Quỹ Hỗ trợ nông dân- “Bà đỡ” mát tay cho nông nghiệp công nghệ cao

Mai Lan Thứ ba, ngày 28/04/2020 05:35 AM (GMT+7)
Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh Long An đã trở thành nguồn vốn hiệu quả giúp hội viên, nông dân vươn lên phát triển kinh tế; đặc biệt, còn giúp xây dựng nhiều mô hình công nghệ cao, góp phần tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bình luận 0

Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh Long An đã trở thành nguồn vốn hiệu quả giúp hội viên, nông dân vươn lên phát triển kinh tế; đặc biệt, còn giúp xây dựng nhiều mô hình công nghệ cao, góp phần tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tính đến hết năm 2019, nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh quản lý đạt 36 tỷ đồng. Năm 2020, nguồn ngân sách tỉnh cấp bổ sung cho Quỹ HTND thêm 5 tỷ đồng, nâng tổng số vốn quỹ lên 41 tỷ đồng.

img

Mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Lâm Hữu Cuộc (trái) ở xã Trường Tây, huyện Hòa Thành. Ảnh: Mai Lan

Nhờ nguồn vốn quỹ đã góp phần xây dựng thành công các mô hình công nghệ cao như: Trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Thạnh An (huyện Thạnh Hóa); trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Lâm (huyện Cần Giuộc); nuôi bò thịt sinh sản ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Khánh Đông (huyện Đức Hòa); trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao tại xã Vĩnh Công (huyện Châu Thành)...

Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh đã lựa chọn và xây dựng 13 mô hình điểm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quyết định của UBND tỉnh năm 2019 với kinh phí trên 2,9 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều công nghệ tiên tiến đã được hội viên, nông dân ứng dụng trong sản xuất và nhân rộng như: Hệ thống tưới thông minh, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt; nhà lưới, nhà kính; giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng các loại máy móc cơ giới hóa (máy phun phân đeo vai, máy phun thuốc tự hành, máy cấy, máy thu hoạch và cuộn rơm); các loại phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học...

Các cấp Hội trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã... thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; đồng thời, tăng cường phối hợp tổ chức các hội thảo tổng kết, đánh giá mô hình, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích hội viên, nông dân sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP...

Đã có nhiều loại hình tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác được hình thành thông qua việc triển khai vay vốn từ Quỹ HTND. Năm 2017, Tổ hợp tác trồng rau ứng dụng công nghệ cao của xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc được thành lập với diện tích 3,5ha. Từ nguồn vốn Quỹ HTND đã giải ngân cho 10 hộ nông dân vay với số tiền 500 triệu đồng. Hiện, bình quân mỗi thành viên trong tổ hợp tác có thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, để tăng cường nguồn vốn vay cho hội viên, nông dân, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện 15 chương trình tín dụng ủy thác cho vay vốn đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách theo quy định. Hiện dư nợ đạt trên 996 tỷ đồng, thông qua 898 tổ tiết kiệm vay vốn với 39.213 hộ vay. Kết quả xếp loại các tổ tiết kiệm vay vốn do Hội quản lý có 85,52% Tổ đạt tốt, 12,69% tổ khá, 1,78% tổ trung bình và không có tổ yếu kém. Có thể nói, Quỹ HTND đã góp phần định hướng và tạo động lực cho nhiều hội viên, nông dân đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem