Quốc Trường không chỉ được biết đến là một diễn viên nổi tiếng mà bên cạnh đó, anh còn là ông chủ của một chuỗi hơn 100 cửa hàng mỳ cay khắp cả nước. Có được thành công như hiện tại, chắc hẳn anh đã từng phải trải qua không ít vấp ngã khi khởi nghiệp?

Nếu nói về khởi nghiệp thì mỳ cay không phải là công việc khởi đầu của mình bởi cách đây 6 năm, Trường bắt đầu mở tiệm bánh mỳ que ở Cần Thơ. Lúc đó bánh mỳ que ở trong này chưa nổi tiếng lắm nhưng trong một lần đi quay phim, Trường ăn được một chiếc bánh mỳ que của bà chị gốc Hải Phòng bán rất ngon. Trời ơi, món đó ngon dã man, đặc biệt là pate của chị ấy làm.

Nghiền đến nỗi ngày nào Trường cũng ăn. Mà Trường nghĩ, mình mà đã nghiền thì cũng rất dễ cho người khác nghiền. Ăn quen thì thân chị, rồi hỏi công thức làm pate của chị, chị cho liền. Có được công thức, mình mày mò làm và thành công.

Khi thấy mọi thứ khá ổn, Trường bắt đầu mở một tiệm bánh mỳ que nhỏ ở Cần Thơ và không ngờ lại được mọi người ủng hộ đến vậy.

Nhưng khi đó, Trường không có cái nguyên tắc kinh doanh nào cả, chỉ kinh doanh theo kiểu gia đình nhỏ lẻ. Mình không trực tiếp làm nên cũng không thể quán xuyến hết được. Tất cả mọi việc, mình đều giao cho các bạn ở Cần Thơ và hầu hết các bạn đó đều là sinh viên, không có một nhân sự chủ lực nào.

img

Thời điểm đó, quán rất đắt khách nhưng vì Trường ở Sài Gòn nên không thể quản lý được. Những người ở quán cũng không kết nối được với nhau tốt nên có bất cứ một vấn đề gì dù nhỏ hay to, Trường cũng phải đứng ra giải quyết. Thời gian như vậy kéo dài, Trường cảm thấy quá mệt mỏi nên mới giải thể.

Đó là bước khởi nghiệp đầu tiên tuy nhỏ nhưng cho Trường rất nhiều bài học. Thứ nhất là khi làm kinh doanh, mình phải có một lộ trình, và có một kế hoạch nhất định, chuyên nghiệp, chứ không phải tự phát.

Thứ 2, nhân sự phải là free thời gian, làm chủ chốt cho mình, chứ không phải lúc đi học, lúc đi làm nên không có đủ thời gian để tập trung quản lý và bán hàng.

Vậy sau bao lâu, anh nghĩ đến chuyện kinh doanh mỳ cay?

Cách đây hơn 3 năm, một người bạn thân của Trường đang làm đầu bếp rủ rê: “Hay là thử mở quán mỳ cay đi Trường ơi”. Sau vài ngày suy nghĩ, mình và một số anh em thân thiết quyết định mở quán mỳ cay đầu tiên tại TP. HCM.

Lúc đó, Mỳ cay ở Việt Nam như một sự “bùng nổ”, nó thực sự hot như bộ phim “Về nhà đi con” bây giờ. Nó hot quá khủng khiếp so với sự tưởng tượng của Trường.

Mình đã chuẩn bị rất chỉn chu, chuyên nghiệp từ đồng phục nhân viên, bài trí cửa hàng, nhân viên vận hành cho đến thu ngân, bếp… Dù quán lúc đó có chiều ngang 4m, dài 15m nhưng một ngày chúng mình bán đến 1000 tô mỳ. Bạn biết được sức bán khủng khiếp như thế nào rồi đấy? Đó là một bài học rất là lớn về nhân sự.

Cũng nhờ những thất bại từ lần kinh doanh bánh mỳ que nên mình có kinh nghiệm hơn ở lần kinh doanh này.

Vậy khoảng bao lâu sau. Những quán tiếp theo được mở?

Vì làm ăn quá tốt nên chỉ một tháng sau, Trường mở luôn quán thứ 2. Và đến nửa năm sau, thì đã mở đến 40 cửa hàng. Có những tháng khai trương đến tận 8 cửa hàng.

img

Anh có thể tiết lộ về doanh thu mỗi tháng chuỗi cửa hàng mang lại?

Trường xin phép không chia sẻ về lợi nhuận vì mình không muốn chia sẻ nhiều về tiền.

Nhưng mình có một điều tự hào rằng, những thứ mình làm được không hẳn là lợi nhuận mà mình đang nuôi được 4000 sinh viên.

Tất cả những người đang phục vụ ở cửa hàng mình có tới 70% là sinh viên. Và Trường đang góp một phần rất nhỏ vào việc đóng học phí cho các bạn ấy. Đấy cũng là sự đóng góp của Trường cho xã hội.

Khi trở thành ông chủ lớn thì tiêu chí hàng đầu của anh khi tuyển nhân viên là gì?

Tiêu chí hàng đầu là siêng năng, biết lắng nghe và hiền lành. Hiền lành ở đây là theo cảm nhận của mình, còn hiền thật hay hiền giả thì theo thời gian thì mình mới biết được.

Còn khi tuyển các nhân viên cấp cao thì mình tuyển cẩn thận hơn. Hoặc mình sẽ đào tạo những người đã rất gắn bó với cửa hàng lâu năm trở thành quản lý cho mình. Bạn biết đấy, những người làm bếp, thu ngân, bưng bê lâu năm thì khi vận hành, họ sẽ biết bếp đang gặp vấn đề gì để nói với bếp trưởng, thu ngân thất thoát ở đâu hay khách hàng phản ánh thái độ nhân viên thế nào thì họ đã từng trải qua, họ sẽ ứng xử khéo léo, chuẩn mực hơn.

Còn khi tuyển CEO thì Trường thường tuyển rất kỹ những bạn thạc sỹ, thậm chí tiến sỹ đi học ở nước ngoài về. Họ quản lý tất cả mọi thứ, còn mình chỉ là người quyết định thôi.

Trường hầu như không can thiệp quá nhiều vào việc kinh doanh bởi những việc đó đã có người khác làm hết. Trường chỉ tham gia những việc lớn, ví dụ như tính mở thêm cửa hàng mới ở địa điểm này, ở vị trí này, đầu tư bao nhiêu, vì sao phải mở, điều tra dân số, điều tra kinh tế đầu người của người dân ở đó ra sao. Khi có kết quả, Trường mới là người quyết định.

Có những vấn đề không lớn lắm, quản lý có gọi cho mình hỏi ý kiến, mình cũng chỉ bảo rằng: “Đó là việc của bạn, chứ không phải việc của mình. Những chuyện lặt vặt đó mà mình cứ phải giải quyết rất là mệt”.

Đấy chính là lý do giúp trường có thời gian để đi đóng phim.

img

Vậy anh nghĩ sao khi mình là một người tay ngang, không được đào tạo bài bản ở môi trường đại học chính quy nào lại trở thành ông chủ, còn nhân viên của anh thì có rất nhiều người tốt nghiệp bằng tốt, thậm chí là du học nước ngoài về?

Mình nghĩ đó là một chuyện rất bình thường bởi mỗi người có một sở thích, lựa chọn riêng của bản thân.

Ví dụ như Trường vừa đi diễn, vừa kinh doanh thì Trường sẽ bận rộn từ sáng đến tối. Còn những người lựa chọn làm việc cho Trường thì họ thỏa sức sáng tạo theo ý của họ. Hết việc ở cơ quan, họ sẽ nhẹ đầu về nhà, làm những việc mình muốn mà không bị bó buộc thời gian như mình.

Trường cũng nghĩ rằng, học được đại học là rất tốt. Môi trường đó sẽ giúp mọi người được rèn giũa, đào tạo kỹ càng, bài bản hơn. Họ sẽ có được những kiến thức nền để khi ra đời, họ dễ dàng ứng dụng hơn.

Còn những người tay ngang như Trường khi muốn bắt đầu một việc gì đó, sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề. Và để giải quyết được những vấn đề đó, Trường phải bỏ tiền ra để thuê những người có kiến thức, có kinh nghiệm hỗ trợ, tư vấn và làm việc giúp mình.

Trong quá trình làm kinh doanh, anh có vô tình tuyển phải nhân viên không tốt? Và nếu gặp, anh sẽ ứng xử như thế nào?

Hầu hết doanh nghiệp nào cũng sẽ gặp phải sự thất thoát bởi gặp phải những con người không trung thực. Và Trường cũng không ngoại lệ.

Vô tình tuyển phải người không tốt là chuyện bình thường. Và khi đó, mình sẽ âm thầm đuổi việc hay nói với họ rằng: “Em không còn phù hợp với môi trường này nữa, còn phù hợp như thế nào thì em tự suy nghĩ”.

img

Có được những thành quả như ngày hôm nay, liệu anh có bao giờ nghĩ rằng, trong đó cũng nhờ một chút may mắn của sự nổi tiếng ở nghiệp diễn mang lại?

Thời gian đầu là có, chắc chắn có. Bởi khi mới mở quán, có rất nhiều bạn bè, nghệ sỹ đến ủng hộ, check in. Và vô tình có sự tương tác cao khiến nhiều người tò mò đến ăn thử. Rồi việc thưởng thức mỳ cay nhiều cấp độ bỗng trở thành một trào lưu bùng nổ trong giới trẻ thời điểm đó.

Có nhiều bạn sinh viên vào trường khoe với nhau: “tao ăn được cấp độ 2, 3….”. Rồi bạn bè của họ cũng vào ăn thử. Khi thấy ngon, họ sẽ tiếp tục ghé quán và ủng hộ tiếp. Và cứ như thế, việc kinh doanh của Trường cứ lên cao như diều gặp gió.

Cách đây khoảng 3 năm thì mỳ cay thực sự trở thành trào lưu rất hot trong giới trẻ. Tuy nhiên, nhiều người vì muốn thử thách bản thân đã làm liều ăn cay cấp độ cao khiến họ phải vào viện cấp cứu. Không biết chỗ anh đã gặp phải tình huống này chưa?

Có chứ. Có một số trường hợp khách bị ngất ngay tại quán. Dù trước khi khách vào, mình đã bảo nhân viên order cũng nên khuyên khách ăn theo khả năng của họ. Nhưng có nhiều người lại muốn thử thách bản thân nên quán vẫn làm.

Có lần Trường chứng kiến khách ăn xong tô mỳ ngất ngay tại quán. Nhưng sau 10 phút, họ tỉnh dậy, lại cười ha hả vì đã trót lọt cấp độ mới. Uống vội cốc nước, họ lại vui vẻ rời khỏi quán.

Là ông chủ của thương hiệu mỳ cay nổi tiếng, anh ăn được cấp độ mấy?

Trường là một trong những người sáng lập ra thương hiệu mỳ cay nhưng lại là người ăn cay không giỏi, chỉ ăn được cấp độ 0,5 thôi. Nhưng đầu bếp trưởng là người bạn cùng quê của Trường ăn được cấp 5, 6 . Cậu ấy cũng chính là người gợi ý cho Trường làm mỳ cay, còn Trường là người đầu tư và đứng tên thôi. Có được thành quả như ngày hôm nay, một phần rất lớn cũng nhờ những người bạn bè thân thiết của mình.

img

Những người cùng Trường sáng lập ra thương hiệu Mỳ cay đều là những người bạn thân thiết của anh. Nhưng trong kinh doanh, nhiều người cho rằng, khi có lợi nhuận, con người thường phá vỡ những quy tắc và mối quan hệ để đạt được mục đích của bản thân. Vậy anh  đã bao giờ phải khó xử khi có những người bạn bỗng trở mặt chỉ vì lợi ích cá nhân?

Khi kinh doanh thất bại, anh em vẫn chơi với nhau. Khi thành công, có nhiều lợi nhuận thì nhiều người không chơi với nhau nữa vì tiền đã chi phối tình.

Nhưng Trường lại cảm thấy rất may mắn vì chưa bao giờ phải rơi vào trường hợp đó bởi, những người cùng sáng lập ra thương hiệu mỳ cay của Trường đều là những người bạn rất thân thiết, yêu thương nhau từ thuở còn con trẻ.

Chúng mình chơi với nhau từ năm học lớp 6, lớp 7, cùng nhau lớn lên ở cái xóm nghèo Cần Thơ, nơi mẹ nuôi sống cả gia đình bằng quán tạp hóa nhỏ. Những trưa hè, chúng mình cùng nhau đá bóng, đánh cầu hay trốn mẹ đi chơi game cả buổi khiến mẹ phải khóc… Những người bạn ấy thuở nhỏ đáng yêu như thế nào thì giờ lớn lên, họ vẫn như thế, rất đáng yêu, chân thật.

Từ khi làm việc với nhau, chúng mình cãi vã không ít. Nhiều lúc tức điên lên, mình muốn đánh bạn lắm nhưng rồi mình quyết định về phòng đóng cửa lại và suy nghĩ.

Rồi bỗng chốc những kỷ niệm bên nhau ùa về… cái thằng này nó dễ thương từ nhỏ, nó đã cùng mình vượt qua bao gian khó. Rồi những buổi nhậu ôm nhau khóc, những lúc đón thằng này ở trường, những ngày tốt nghiệp ra trường ôm chầm lấy nhau không rời, rồi những lần đánh nhau rách áo, thằng này cho thằng kia mượn áo… Lúc đó, không còn bất cứ một lợi ích nào có thể đánh đổi được tình bạn thân thương ấy.

Mình nghĩ rằng, những mối quan hệ dưới 5 năm sẽ dễ gãy, dễ xung đột lợi ích. Còn những tình bạn có thâm niên cao như tụi mình sẽ không bao giờ tan rã được.

img

Có những lúc Trường đã nhường quyền cao nhất của công ty cho người bạn thân nhất của mình. Trường nói với bạn: “Mình giao công ty cho bạn, bạn làm cho mình đi. Tất cả mọi chuyện đều do bạn quyết định. Nếu bạn quý mình, thương mình thì có những lúc thấy khó khăn quá, hãy nhắn cho mình một tin”.

Mình nói vậy thôi, chứ mình biết bạn thương mình vô điều kiện mà. Đây nè, khi đang trả lời phỏng vấn, các bạn ấy vẫn nhắn tin ting ting suốt nè.

Đó là một tình yêu, tình yêu thương giữa những người bạn với nhau. Dù thế nào, tình bạn vẫn là mãi mãi.

Dù hôm nay, Trường có nổi tiếng thế nào, thành đạt ra sao thì mọi người vẫn đối xử với nhau như những chàng trai trẻ ở quê ngày xưa. Chúng mình vẫn ôm nhau vào những quán cóc ven đường hay tụ tập ăn uống sang chảnh ở nhà hàng… thì chúng mình vẫn nói chuyện giản dị, trêu đùa nhau như những thằng trai trẻ ở quê ngày xưa.


img

Ảnh: Hoàn Như

Bài viết: Lam Chiều

Thực hiện: Nãm Trung Nguyên

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem