Không có lửa, sao có khói?
Tuần trước, BBC đã đưa ra thông tin khiến làng quyền Anh nói riêng và thế giới thể thao nói chung chấn động: Azerbaijan đã dùng 9 triệu USD để “nhờ” ông Ivan Khodabakhsh - Giám đốc điều hành các trận đấu quyền Anh thế giới WSB (một công ty con của Hiệp hội Quyền Anh nghiệp dư thế giới - AIBA) giúp họ giành được 2 Huy chương vàng tại Olympic London 2012. Tất nhiên, AIBA chối đây đẩy rằng “làm gì có chuyện đó”, còn ông Khodabakhsh cũng khẳng định đó là tin đồn thất thiệt để bôi nhọ danh dự của ông.
|
Quyền Anh đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khỏi danh sách thi đấu tại Olympic. |
AIBA khẳng định, khoản 9 triệu USD mà họ nhận là có thật thông qua một công ty môi giới của Thụy Sĩ, nhưng nguồn gốc của khoản tiền này là hoàn toàn trong sạch và chẳng thể nào là hành vi nhận hối lộ. Chủ tịch AIBA Wu Ching Kuo còn mạnh miệng rằng, AIBA đã tiến hành điều tra và chưa thấy hành vi sai phạm nào. Thậm chí, nếu có sai phạm, AIBA sẽ ngay lập tức sa thải ông Khodabakhsh. Nhưng BBC thì nhấn mạnh, họ có trong tay đầy đủ chứng cứ là những bức thư điện tử và 2 nhân chứng (chưa tiết lộ danh tính).
Diễn biến câu chuyện phức tạp đến mức nước chủ nhà Anh cũng cảm thấy khó chịu. Đích thân bà Robertson - Bộ trưởng Thể thao Anh đã thể hiện quan điểm muốn làm rõ trắng đen để uy tín và danh dự của Thế vận hội sắp diễn ra tại xứ sở sương mù không bị ảnh hưởng.
Nghe đôi bên tranh cãi mà chưa đi đến đâu, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) buộc phải vào cuộc. Ông Jacques Rogge - Chủ tịch IOC đã yêu cầu BBC cung cấp chứng cứ để quyết định có mở cuộc điều tra hay không. AIBA vẫn tỏ ra cứng rắn, nhưng quá khứ lại chỉ ra rằng, sự “trong sáng” của họ không phải là tuyệt đối bởi AIBA từng bị IOC cấm giải ngân do nhập nhèm trong nhiều vụ làm ăn, và mới đây họ lại còn bị đối tác truyền thông là Tập đoàn Tiếp thị thể thao IMG cắt đứt quan hệ hợp tác.
Một công đôi việc
Bất kể nghi án “mua” 2 Huy chương vàng Olympic môn quyền Anh của Azerbaijan có thật hay không (nếu đúng, đương nhiên Azerbaijan sẽ bị phạt nặng), IOC cũng sẽ có cớ để đưa môn thể thao đầy sức mạnh và giàu tính đối kháng này lên “máy chém”. Tiêu chí của IOC là ưu tiên sự chuẩn mực đến tuyệt đối trong cách tính điểm ở tất cả các môn thể thao nên họ đã lên kế hoạch cắt giảm một số môn có nhiều tranh cãi khi cần phân định thắng thua.
Nếu không có gì thay đổi, nhiều khả năng, quyết định “trảm” quyền Anh khỏi danh sách tranh tài của Olympic Rio de Janeiro sẽ trở thành hiện thực.
Trước quyền Anh, các môn taekwondo, vật cổ điển đã đứng trước nguy cơ bị loại khỏi danh sách thi đấu ở Olympic Rio de Janeiro 2016 vì cách tính điểm có ảnh hưởng của sự cảm tính. Giờ thì quyền Anh cũng sẽ bị liệt vào “nhóm đèn đỏ” này. Còn nhớ, ở Olympic Seoul 1988, đã có những tranh cãi nảy lửa khi một võ sĩ quyền Anh của Hàn Quốc được xử thắng trong trận chung kết với một võ sĩ Mỹ. Ngay sau đó, cách tính điểm bằng hệ thống chấm điểm điện tử đã được áp dụng, nhưng tranh cãi vẫn xảy ra khi rất khó tạo ra một quy chuẩn thực sự vì yếu tố con người luôn mang tính quyết định.
Ngay sau khi có kết luận về “Vụ Azerbaijan”, IOC sẽ tiếp tục tổ chức họp để bàn về vấn đề cắt giảm “biên chế” các môn thể thao cho kỳ Olympic tiếp theo.
Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.