Lực lượng Ukraine chưa sẵn sàng sau nhiều lần tuyên bố phản công. Ảnh iT
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố mọi việc phải được thực hiện để tránh một cuộc phản công của Ukraine chống lại các lực lượng Nga vì nó sẽ gây ra hậu quả tàn khốc cho Kiev.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kossuth Radio ngày 2/6, ông Orban nói rằng "ngay cả một người như tôi với kinh nghiệm 1 năm rưỡi phục vụ trong quân đội cũng biết rất rõ... rằng nếu tôi tấn công, tôi sẽ thiệt hại gấp ba lần so với một người đang bảo vệ".
Ông nói, Ukraine có thể có dân số "khoảng từ 20 đến 30 triệu người" vào thời điểm hiện tại, đó là "một phần nhỏ" so với dân số của Nga. Dân số Nga là hơn 146 triệu người, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Liên bang.
Nhà lãnh đạo Hungary cảnh báo, việc Kiev phát động một cuộc phản công lớn trong điều kiện như vậy "sẽ là một cuộc tắm máu".
"Ngay cả trong trường hợp tốt nhất (đối với Kiev), không thể đạt được kết quả nào tốt hơn... trên chiến trường, hơn là những gì có thể đạt được thông qua đàm phán ngay cả trước khi xảy ra xung đột", ông nói.
Ông Orban nhấn mạnh: "Chúng ta phải làm mọi thứ có thể trước khi phát động một cuộc phản công để thuyết phục các bên rằng lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình là cần thiết.
Trong diễn biến liên quan, tờ Washington Post cũng nhận định rằng, quân đội Ukraine gặp nhiều trở ngại trong cuộc phản công, điều này sẽ dẫn đến một cuộc "tắm máu".
Tờ báo dẫn lời cựu kỹ sư quân đội Mỹ Steve Danner nói rằng: "Tôi lo lắng Ukraine chưa sẵn sàng đối phó với quy mô của những khó khăn này". Mark Kansian, sĩ quan Thủy quân lục chiến nghỉ hưu và chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: "Nếu những công sự này hoạt động, thì nó có thể trở thành một cuộc tắm máu. Điều này rất giống với Chiến tranh thế giới thứ nhất".
Ukraine đã lên kế hoạch phản công quy mô lớn chống lại lực lượng Nga trong nhiều tháng, tuyên bố điều đó sẽ cho phép Kiev chiếm lại tất cả các lãnh thổ đã mất vào tay Nga, bao gồm cả Crimea. Hoạt động dự kiến bắt đầu vào mùa xuân, nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần do các quan chức Ukraine phàn nàn về thời tiết xấu, thiếu đạn dược và việc phương Tây miễn cưỡng cung cấp máy bay chiến đấu.
Hungary đã thực hiện một cách tiếp cận cân bằng kể từ khi bùng nổ xung đột giữa Moscow và Kiev vào tháng 2 năm 2022. Budapest đã cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, nhưng từ chối cung cấp vũ khí cho chính phủ của Tổng thống Vladimir Zelensky, không giống như nhiều quốc gia thành viên EU khác. Hungary cũng liên tục kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng và chỉ trích các lệnh trừng phạt mà Brussels áp đặt với Moscow, cho rằng chúng không đạt được mục tiêu và gây tổn hại cho EU nhiều hơn là Nga.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.