Đây là thông tin tại Hội thảo Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, do Bộ Công Thương tổ chức hôm 10.9. Theo bà Trần Phương Lan - Trưởng ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, hiện nay đang diễn ra tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh nhau để ký các hợp đồng bản quyền truyền hình, đặc biệt là bản quyền truyền hình phát sóng các giải bóng đá hàng đầu thế giới.
Do chi phí mua bản quyền lớn nên giá thuê bao truyền hình trả tiền đã liên tục tăng. Cụ thể, nếu giai đoạn 2007-2010 giá bản quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh ở Việt Nam chỉ 4 triệu USD thì đến giai đoạn 2011-2013 đã là 19 triệu USD, giai đoạn 2013-2016 là 37,5 triệu USD. Như vậy, giá bản quyền này đã tăng gần 200% trong 2 giai đoạn 2011-2013 và 2013-2016.
Người sử dụng truyền hình trả tiền chưa được phục vụ và đảm bảo quyền lợi tốt nhất (ảnh minh họa).
Theo ông Vũ Văn Hiến - Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, có nhiều ý kiến so sánh trong khi giá cước điện thoại đã có cuộc cách mạng giảm xuống rất nhanh thì giá cước truyền hình trả tiền lại tăng.
Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) dẫn chứng trường hợp một hộ gia đình ở Tây Hồ (Hà Nội) khiếu nại Đài truyền hình VTC về việc đài này công bố phát 10 kênh HD nhưng khi phát sóng thực tế chỉ có 3 - 4 kênh mà vẫn thu đủ tiền thuê bao hàng tháng.
Ngoài ra, nhiều trường hợp bán đầu thu cho người tiêu dùng để thu các kênh do đài mình phát, nhưng vì những lý do hành chính lại đột ngột dừng tín hiệu, không một lời giải thích… Đó đều là những hành vi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. “Hàng hóa - thông tin cung cấp cho người tiêu dùng phải trung thực, đầy đủ, chính xác, an toàn và không xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Bà Trần Phương Lan cũng chỉ ra một thực tế là với sức mạnh và vị trí thống lĩnh trên thị trường của nhiều doanh nghiệp tại mỗi khu vực địa lý, các doanh nghiệp này đã ép buộc các nhà cung cấp kênh nội dung phải ký hợp đồng độc quyền. Các doanh nghiệp móc nối với chủ đầu tư các khu đô thị và căn hộ để độc quyền cung cấp dịch vụ truyền hình cáp khiến người tiêu dùng không có quyền lựa chọn dịch vụ. Đây là thỏa thuận hỗn hợp nhưng trong Luật Cạnh tranh hiện nay chưa quy định hình vi này thuộc đối tượng điều chỉnh của luật.
Mai Hương (Mai Hương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.