Quý ông bị suy đa tạng, hoại tử vì ăn tiết canh lợn

Diệu Thu Thứ năm, ngày 09/03/2017 18:03 PM (GMT+7)
3 ngày sau khi ăn tiết canh, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục kèm theo nôn nhiều và đau đầu, tím tái toàn thân.
Bình luận 0

img

 Bệnh nhân bị hoại tử đầu ngón tay, ngón chân do ăn tiết canh lợn

Chiều 9/3, trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ngày 7/3, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.D.B, 60 tuổi, quê Thái Bình trong tình trạng tím tái, mạch, huyết áp không đo được. Bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu và ăn tiết canh cách ngày nhập viện 3 ngày.

Sau ăn tiết canh, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục 39.5 độ, kèm theo nôn nhiều và đau đầu, tím tái toàn thân. Gia đình đưa ông D. vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình điều trị. Tại đây, bệnh viện chẩn đoán, ông D. sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn và cho đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn diễn biến nặng, ông D. vẫn tím đen toàn thân, tụt huyết áp. Ngay lập tức, ông B. được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Lúc vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, ông D. tím tái, mạch và huyết áp không đo được. Các bác sĩ phải cấp cứu ngừng tuần hoàn sau 15 phút thì tim đập lại.

Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân ăn tiết canh ngoài quán, sau 3 ngày thì xuất hiện các triệu chứng như trên. Lúc vào viện, ông D. có tình trạng suy đa tạng rối loạn đông máu nặng. Hiện tại, ông D. bị hoại tử đầu ngón chân, ngón tay, các tạng đã bắt đầu có xu hướng hồi phục. Tuy vậy, ông D. vẫn còn rất nặng và phải hồi sức tích cực.

Bác sĩ Cấp cho biết, thời điểm này, dịch bệnh liên cầu khuẩn lợn dễ phát tán bởi người dân ăn tiệc tùng dễ ăn phải heo “bẩn” mang mầm bệnh.

Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở 2 thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân…, dẫn đến tử vong rất nhanh.

Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ.

Ngoài ra, có những trường hợp mắc cùng lúc cả hai thể bệnh này khiến tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh ban đầu không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác khiến nhiều người chủ quan và nhập viện khi đã nặng. Không chỉ vậy, người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn dù đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm. Trong khi đó, với những người bị nhiễm trùng huyết do nhiễm vi khuẩn này, việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.

Do đó, để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống… vì đây là được coi là “ổ bệnh” chứa vô số loại vi khuẩn, virus gây bệnh cho người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem