây dựng một số chính sách hỗ trợ bà con nông dân sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản, tìm kiếm và mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết với các địa phương trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 Cây hồ tiêu được xác định là cây trồng chủ lực, chiến lược của huyện Hướng Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Tỉnh đã tăng cường củng cố các hiệp hội hiện có, phát triển thêm các hiệp hội mới theo các ngành hàng, đây chính là tổ chức giúp cho nông ngư dân tìm kiếm các đối tác và các thị trường tin cậy; hướng dẫn ký kết hợp đồng tiêu thụ. Thành lập các hợp tác xã kiểu mới làm cầu nối gắn kết với các doanh nghiệp và kinh tế hộ gia đình trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước và ngoài nước. Bước đầu đã thành lập Hiệp hội cà phê Khe Sanh, Hiệp hội hồ tiêu Quảng Trị, xây dựng một số HTX kiểu mới để liên kết tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên,...

Ông Hưng cho biết thêm: Gần đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã mời gọi một số doanh nghiệp đến liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn như Công ty CPTPXK Đồng Giao – Ninh Bình đã triển khai trồng được 102ha dứa Queen trên địa bàn; Công ty TNHH Đại Nam liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa sạch chất lượng cao (vụ HT 2017 đang thực hiện gần 90ha lúa RVT)... Ngoài ra, hiện nay có các doanh nghiệp và công ty đang khảo sát thực tế và dự kiến sẽ đầu tư sản xuất NNCNC trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Vũ - Đoàn Hồng