Ngày 1.1, nguồn tin của PV Dân Việt cho hay, Bộ GTVT vừa có văn bản chấp thuận quy hoạch chi tiết và chủ trương đầu tư khu bến cảng biển Mỹ Thủy.
Theo đó, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị nói chung và phát triển Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị nói riêng, Bộ GTVT thống nhất quy hoạch phát triển giai đoạn hoàn chỉnh khu bến cảng biển Mỹ Thủy với quy mô 10 bến xây dựng lần lượt theo 3 giai đoạn (giai đoạn 1 xây dựng 4 bến cảng, mỗi giai đoạn 2 và 3 xây dựng 3 bến cảng).
Phối cảnh cảng biển Mỹ Thủy - Quảng Trị
Trong đó, trước mắt Bộ GTVT chấp thuận cập nhật giai đoạn 1 của bến cảng và quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3) đến năm 2020 và giai đoạn 2, 3 vào quy hoạch chi tiết nhóm giai đoạn đến 2030 và sau 2030.
Bộ GTVT nêu rõ, chức năng chính của cảng biển Mỹ Thủy là khu bến cảng chuyên dùng phục vụ chủ yếu cho các cơ sở công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, kết hợp thu hút lượng hàng hóa quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Điểm đáng chú ý là cảng biển Mỹ Thủy có độ sâu luồng tàu âm 17,5 mét, rộng 350 mét đối với luồng 2 chiều và 250 mét với luồng 1 chiều, có thể đón tàu trọng tải lên tới 100.000 tấn.
Phối cảnh Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị
Được biết, khu bến cảng Mỹ Thủy là một dự án động lực quan trọng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập tại quyết định số 42/2015/QĐ – TTg ngày 16.9.2015).
Cảng Mỹ Thủy xây dựng theo hình thức cảng nước sâu, đào lấn vào trong đất liền với tổng diện tích toàn bộ cảng là 685 ha, trong đó diện tích trên đất liền là 335 ha, còn lại 350 ha là diện tích trên biển.
Tổng mức đầu tư dự án của cả 3 giai đoạn là 14.234 tỷ đồng, thời gian xây dựng dự kiến 10 năm. Cảng gồm các khu chức năng như cảng thương mại dịch vụ A1, A2, khu dịch vụ hậu cảng, cảng xăng dầu, cảng than…
Được biết, đến nay đã có một số nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đến nghiên cứu tìm hiểu đầu tư vào khu kinh tế Đông Nam như Tổng công ty Becamex, Tập đoàn Amata – Thái Lan, Tập đoàn Hyundai – Hàn Quốc, Tập đoàn Vingroup… Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất khiến các nhà đầu tư lo ngại là cảng Mỹ Thủy chưa được xây dựng, không có nơi xuất hàng hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.