Quy hoạch điện VIII sẽ giải cứu các dự án điện tái tạo đang phải nằm chờ, kêu cứu?

16/05/2023 14:35 GMT+7
Theo TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và tăng trưởng xanh, quy hoạch điện VIII được phê duyệt đúng thời điểm, tạo cơ hội gỡ khó cho ngành điện cũng như các dự án điện tái tạo đang kêu cứu.

Quy hoạch điện VIII kỳ vọng giải nhiều bài toán

Tại Toạ đàm về giá điện vừa được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức, ông TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng: Quy hoạch điện VIII được phê duyệt là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế và xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí.

Theo ông Sơn, vừa qua các dự án điện gió, điện mặt trời được xây dựng, triển khai có công suất rất lớn nhưng thực tế thống kê điện năng phát thực sự của các nguồn này tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều yếu tố.

Quy hoạch điện VIII sẽ giải cứu các dự án điện tái tạo đang phải nằm chờ, kêu cứu? - Ảnh 1.

TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và tăng trưởng xanh

Đơn cử, điện mặt trời có thời gian phát điện từ 6 giờ sáng - 18 giờ, đỉnh điểm nằm trong giai đoạn 9 giờ - 13 giờ, không phù hợp với đặc thù tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ thông thường.

Trong khi đó, điện gió phụ thuộc vào đặc thù từng khu vực mà dự án được xây dựng. Hiện nay, năng lực phát điện của nguồn này giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10 - 20% công suất. 

"Nhìn vào đó có thể thấy, sản lượng cung ứng thực tế của các nguồn điện gió, điện mặt trời rất hạn chế và rất khó để dựa vào, đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng" - ông Sơn đánh giá.

Theo ông Sơn, quy hoạch điện VIII sẽ là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế và xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí... Đồng thời, là căn cứ pháp lý để triển khai loạt dự án đầu tư mở rộng dự án truyền tải điện. 

Đặc biệt, đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để EVN giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm giải quyết công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà. Mục tiêu là đến 2030, 50% mái nhà công sở, hộ gia đình trên cả nước sẽ được phủ kín bằng các tấm pin mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện tự dùng. 

Thực tế, trong Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng ký Quyết định ban hành, đã đưa ra định hướng sẽ không xây dựng thêm nhiệt điện than sau năm 2030, từng bước trộn và chuyển sang nhiên liệu sinh khối.

Đến năm 2030, tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn giảm từ gần 29% năm 2020 xuống 20,5% năm 2030; tỷ trọng nguồn điện khí tăng từ 10,2% (7,08GW) năm 2020 lên 21,8% (32GW) năm 2030. 

Đây là nguồn ít phát thải khí nhà kính hơn, đồng thời linh hoạt hỗ trợ tốt hơn cho nguồn năng lượng tái tạo. Điện sản xuất từ nguồn điện khí tăng tỷ trọng, năm 2020 từ 12,5% lên tới 25,5% vào năm 2030.

Đối với các nguồn điện tái tạo, có thủy điện, điện mặt trời, gió, sinh khối) sẽ được tăng từ 38,2 GW năm 2020 lên đến 73,78 GW; các nguồn điện gió, mặt trời, sinh khối... sẽ tăng mạnh nhất lên tăng từ 17,4GW năm 2020 lên đến hơn 44,4GW năm 2030.

Điện mặt trời, sức gió, sính khối sẽ tăng tỷ trọng từ 45,5% năm 2020 lên mức 60% năm 2030; trong khi đó tỷ trọng thuỷ điện chiếm 54,45% năm 2020 sẽ bị giảm xuống chỉ chiếm 40% vào năm 2030.

Đáng chú ý, tỷ trọng tổng các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu công suất điện năm 2030 được quy hoạch sẽ chiếm tới 50,3%, trong đó tỷ trọng thuỷ điện sẽ giảm sút do sự phát triển đến giới hạn, trong khi đó điện tái tạo có thể gia tăng phát triển do tiềm năng lớn. Theo quy hoạch, điện  sản xuất từ nguồn điện tái tạo năm 2030 sẽ chiếm 36% tổng nguồn điện sản xuất.

Để làm được điều này, trong quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031-2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2-523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Tương đương bình quân mỗi năm giai đoạn 2021-2030, nguồn lực đầu tư cho ngành điện cả nguồn và truyền tải là hơn 13 tỷ USD; giai đoạn 2031-2050, sẽ tương đương 20 đến 26 tỷ USD. Mức đầu tư tăng này đòi hỏi cần huy động mọi nguồn lực xã hội hoá mới có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

An Linh
Cùng chuyên mục