Quyền lợi khi mua bảo hiểm xe máy bắt buộc và hồ sơ để nhận tiền đền bù

22/05/2020 15:39 GMT+7
Với nhiều người, mua bảo hiểm xe máy bắt buộc chỉ nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Rất ít người hiểu được những quyền lợi về loại hình bảo hiểm này khi tham gia giao thông.

Thủ tục rườm rà, phức tạp

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe cơ giới đang là đề tài gây nhiều tranh cãi thời gian gần đây. Nhiều người dân cho rằng, CSGT chỉ nên tập trung xử phạt các lỗi vi phạm, đừng "xử phạt thay bảo hiểm". Hơn nữa, dù có mua bảo hiểm xe máy thì cũng không được các công ty bảo hiểm bồi thường khi xảy ra sự việc.

Quyền lợi khi mua bảo hiểm xe máy bắt buộc và hồ sơ để nhận tiền đền bù - Ảnh 1.

Trong trường hợp không may xảy ra rủi ro, tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, người điều khiển xe máy có bằng lái hợp pháp sẽ không phải đền bù cho người bị va chạm và cho người ngồi trực tiếp trên xe

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho rằng, do mọi người chưa hiểu rõ về tính nhân văn của loại hình bảo hiểm này. "Khi tham gia giao thông, sẽ luôn có rủi ro gây tai nạn giao thông (TNGT). Đặc biệt, các phương tiện cơ giới có tốc độ và khối lượng càng cao thì rủi ro và hậu quả càng lớn. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới được đặt ra để tạo nguồn chi trả cho các nạn nhân mà không phụ thuộc vào việc người gây tai nạn có khả năng chi trả hay không. Đây là quy định rất đúng đắn, nhân văn và được phần lớn các quốc gia trên thế giới đang áp dụng", ông Minh nói.

Ông Minh cũng thừa nhận rằng, số vụ TNGT liên quan đến xe máy khá nhiều nhưng số vụ được bảo hiểm bồi thường vẫn rất ít. Theo ông Minh, nguyên nhân chủ yếu là do các quy trình, quy định pháp luật trong quá trình khai báo, xác nhận, chi trả bảo hiểm còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, dẫn tới tâm lý ngại đề nghị bảo hiểm bồi thường, bỏ qua.

Nguyên nhân thứ 2 đó là do nhiều người chủ xe máy chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về lợi ích của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe máy. Tỷ lệ người chủ xe máy mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự hiện nay rất thấp.

Quyền lợi khi mua bảo hiểm xe máy bắt buộc?

Theo điểm a khoản 2 điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe còn hiệu lực sẽ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Trong trường hợp không may xảy ra rủi ro, tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, người điều khiển xe máy có bằng lái hợp pháp sẽ không phải đền bù cho người bị va chạm và cho người ngồi trực tiếp trên xe. Thay vào đó, đơn vị bảo hiểm sẽ thay cho chủ xe tiến hành việc chi trả phần trách nhiệm dân sự này.

Trường hợp chủ xe cơ giới đồng thời tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho cùng một xe cơ giới thì số tiền bồi thường chỉ được tính theo hợp đồng bảo hiểm đầu tiên.

Cụ thể, theo khoản 1 và khoản 2 điều 9 Thông tư số 22/2016/TT-BTC, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe máy gây ra là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn; mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe máy gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn.

Lưu ý những thiệt hại về xe máy và thân thể của chính bản thân chủ phương tiện (người mua bảo hiểm) gây tai nạn sẽ không được bảo hiểm. Theo điều 12 Thông tư số 22/2016/TT-BTC, bên bảo hiểm sẽ không bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau:

- Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.

- Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.

- Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe.

- Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

- Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

- Chiến tranh, khủng bố, động đất.

- Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

Cung cấp hồ sơ cho công ty BH để nhận tiền đền bù gồm:

- Thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường (giám định viên sẽ đưa mẫu cho người mua BH ghi và nhận).

- Hồ sơ vụ TNGT của cơ quan có thẩm quyền (không bắt buộc CSGT).

- Bản án (nếu có).

- Chứng từ chứng minh thiệt hại tài sản (một hoặc tất cả: Báo giá sửa chữa, hóa đơn, thỏa thuận đền bù, biên bản định giá của hội đồng định giá tài sản).

- Chứng từ chứng minh thiệt hại về người: (Giấy ra viện, kết luận giám định thương tật, thỏa thuận đền bù).


A.Vũ
Cùng chuyên mục